
Toàn cảnh hội thảo ngày 17-7 tại Hà Nội - Ảnh: B.N.
Thị trường đáp ứng hầu hết yêu cầu nâng hạng?
Ông Bùi Hoàng Hải, phó chủ tịch Tiền đổ cuồn cuộn, chứng khoán thắng lớn: Lợi nhuận vượt mặt vàng và loạt kênh đầu tư
Một điểm kỳ vọng với thị trường, theo ông Hải là nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng nhiều, hơn 13.000 tỉ đồng trong nửa đầu tháng 7.
"Chúng tôi thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài và họ có đánh giá tích cực với cải cách, cố gắng của Chính phủ. Ví như áp dụng cơ chế NPF (Non - Prefunding) cho nhà đầu tư nước ngoài giúp tăng số lượng giao dịch.
Đã có hàng trăm nghìn giao dịch NPF (giao dịch không cần ký quỹ), số lượng NPF chiếm hơn 50% lệnh mua của khối ngoại hiện nay. Đối với cơ chế xử lý giao dịch thất bại, hàng trăm nghìn giao dịch NPF thực hiện thì chỉ một vài giao dịch thất bại và đều có cơ chế xử lý ổn thỏa. Do vậy kỳ vọng nâng hạng khá lớn", ông Hải cho biết thêm.
Theo ông Hải, nâng hạng không phải đích đến, mà chúng ta vẫn phải tiếp tục giải pháp duy trì xếp hạng và hướng đến xếp hạng cao hơn, mà cái cao nhất là phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo hướng ngày càng minh bạch, công bằng, hiện đại đáp ứng chức năng kênh thu hút và phân bổ vốn trung và dài hạn nền kinh tế.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng cho hay đến thời điểm hiện nay ủy ban đã phối hợp với VSDC (Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam) để đưa ra lộ trình, chuẩn bị công bố lộ trình triển khai CCP (cơ chế đối tác bù trừ trung tâm) cho thị trường, dự kiến thời gian chuẩn bị 1 - 1,5 năm để triển khai.
Tiếp theo khi nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài bước vào thì phải có gì cho họ đầu tư. Do vậy chúng ta phải tăng cường minh bạch hóa công bố thông tin, phát triển sản phẩm xanh sạch, ESG phù hợp với các quỹ hiện nay, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn.
Vấn đề thứ 2 là tỉ lệ sở hữu nước ngoài của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay tỉ lệ này cực kỳ phức tạp, hơn 400 doanh nghiệp có tỉ lệ sở hữu bằng 0. Khi thị trường nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài vào nhưng không có room thì sao họ đầu tư.
Ngoài ra, hiện room ngoại cũng bị vướng 2 vấn đề, đó là quy định room nước ngoài rất phức tạp. Nhiều ngành không thực sự cần thiết áp dụng hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài nhưng vẫn áp. Việc các doanh nghiệp đăng ký quá nhiều ngành nghề nhưng không thực sự dùng đến nhưng bị hạn chế khả năng thu hút vốn từ nước ngoài thì rất lãng phí.

Ông Bùi Hoàng Hải (ngồi giữa), phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: B.N.
Dẫn đầu Đông Nam Á về thanh khoản
Cùng quan điểm này, bà Vũ Thị Chân Phương, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước - đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, thanh khoản và chất lượng hàng hóa, dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
"Tính đến phiên hôm qua (16-7), thanh khoản trung bình 10 phiên trên thị trường dẫn đầu Đông Nam Á, đây là thông tin quan trọng cho sự phát triển của thị trường vì các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào sự phát triển của thị trường, ngoài yếu tố như cơ chế, chính sách thị trường thì thanh khoản cũng rất quan trọng", bà Vũ Thị Chân Phương cho hay.
Bà Phương chia sẻ: "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nâng hạng thị trường chứng khoán là giải pháp có tính hiệu quả cao. Chính vì thế từ năm 2022 Nghị quyết 86 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, bền vững đã nêu mục tiêu rất cụ thể là phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, khẩn trương triển khai các giải pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi".
Tiếp đó năm 2023, Thủ tướng cũng phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 và đề ra mục tiêu cụ thể là năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi.
Còn theo bà Nguyễn Ngọc Linh - tổng giám đốc Công ty Chứng khoán DNSE, thời gian vừa qua cơ quan quản lý, đặc biệt Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã tạo cho thị trường, công ty chứng khoán và nhà đầu tư một lộ trình đầy đủ, bài bản, chuyên nghiệp và tiệm cận thông lệ quốc tế.
"Việc cải cách pháp lý và minh bạch thông tin để nhà đầu tư quốc tế dễ dàng tiếp cận thông tin, bãi bỏ yêu cầu pre-funding (ký quỹ trước giao dịch) cho nhà đầu tư nước ngoài từ tháng 11-2024 đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ khối ngoại", bà Linh đánh giá.
Tuổi thọ nhà đầu tư chứng khoán chỉ 2 năm
Theo số liệu của VSDC tính đến 30-6, thị trường chứng khoán có 10,2 triệu tài khoản giao dịch, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 99,82%, nhà đầu tư tổ chức chỉ 0,18% và nhà đầu tư nước ngoài gần 0,5%. Nhà đầu tư cá nhân chiếm đến trên 80% giá trị giao dịch toàn thị trường.
Tuy nhiên theo bà Linh, nhà đầu tư cá nhân có những hạn chế về yếu tố cá nhân, đầu tư ngắn hạn, chưa tin vào chuyên gia mà tin vào bản thân nhiều hơn. Do vậy hầu hết hành động trên thị trường đang bị yếu tố tâm lý và đám đông chi phối.
Chính vì thế có một thống kê là 95% nhà đầu tư đang bị thua lỗ, tuổi thọ trung bình nhà đầu tư tham gia thị trường rất ngắn, họ chỉ tham gia 2 năm và thua lỗ nên rời bỏ thị trường.
