
Nhóm sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng sáng tạo app để kết nối người khiếm thính - Ảnh: NVCC
Từ trải nghiệm giao tiếp khó khăn với một tài xế Găng tay giao tiếp song ngữ Anh - Việt cho người khiếm thínhĐỌC NGAY
Sinh viên Hoàng Gia Huy, trưởng nhóm Adley, giải thích ứng dụng hỗ trợ cả người khiếm thính lẫn người bình thường. Người dùng có thể nhập văn bản, ghi âm hoặc quay video để hệ thống dịch sang ngôn ngữ ký hiệu qua những hình ảnh minh họa sinh động.
Để phát triển app, nhóm Adley ứng dụng công nghệ học máy, huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên tập dữ liệu từ từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam. "Đến hiện tại, dù tốc độ ứng dụng xử lý thông tin vẫn còn hơi chậm nhưng độ chính xác gần như là hoàn toàn", Gia Huy khẳng định.
Không dừng lại ở việc dịch thuật, Adley còn tích hợp thư viện khóa học ngôn ngữ ký hiệu miễn phí kèm theo tùy chọn học chuyên sâu có trả phí. Đặc biệt, ứng dụng còn mở rộng thêm tính năng hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho cộng đồng khiếm thính.
"Nhóm mong muốn mở ra cơ hội học tập cho những người mới bắt đầu, xây dựng một cộng đồng gắn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Bên cạnh đó, nhóm cũng muốn tạo ra một cầu nối với các cơ hội việc làm, góp phần giúp họ cải thiện chất lượng cuộc sống và tự tin hơn trong xã hội", Gia Huy chia sẻ.
Học cách lắng nghe người yếu thế
Với bốn thành viên - Hoàng Gia Huy, Vũ Thị Kim Hương, Vi Hoài Thương (nghiên cứu thị trường), Phạm Bảo Minh Thế (thu thập dữ liệu AI), nhóm đã chia quy trình làm việc thành bốn giai đoạn: hình thành ý tưởng, nghiên cứu và lập kế hoạch, triển khai sản phẩm, hoàn thiện và chuẩn bị thuyết trình.
Tuy nhiên, hành trình ấy không hề bằng phẳng. Khó khăn lớn nhất là tiếp cận cộng đồng khiếm thính để lấy phản hồi thực tế. "Chính những cuộc trò chuyện ấy đã giúp nhóm hiểu hơn về nhu cầu thực sự và tiếp thêm động lực để phát triển dự án một cách ý nghĩa và gần gũi hơn với cộng đồng", Hoài Thương chia sẻ.
Nhìn thấy Adley được xướng tên ở vị trí á quân tại EPICS năm nay, thầy Bùi Xuân Cảnh - giảng viên hướng dẫn dự án - xúc động không chỉ vì thành tích mà hơn hết là vì tinh thần mà các sinh viên đã thể hiện.
"Ban đầu tôi chỉ mong các bạn có thể làm ra một sản phẩm khả thi, có tính ứng dụng và thể hiện được tinh thần trách nhiệm cộng đồng. Nhưng rồi các bạn đã bước ra khỏi "vùng an toàn" của sinh viên kỹ thuật để học cách lắng nghe người yếu thế, đi đến tận cùng câu chuyện của họ và đặt trái tim mình vào sản phẩm", thầy Cảnh tâm sự.
Dự án mang ý nghĩa nhân văn
Đại diện ban giám khảo EPICS năm nay đánh giá dự án Adley đã thể hiện rõ nét tinh thần nhân văn khi công nghệ được đặt trong vai trò kết nối và phục vụ cộng đồng. Theo đó, bên cạnh là một sản phẩm công nghệ hỗ trợ giao tiếp, Adley còn mang theo thông điệp sẻ chia và đồng hành cùng những người yếu thế.
Nhóm sinh viên đã chứng minh được rằng kỹ thuật khi đi cùng thấu cảm sẽ tạo nên những giá trị lan tỏa mạnh mẽ.
