
Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh 2025 vào Đại học Kinh tế TP.HCM - Ảnh: THANH HIỆP
Cùng đạt 100 điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng ở các trường khác nhau, thí sinh được quy đổi thành nhiều mức điểm trong tương quan điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này thể hiện sự thiếu nhất quán và chưa thực sự công bằng trong
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Khó đảm bảo chính xác
Chiều 22-6, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP.HCM bàn về việc quy đổi điểm kỳ thi đánh giá năng lực và học bạ về thang điểm 30. Ông Cù Xuân Tiến, trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết việc quy đổi từ điểm đánh giá năng lực về thang 30 thuận lợi hơn.
Trong khi đó quy đổi điểm học bạ so với điểm thi tốt nghiệp THPT tương đối trở ngại do trường xét theo tổ hợp 3 môn trong khi điểm học bạ bộ công bố theo từng môn. Điểm học bạ và thi tốt nghiệp THPT chênh nhau rất lớn nên phải tính theo tổ hợp rồi quy đổi mới đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Ông Phạm Thái Sơn, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công Thương TP.HCM, cho biết dữ liệu cho thấy thang điểm đang không đồng nhất khi học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT lớn. Trường đang tính toán để có thể đưa ra phương án quy đổi phù hợp nhất.
"Hiện phương án quy đổi đang được xem xét là giảm 2 điểm đối với điểm học bạ và tăng 0,5 điểm cho tổ hợp D01 điểm thi tốt nghiệp THPT", ông Sơn cho biết. Thống kê cho thấy điểm trung bình học bạ môn toán cao hơn điểm thi tốt nghiệp THPT 2,25 điểm, tiếng Anh 1,57, công nghệ công nghiệp 2,26, sinh học 1,83...
Mặc dù Bộ GD-ĐT công bố điểm tương quan gữa điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình các môn ở bậc phổ thông nhưng ông Quách Thanh Hải, phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng dữ liệu này không đảm bảo tính chính xác để trường quy đổi.
Theo ông Hải, đây là dữ liệu học sinh cả nước, không phản ánh chính xác điểm học bạ của thí sinh xét tuyển vào trường.
Cần giải thích cụ thể hơn
Theo một chuyên gia tuyển sinh tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã công bố bách phân vị 7 tổ hợp truyền thống theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và độ lệch điểm giữa 12 môn thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ của thí sinh, tuy nhiên dữ liệu "rất rối và khá khó hiểu", không rõ những số liệu này thể hiện điều gì.
Chuyên gia này cho rằng Bộ GD-ĐT cần giải thích cụ thể hơn để các trường đại học có thể tham khảo và triển khai quy đổi điểm.
Bộ GD-ĐT công bố bảng bách phân vị
Sáng 22-7, Bộ GD-ĐT chính thức công bố bảng bách phân vị 7 tổ hợp truyền thống theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, gồm: A00, A01, B00, C00, C01, D01, D07. Đồng thời công bố độ lệch điểm giữa 12 môn thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ của thí sinh.
Bảy tổ hợp truyền thống được bộ lập bảng bách phân vị là A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, tiếng Anh), B00 (toán, hóa, sinh), C00 (văn, sử, địa), C00 (toán, lý, văn), D01 (toán, văn, tiếng Anh), D07 (toán, hóa, tiếng Anh).
Theo phân tích của Bộ GD-ĐT, 20,25 điểm tổ hợp A00 (toán, lý hóa) tương đương 19 điểm tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh), 22,75 tổ hợp C00 (văn, sử, địa), 16,25 điểm tổ hợp D01 (toán, văn, tiếng Anh), 14,75 tổ hợp D07 (toán, hóa, tiếng Anh).
Đáng chú ý, với bảng tương quan giữa điểm 12 môn thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ trung bình 3 năm học của thí sinh, có độ lệch điểm từ 0,12 - 2,26 điểm.
Theo thống kê, công nghệ công nghiệp có độ lệch điểm lớn nhất với trung bình học bạ là 8,05 so với trung bình điểm thi tốt nghiệp THPT là 5,79, lệch 2,26 điểm.
Kế tiếp là môn toán với điểm trung bình học bạ 3 năm của hơn 1,1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là 7,03, trong khi đó điểm trung bình thi tốt nghiệp là 4,78 (thấp hơn điểm học bạ 2,25 điểm). Nếu chỉ xét điểm trung bình môn toán năm lớp 12, độ lệch điểm lên tới 2,73 điểm.
Môn tiếng Anh, điểm trung bình học bạ của hơn 351.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT là 6,95 thì điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT là 5,38, tương đương lệch 1,57 điểm.
Trong 12 môn thi tốt nghiệp, môn ngữ văn là môn có độ lệch điểm thấp nhất, lệch 0,12 điểm.
Năm nay là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT công bố bảng đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi THPT và kết quả học bạ để các cơ sở đào tạo có căn cứ xác định điểm chênh lệch giữa các tổ hợp nếu có.
