![]() |
Đối tượng |
Tô Thị Ty Na tại cơ quan công an. Ảnh Công an Quảng Nam |
Ở góc nhìn tội phạm học, theo ông Hiếu, đây không chỉ là một vụ án giết người mà là một bi kịch đạo lý. Người mẹ trong vụ việc đã không còn là chủ thể của yêu thương, mà trở thành kẻ lạnh lùng lên phương án sát hại chính con đẻ mình.
“Thứ khiến ta rùng mình không phải là hung khí, mà là cái cách tội ác được che giấu bằng nụ cười, bằng tiếng ru, bằng danh xưng “mẹ”. Khi bản năng bảo vệ con của một người mẹ bị thay thế bởi tính toán vật chất, đó là dấu hiệu cho thấy ranh giới giữa người và thú đã bị xóa nhòa” – Tiến sĩ Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.
Điều khiến vị chuyên gia tội phạm học trăn trở hơn cả chính là sự “hợp pháp hóa” của tội ác này bằng những công cụ rất đời thường là những bản hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Đáng lẽ ra đây phải là tấm chắn yêu thương, thì trong một số vụ việc gần đây, bảo hiểm lại trở thành động cơ, thậm chí là công cụ cho hành vi sát nhân.
"Một vùng tối tâm lý đáng để xã hội nhìn lại"
“Một người không nghề nghiệp ổn định, hai lần có con tử vong trong hoàn cảnh giống nhau, nhưng vẫn có thể ký những hợp đồng trị giá tiền tỷ mà không bị bất kỳ hệ thống nào cảnh báo. Vậy hệ thống quản lý đang ở đâu? Quy trình giám sát hợp đồng ra sao? Ai chịu trách nhiệm khi “lá chắn bảo vệ” vô tình biến thành “giấy phép giết người”?” – ông Hiếu đặt ra hàng loạt câu hỏi cần được giải đáp.
![]() |
Tiến sĩ, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu. |
Ông Hiếu cho rằng: “không có giải pháp duy nhất để ngăn chặn những vụ việc tương tự”. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn ngành bảo hiểm cần rà soát lại toàn bộ quy trình đánh giá rủi ro, bổ sung những tiêu chí đạo lý trong việc xét duyệt hợp đồng nhân thọ.
Bên cạnh đó, cần đào tạo lại đội ngũ tư vấn, không chỉ biết chốt sale, mà còn có khả năng đánh giá các dấu hiệu bất thường về mặt xã hội học, tâm lý học. Và quan trọng hơn cả, là cần xây dựng những mạng lưới hỗ trợ cộng đồng, kết nối với những người phụ nữ đang đơn độc, đang khủng hoảng để họ không trượt dài vào bóng tối”.
"Phía sau hành vi phạm tội là một vùng tối tâm lý đáng để xã hội nhìn lại. Trong đời sống hiện đại, khi đồng tiền chi phối mọi mối quan hệ, khi giá trị con người bị đo bằng số dư tài khoản, thì không ít "tâm hồn yếu ớt" có thể coi cái chết của người thân như một “cơ hội tài chính cuối cùng”. Đặc biệt là với những phụ nữ đơn thân, sống trong bế tắc, thiếu kết nối xã hội thì họ có thể trượt dốc rất nhanh trong sự lặng lẽ, cho đến khi bi kịch nổ ra..." - ông Hiếu nhận định.
Theo ông Hiếu, pháp luật chắc chắn sẽ đưa "người mẹ" này ra xét xử nghiêm minh, và với tính chất đặc biệt nghiêm trọng của tội giết người có động cơ đê hèn, hình phạt cao nhất hoàn toàn có thể được áp dụng. Nhưng bản án của tòa án không thể kết thúc được một bi kịch đạo đức. Bởi điều cần thiết hơn là xã hội phải tự hỏi “chúng ta đã làm gì để những đứa trẻ thay vì được yêu thương lại bị định giá bằng hợp đồng bảo hiểm?”
Có thể nếu không có “tiếng nói” của pháp luật sẽ còn những đứa trẻ khác tiếp tục bị mang ra “đánh cược” với đồng tiền. Vậy nên vụ án này cần được nhìn rộng hơn, sâu hơn, như một lời cảnh tỉnh cho xã hội.
Với tội danh “Giết người” kèm tình tiết tăng nặng, Tô Thị Ty Na có thể đối mặt án tử. Công lý đang được thực thi, nhưng nỗi đau để lại từ vụ án này liệu có thể nguôi ngoai?