
Quy trình lành vết thương ở người và động vật có vú vẫn diễn ra theo các bước giống nhau, nhưng tốc độ lại khác nhau - Ảnh minh họa: AI
Hiểu được lý do tại sao vết thương của con người lành chậm có thể mang đến những ứng dụng quan trọng trong y học tái tạo, điều trị vết thương mãn tính (như loét do Công nghệ đột phá biến mô thành da chữa nhiều dạng vết thươngĐỌC NGAY
Để đo tốc độ phục hồi, các nhà khoa học tạo vết thương dài 4cm trên cơ thể một số con khỉ được gây mê tại Viện Nghiên cứu linh trưởng Kenya.
Với tinh tinh, họ phân tích ảnh chụp vết thương tự nhiên trên cơ thể năm con khỉ sống tại Khu bảo tồn Kumamoto, Nhật Bản. Còn với con người, họ theo dõi tiến trình lành vết mổ ở 24 bệnh nhân vừa phẫu thuật cắt u da tại Bệnh viện Đại học Ryukyus, Nhật Bản.
Kết quả cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tốc độ lành vết thương giữa các loài linh trưởng, cũng như giữa các loài linh trưởng và chuột, chuột cống. Tuy nhiên vết thương ở người lại lành chậm hơn rõ rệt, gần như là một đặc điểm tiến hóa riêng biệt chỉ có ở loài người.
Dù tốc độ khác nhau, quy trình lành vết thương ở người và động vật có vú vẫn diễn ra theo các bước giống nhau: hình thành cục máu đông để cầm máu, sau đó là các tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính và đại thực bào đến tiêu diệt vi khuẩn và dọn dẹp mô hoại tử.
Tiếp theo, tế bào sợi tạo collagen, thành phần chính của mô liên kết, giúp tái cấu trúc tổn thương, đồng thời các mao mạch mới hình thành để cung cấp dưỡng chất cho vùng da bị tổn thương.
Một số loài, như chuột và mèo, còn có thêm cơ chế co rút vết thương, kéo mép vết thương lại với nhau như khi khâu vá, giúp tăng tốc độ phục hồi.
Tiến hóa để… vết thương chậm lành hơn?
Từ góc độ sinh học tiến hóa, việc lành vết thương chậm là điều "ngược đời". Tốc độ lành vết thương ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sống sót của sinh vật, đặc biệt là trong tự nhiên, nơi nguy cơ nhiễm trùng hoặc bị săn mồi luôn rình rập.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng con người có thể đã tiến hóa chậm lành vết thương sau khi tách khỏi tổ tiên chung với tinh tinh cách đây khoảng 6 triệu năm.
Một trong những giả thuyết được đưa ra là sự thay đổi trong cấu trúc da của con người: mật độ tuyến mồ hôi cao hơn đã dẫn đến việc giảm mật độ lông, làm cho da tiếp xúc nhiều hơn với môi trường và dễ tổn thương hơn. Để bù lại, làn da con người đã tiến hóa để dày hơn, tăng khả năng bảo vệ, nhưng đồng thời khiến quá trình hồi phục trở nên chậm hơn.
Ngoài ra, đời sống xã hội phức tạp và khả năng sử dụng dược liệu, thảo dược, băng bó, chăm sóc vết thương có thể đã cho phép tổ tiên chúng ta tồn tại và sinh sản ngay cả khi quá trình lành vết thương diễn ra chậm hơn.
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn các yếu tố di truyền, tế bào, hình thái học và dữ liệu hóa thạch liên quan đến tiến hóa tốc độ lành vết thương ở người.
