Từ Đà Nẵng mong muốn mọi người dân đều có thể tiếp cận, ứng dụng AI. Chị Đỗ Thị Phượng Liên (Phòng Truyền thông và sự kiện, Trung tâm IOC), kể rằng để viết được những bài viết về AI mà mọi người đọc đều hiểu, chị cùng các cộng sự ở trung tâm phải là người sử dụng, trải nghiệm thường xuyên. “Mỗi tuần chúng tôi sẽ có 2 bài viết mới đăng trên Tổng đài với nội dung mới mẻ, bắt kịp những tính năng, thay đổi của AI. Do đó, ai cũng phải học và cập nhật AI thường xuyên”, chị nói. “AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Từ việc tự động hóa trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe, cho đến giáo dục, AI đã chứng minh được vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Tuy nhiên, để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi người dân cần phải chủ động học hỏi và tiếp cận với công nghệ hiện đại. Bình dân học AI hướng đến mọi tầng lớp, từ thành thị đến nông thôn, giúp mọi người có thể nắm bắt được kiến thức cơ bản về AI, từ đó ứng dụng vào thực tiễn, nâng cao chất lượng cuộc sống”. Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm IOC Công nghệ vốn khô khan, để nó mềm mại, dễ tiếp cận hơn, mọi người đã chuyển những bài viết về AI thành những mẩu chuyện có nhân vật, có đối thoại, giọng văn vừa gần gũi vừa hóm hỉnh, “bắt trend” khiến người đọc có cảm giác như đang đọc một cuốn truyện giải trí, xong tập này lại nôn nao đợi đến tập sau. Đến giữa tháng 4, sau một tháng triển khai, truyện “Bình dân học AI” đã ra được 10 tập. Từ chỗ ngỡ ngàng AI là con gì, giờ nhiều người hở ra là lại lôi AI ra sử dụng. Làm thơ, làm slide, viết bài quảng cáo, lập bảng thống kê…, thậm chí khi buồn cũng tâm sự với AI. Rất nhiều bình luận để lại bên dưới các tập truyện: tiện quá; 100% giáo viên tại trường đã ứng dụng AI vào giảng dạy; hóng tập tiếp theo; đã làm slide bằng AI, quá nhanh gọn lẹ… Những bài viết trên chuyên mục “Bình dân học AI” gần gũi, cuốn hút người dân. Chị Lê Thị Huyền (36 tuổi, quận Cẩm Lệ) làm nghề bán hàng online, mỗi lần muốn giới thiệu sản phẩm trên mạng, chị lại đau đầu không biết viết bài như thế nào để được mọi người chú ý. “Tình cờ tôi biết được chuyên mục Bình dân học AI và theo dõi, tập tành làm theo các bài hướng dẫn. Không ngờ sử dụng AI chẳng khó như mình nghĩ. Bây giờ các bài viết bán hàng của tôi đều giao cho AI xử lý, thậm chí AI còn tư vấn cho tôi nên nhắm vào đối tượng nào, bán hàng gì, quá tuyệt vời”, chị nói. Không ai bị bỏ lại phía sau Những lớp tập huấn về AI dần phủ sóng khắp thành phố, giúp người dân có thể ứng dụng công nghệ này trong cuộc sống, công việc. Không chỉ phủ sóng AI bằng hình thức online, Trung tâm IOC còn đến tận từng địa bàn tập huấn, đặc biệt tại các ủy ban quận, phường để giúp cán bộ, nhân viên ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính, quản lý công việc trơn tru. Anh Trương Văn Khải (Phòng Giám sát dịch vụ đô thị thông minh, Trung tâm IOC) nhìn nhận, công việc văn phòng, hành chính có rất nhiều khâu có thể ứng dụng AI để hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa biết hoặc biết qua loa nên sử dụng AI không hiệu quả. Trong các lớp tập huấn, anh cùng đồng nghiệp giới thiệu Chat GPT, Gemini, DeepSeek, Grok… Đồng thời hướng dẫn chi tiết, cụ thể từ cách tải ứng dụng, sử dụng câu lệnh, quản lý dữ liệu, đạo đức khi dùng AI… “Sau buổi tập huấn, nhiều cán bộ liên hệ hỏi thêm về AI vì rất hứng thú, có người còn khoe đã xử lý công việc nhanh gọn nhờ AI. Đó là tín hiệu rất đáng mừng”, anh Khải bày tỏ. Đà Nẵng phủ sóng AI để thành phố ngày càng hiện đại, năng động hơn. Ảnh: Thanh Hiền Được tham dự buổi tập huấn kỹ năng kiến thức cơ bản về AI, hàng trăm cán bộ, công chức, thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng và Đề án 06 trên địa bàn phường Thuận Phước, quận Hải Châu say mê khám phá các tính năng của AI. Ai cũng muốn mình bắt kịp guồng quay của công nghệ, không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Lê Tú Anh, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước, chia sẻ, việc trang bị kiến thức, kỹ năng về AI không chỉ giúp nâng cao trình độ bản thân mà còn giúp cộng đồng ngày càng phát triển bền vững trong kỷ nguyên số. Do đó, phường khuyến khích cán bộ, nhân viên cũng như người dân tích cực tìm hiểu, học hỏi về AI. Những lớp học AI lưu động vẫn đang lan rộng đến nhiều địa bàn, nhiều đối tượng, trong đó có cả người khuyết tật để sóng AI phủ khắp toàn thành phố, giúp thành phố đáng sống ngày càng hiện đại, năng động. Tuổi già làm bạn với AI Bình dân học AI vẫn đang ra những tập tiếp theo và không ấn định thời gian kết thúc. Trong các tập đã đọc, ông Trần Chinh (67 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) ưng ý nhất bài “AI - Từ gà mờ đến cao thủ”, bởi nhờ bài viết này mà ông không còn ngần ngại với công nghệ vì lý do tuổi tác. Ông tiếp tục đọc những tập về giao tiếp với AI, Google Gemini, khám phá NotebookLM. “Tôi lớn tuổi rồi nhưng khi đọc vẫn hiểu và mày mò ứng dụng được một số tính năng của AI thì chắc chắn lớp trẻ dùng AI dễ ợt. Hy vọng Bình dân học AI sẽ có nhiều bài viết thiết thực, gần gũi hơn nữa để mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng AI”, ông nói.
Phủ sóng AI cho thành phố đáng sống
09:00 29/04/2025
TP - Trong khi trí tuệ nhân tạo (AI) đã gần như phổ biến với các bạn trẻ, nhiều người vẫn coi đó là công nghệ cao siêu, khó tiếp cận. Với mong muốn ai cũng hiểu biết về AI, ứng dụng thuần thục trong đời sống, công việc, Đà Nẵng miệt mài phủ sóng AI cho người dân toàn thành phố.
Khát vọng và sứ mệnh của thanh niên Đà Nẵng trong kỷ nguyên vươn mình