
Những tấm ảnh chụp kỷ niệm cùng đồng đội được bà Hà gìn giữ như báu vật
Ở tuổi 79, ký ức một thời hoa lửa vẫn vẹn nguyên với bà. Cô
Dù chiến tranh đã qua, bà Hà vẫn luôn sống mãi với một thời hoa lửa - Ảnh: NGỌC SANG
"Tôi luôn tự hào"
Năm 1969, trong một trận bom bất ngờ, bà Hà bị mảnh bom găm vào vùng tay chân và cả lưng. Vết thương rất nặng, sâu hoắm tận xương khiến bà phải rời đơn vị, để lại đồng đội mà đầy tiếc nuối.
Về hậu phương với những mảnh sắt nằm trong thịt, bà vẫn làm việc như một người lính, lần này là trên công trường vật liệu xây dựng.
"Tôi không muốn ngồi yên, tôi muốn tiếp tục góp sức, dù không còn ở tuyến lửa" - bà Hà chia sẻ.
Về sau, bà chuyển công tác và lập gia đình với một người bộ đội cùng quê hương. Bà kể ông từng nói với bà: "Em là cô gái mạnh mẽ nhất anh từng gặp".
Có với nhau bốn mặt con, nhưng những điều đẹp đẽ và hạnh phúc thường ngắn ngủi, chung sống với nhau được 8 năm thì chồng bà mất vì bệnh. Một mình bà ở vậy nuôi con cho tới bây giờ.
Sau khi đất nước giành được độc lập, những đồng đội còn sống sót mỗi người một phương. Nhưng mỗi năm vào ngày 27 - 7, họ đều tìm về họp mặt, ôm nhau mà khóc, hát những bài năm xưa, cùng ôn lại những câu chuyện về một thời khói lửa đạn bom.
Giờ đây, dù tuổi cao, mắt kém, lưng đau mỗi khi trái gió trở trời vì những mảnh đạn cũ nhưng bà Hà vẫn kể chuyện cho con cái, cho trẻ con trong xóm nghe về "các cô thanh niên xung phong ngày xưa". Mỗi câu chuyện là một mảnh ký ức mà bà gìn giữ như bảo vật.
Bà vẫn hát những bài ca cách mạng, sáng tác những vần thơ tự hào về một thời tuổi trẻ hào hùng, về nhiều đồng đội ngã xuống, và cả chuyện về những tình yêu thương chắt chiu từ những ngày gian khó.
"Tôi luôn tự hào khi được lên đường ra tiền tuyến góp sức cho ngày toàn thắng của dân tộc" - bà Hà chia sẻ.
Gia tài của bà chẳng có gì ngoài những tấm bằng khen, những bức ảnh bà thời trẻ - một thời mắt sáng, vai thẳng, đầu đội nón tai bèo, tay cầm cuốc.
Một thời con gái bà gửi lại nơi rừng sâu đầy bom đạn, nay chỉ còn lại trong những vần thơ và ký ức. Nhưng trong ánh mắt của con cháu, bà vẫn là người hùng, một người hùng tóc bạc mang trong tim thời hoa lửa không thể nào quên.
Mở quyển sổ tay, bà Hà đọc bài thơ Hồi tưởng mà mình sáng tác với giọng đầy tự hào:
"Dù cho trăm núi
nghìn phương
Không bằng nhiệm vụ
mở đường Trường Sơn
Có gì nguy hiểm nào hơn
Mưa bom bão đạn
coi thường gian nguy
...
Tấm thân được chiếu
võng dù
Cành cây làm lán,
ngủ thì đêm trăng...".
Hồi đó, đẹp nhất là được sống, được yêu và được hy sinh cho Tổ quốc. Có những lúc ranh giới sinh tử mong manh nhưng những cô gái thanh niên xung phong như bà Hà vẫn không hề sợ hãi.
"Chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức mình, cứ nghe tiếng bom dội là chúng tôi ra phá đá mở đường ngay, bởi vì chỉ cần một phút ngừng là miền Nam thêm đổ máu" - bà Hà chia sẻ.
