Nhiều nước giận dữ, muốn kiện mức thuế lịch sử của ông Trump

TPO - Ngày 2/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời tăng thuế suất với một số đối tác thương mại lớn. Động thái này ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nhiều quốc gia, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.

Căng thẳng thương mại bùng phát

Theo thông báo từ Nhà Trắng, Canada và Mexico sẽ không bị áp mức thuế 10% mới, song nhiều mặt hàng từ hai quốc gia này vẫn phải chịu thuế lên đến 25% do những tranh chấp liên quan đến kiểm soát biên giới và buôn bán fentanyl - thuốc giảm đau.

Các nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra những phản ứng gay gắt trước quyết định của ông Trump, lo ngại rằng động thái này có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.

Nhiều nước giận dữ, muốn kiện mức thuế lịch sử của ông Trump ảnh 1

Các nước lên tiếng sau trước quyết định áp thuế của Tổng thống Mỹ.

Canada tuyên bố đáp trả

Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết chính phủ nước này sẽ thực hiện các biện pháp đối phó nhằm bảo vệ người lao động và nền kinh tế. Ông tuyên bố "Chúng tôi sẽ chiến đấu với các biện pháp thuế quan này bằng các biện pháp đối phó, bảo vệ người lao động và xây dựng nền kinh tế mạnh nhất trong G7".

Brazil cân nhắc kiện lên WTO

Bộ Ngoại giao Brazil bày tỏ sự tiếc nuối và tuyên bố có thể đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). "Chính phủ Brazil đang xem xét tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo tính tương hỗ trong thương mại song phương, bao gồm cả việc khiếu nại lên WTO nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia", ông cho biết.

Úc: "Không phải hành động của một người bạn"

Thủ tướng Úc Anthony Albanese chỉ trích quyết định của Washington: "Các mức thuế của chính quyền Trump không có cơ sở hợp lý và đi ngược lại tinh thần quan hệ đối tác giữa hai quốc gia chúng ta. Đây không phải là hành động của một người bạn".

Hàn Quốc lo ngại khủng hoảng thương mại

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo cảnh báo về nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu: "Chính phủ phải dốc toàn lực để vượt qua khủng hoảng thương mại này".

Liên minh châu Âu chỉ trích mạnh mẽ

Nhiều nước EU cũng bày tỏ quan ngại trước quyết định của Washington.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cam kết bảo vệ doanh nghiệp và người lao động.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson kêu gọi đối thoại: "Chúng tôi không muốn một cuộc chiến thương mại, chúng tôi muốn hợp tác với Mỹ để cải thiện đời sống người dân".

Thủ tướng Ireland Micheal Martin lên án việc Mỹ áp thuế 20% lên hàng hóa từ EU: "Tôi tin chắc rằng thuế quan không mang lại lợi ích cho bất kỳ ai".

Chủ tịch Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) Manfred Weber tuyên bố châu Âu sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình: "Thuế quan của Donald Trump không bảo vệ thương mại công bằng mà chỉ gây tổn hại cho cả hai bờ Đại Tây Dương."

Colombia và New Zealand theo dõi sát tình hình

Bộ trưởng Ngoại giao Colombia Laura Sarabia khẳng định chính phủ sẽ đưa ra biện pháp nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết nước này đang làm việc với chính quyền Mỹ để đánh giá tác động của chính sách mới.

Việc Mỹ áp thuế mạnh tay lên hàng nhập khẩu khiến nhiều chuyên gia cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế do chi phí sản xuất tăng cao và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và kinh tế đang leo thang, giới quan sát lo ngại rằng động thái của Washington có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại quy mô lớn, tác động tiêu cực đến cả Mỹ và các đối tác trên toàn thế giới.

Theo Reuters