Nhiều dự án trọng điểm gặp khó về GPMB, Hà Nội đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng

TPO - Hiện thành phố đã, đang và sẽ triển khai hàng loạt dự án trọng điểm, nhưng GPMB là vấn đề then chốt. UBND thành phố đã đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để triển khai chương trình này, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.

Chiều ngày 8/7, HĐND TP. Hà Nội tiếp tục làm việc với phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và dự thảo một số nghị quyết được UBND TP. Hà Nội trình xem xét tại kỳ họp.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Đàm Văn Huân (Tổ 2) cho rằng, trong 6 tháng đầu năm, có 13.927 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có đến hơn 24.200 doanh nghiệp dừng hoạt động. Như vậy, số doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động cao gần gấp đôi so với doanh nghiệp thành lập mới. Đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cũng như mục tiêu tăng trường 8% nếu thành phố không có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho rằng, số doanh nghiệp dừng hoạt động tăng cao cho thấy sức khỏe của nền kinh tế. Do đó, thành phố phải quan tâm và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm nhiều là mô hình chính quyền địa phương hai cấp sau một thời gian hoạt động. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho rằng, sau khi đi vào hoạt động, mô hình chính quyền địa phương hai cấp đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Ví như, công tác cán bộ, cơ chế chính sách, chuyển giao các dự án, giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án trọng điểm gặp khó về GPMB, Hà Nội đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng ảnh 1

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (ngồi giữa)

Đại biểu Nguyễn Hồng Minh, phường Hai Bà Trưng cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp nhận được sự đồng lòng của nhân dân rất cao. Dù vậy, thành phố cũng cần xem xét, đào tạo bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở. Nguyên nhân là có hiện tượng “đá chéo sân”, ví như cán bộ Ban Đảng lại sang chính quyền và ngược lại. Vì vậy, thời gian đầu tiếp cận công việc sẽ khó khăn, nên thành phố cần quan tâm, đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề giao thông, trật tự đô thị…

Nhiều dự án gặp khó về giải phóng mặt bằng

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, những vấn đề đại biểu trao đổi thành phố đã nắm được và đang tìm hướng tháo gỡ.

Theo ông Tuấn, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 thì trong 6 tháng cuối năm thành phố phải tăng trưởng 9%. Để đạt mục tiêu này, thành phố đang tập trung phát triển hạ tầng đô thị, trọng điểm là giao thông.

“Trong 6 tháng cuối năm, thành phố sẽ khởi công 8 cây cầu mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ triển khai hệ thống đường sắt đô thị Nam Thăng Long- Trần Hưng Đạo (tuyến số 2) và Hồ Tây- Hòa Lạc (tuyến số 5) nối với khu công nghệ cao Hòa Lạc”, ông Tuấn thông tin.

Nhiều dự án trọng điểm gặp khó về GPMB, Hà Nội đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng ảnh 2

Đại biểu HĐND thành phố thảo luận tại phiên họp chiều ngày 8/7

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, trở ngại lớn với các dự án giao thông tại Hà Nội là công tác GPMB. Như Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô đoạn qua Hà Nội, Quốc hội giao năm 2024 phải xong GPMB. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vài % chưa xong GPMB liên quan đến tái định cư, tạm cư, nguồn gốc đất…Đến nay, GPMB của dự án đã chậm tiến độ 1 năm và chắc phải hết năm 2025 mới hoàn thành.

Bên cạnh đó, một số dự án như nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6, Quốc lộ 21, Dự án đường Tây Thăng Long kéo dài và 8 cây cầu đã và đang triển khai thì GPMB là then chốt. UBND thành phố đã đề xuất Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để triển khai chương trình này, ông Tuấn nói.