Đối mặt với “ba cái không lớn”
Năm 2019, trước yêu cầu cấp bách phải tự sản xuất thiết bị mạng 5G để bảo vệ an ninh quốc gia và giảm phụ thuộc vào nước ngoài, dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc phòng, VHT đã chủ trì nghiên cứu, chế tạo trạm thu phát gốc 5G gNodeB hỗ trợ 8 anten thu phát (8T8R).
![]() |
Công trình nghiên cứu trạm thu phát gốc 5G là một trong 14 công trình của VHT đoạt Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo trong Quân đội lần thứ 25. |
Thiếu tá Hoàng Đinh Hải Truyền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thiết bị vô tuyến băng rộng và Trung tá Nguyễn Chí Linh - Phó Giám đốc Trung tâm, đã vượt qua những thách thức không tưởng để hoàn thành công trình đoạt giải Nhất của Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp toàn quân.
![]() |
Hệ thống mô phỏng huấn luyện kỹ chiến thuật trinh sát đặc nhiệm tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. |
Trung tá Linh chia sẻ, khó khăn chồng chất ngay từ những ngày đầu. Nhóm nghiên cứu phải đối mặt với “ba cái không lớn”: Không có chip chuyên dụng, không có phần mềm sẵn có và thiếu hụt chuyên gia sâu về 5G. Thế nhưng, với tinh thần sáng tạo và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, họ đã tìm ra lối đi riêng. Thay vì chờ đợi chip, nhóm nghiên cứu quyết định tự thiết kế phần cứng cho bộ phận vô tuyến 5G, tận dụng phần cứng máy tính phổ thông và tự hoàn thiện phần mềm xử lý tín hiệu.
Sau hơn bốn tháng làm việc không ngừng nghỉ, vào đêm 31/10/2019, biểu tượng sóng 5G Viettel lần đầu tiên sáng lên trong phòng thí nghiệm. Hơn hai tháng sau, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị “Make in Viettel”. Đây là dấu mốc lịch sử, đưa Việt Nam chính thức trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới tự sản xuất được thiết bị 5G, sánh ngang các cường quốc công nghệ.
“Càng tiến sâu vào quá trình hoàn thiện, chúng tôi nhận rõ sản phẩm dù đã phát sóng thành công, nhưng vẫn còn thiếu nhiều tính năng để có thể thương mại hóa. Nếu không thay đổi cách làm, sản phẩm sẽ chỉ dừng lại ở mức trưng bày, giới thiệu công nghệ, chưa thể đáp ứng yêu cầu triển khai thực tế trên quy mô lớn”, Trung tá Linh cho biết.
Để thay đổi điều này, nhóm nghiên cứu chọn cách làm 5G khác biệt khi lựa chọn kiến trúc mở (Open RAN) trên nền tảng phần cứng mở phổ thông (Máy chủ thương mại); hợp tác với Intel tiếp nhận miễn phí bản quyền phần mềm xử lý tín hiệu băng gốc 5G; chuyển giao phần mềm đáp ứng 70% tính năng cơ bản và tự phát triển 30% tính năng nâng cao, làm chủ công nghệ lõi để rút ngắn thời gian nghiên cứu ra sản phẩm thương mại.
“Từ việc nghiên cứu trạm gốc 5G đầu tiên với cấu hình cơ bản, đến nay chúng tôi đã làm chủ và phát triển loạt sản phẩm từ 4T4R đến 8T8R, và đang tiến bước lên 32T32R và 64T64R - tức là tiệm cận chuẩn thế giới về năng lực phát sóng. Hệ sinh thái sản phẩm 5G Viettel có các chỉ tiêu, tính năng tương đương với các sản phẩm nước ngoài, tốc độ tải xuống của 5G cao hơn gấp 10 lần 4G, hỗ trợ hàng nghìn thuê bao và có độ trễ siêu thấp”, Trung tá Linh cho biết thêm.
Sản phẩm trạm gốc 5G “Make by Viettel” đã được triển khai thực tế tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước và không ngừng mở rộng. Đồng thời vươn ra thị trường quốc tế với những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường khắt khe như Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Viettel đang xúc tiến đàm phán mở rộng thị trường tại Trung Đông, châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc.
Làm chủ công nghệ tiên tiến
Trước đây, việc huấn luyện bắn súng gây tốn kém không nhỏ chi phí đạn dược, bảo trì khí tài và luôn tiềm ẩn rủi ro về an toàn. Huấn luyện chiến thuật thiếu thực tế vì học viên chỉ tập thao tác trên mô hình, không có đối thủ hay cảm giác chiến đấu thực sự. Với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả huấn luyện, nhóm nghiên cứu ở Trung tâm Mô hình Mô phỏng của VHT, gồm Trưởng phòng Nghiên cứu công nghệ thực tế ảo tăng cường hỗn hợp Nguyễn Đức Thành cùng hai kỹ sư Phạm Ngọc Chung và Hoàng Kim Đức đã phát triển một hệ thống mô phỏng hoàn chỉnh, tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất. Công trình đã giành giải Nhì của Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội.
Điểm nhấn của hệ thống mô phỏng huấn luyện kỹ chiến thuật trinh sát đặc nhiệm là công nghệ bộ tạo giật không dây được nghiên cứu và chế tạo ngay tại Việt Nam. Thiết bị này dễ dàng lắp đặt vào súng thật mà không làm ảnh hưởng đến cấu trúc ban đầu, nhưng lại mô phỏng chính xác cảm giác giật khi bắn đạn thật. Đây là sản phẩm mô phỏng đầu tiên tại Việt Nam, có thể hỗ trợ nhiều loại súng từ K54, AK, SVD cho đến các dòng súng NATO như Glock, M4/M16.
Cùng với đó, công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong huấn luyện chiến thuật. Hệ thống đồng bộ hóa súng, người tập và kính thực tế ảo trong không gian ba chiều theo thời gian thực. Một điểm đặc biệt là giải pháp động học ngược do VHT phát triển, người dùng chỉ cần đeo các cảm biến nhỏ trên tay, chân là có thể hiển thị toàn bộ chuyển động cơ thể trong môi trường ảo, giúp giảm thời gian chuẩn bị huấn luyện xuống chỉ còn dưới 2 phút.
“Phần mềm còn cho phép người dùng tự do thiết lập tình huống tác chiến, thậm chí di chuyển lên xuống cầu thang trong thế giới ảo dù thực tế đang đi trên mặt phẳng, tái hiện các kịch bản chiến đấu phức tạp mà khó thực hiện ngoài đời”, anh Nguyễn Đức Thành chia sẻ.
Thành công của hệ thống mô phỏng không chỉ dừng lại trong nước. Trong nửa đầu năm 2025, Viettel đã ký các hợp đồng trị giá gần 2 triệu USD để cung cấp hệ thống mô phỏng huấn luyện bắn súng cho lực lượng cảnh sát quốc gia Philippines. Đối tác Philippines đánh giá rất cao sản phẩm của Viettel, đặc biệt là khả năng tùy biến cao và giá thành cực kỳ cạnh tranh, giúp họ nâng cao rõ rệt năng lực huấn luyện và tiếp tục đặt hàng cho các giai đoạn tiếp theo.
Quá trình nghiên cứu và phát triển để đáp ứng yêu cầu từ Philippines cũng là một minh chứng cho tốc độ và năng lực của VHT. Trong khi các hãng lớn trên thế giới thường mất từ 9 đến 12 tháng để tạo ra một bản thử nghiệm cho dòng sản phẩm mới, VHT chỉ mất 8 tháng để hoàn thiện toàn bộ quá trình, từ thiết kế lại hệ thống mô phỏng, tạo ra phiên bản mẫu cho 3 loại súng NATO mới đến sản xuất hàng loạt.
