
Toàn cảnh các hồng y trong nhà nguyện Sistine cổ kính để bầu chọn giáo hoàng kế nhiệm - Ảnh: AFP
Cuộc bỏ phiếu mang tầm vóc tôn giáo toàn cầu được thực hiện trong bí mật tôn kính, thiêng liêng và đã trải nhiều thế kỷ.
Trong suốt chiều dài lịch sử Giáo hội Công giáo hơn 2.000 năm, những quy định về Mật nghị hồng y đã dần được hình thành và hoàn thiện qua biết bao biến cố lịch sử cùng những lần cải tổ, thay đổi sâu rộng.
Khác với hiện nay, trong khoảng 1.200 năm đầu của lịch sử Giáo hội Công giáo La Mã, cộng đoàn địa phương cũng được tham gia bầu chọn giáo hoàng. Các giáo sĩ sẽ lựa chọn ứng viên qua sự đề cử từ giáo dân và các giám mục sẽ là người chọn ra vị giáo hoàng kế nhiệm.
Theo dòng lịch sử
Tuy nhiên, sự can thiệp của các thế lực chính trị, đặc biệt là hoàng đế các đế quốc
Khói trắng bốc lên từ ống khói nóc nhà nguyện Sistine đêm 13-3-2013, khi cố Giáo hoàng Francis chính thức được chọn làm giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo - Ảnh: AFP
Thánh lễ, phiếu bầu và sự cầu nguyện
Khi giáo hoàng qua đời hoặc từ nhiệm, Giáo hội bước vào thời kỳ "Trống tòa". Ở giai đoạn này, tất cả các hồng y của Giáo hội, kể cả những vị trên 80 tuổi, sẽ tổ chức các phiên họp toàn thể để thảo luận về các vấn đề của Giáo hội, công tác chuẩn bị tang lễ cho cố giáo hoàng và định ngày bắt đầu Mật nghị hồng y.
Các cuộc họp này cũng là cơ hội để thảo luận về định hướng cho Giáo hội, những thách thức đối diện và các yếu tố quan trọng cho tân giáo hoàng.
Theo Vatican, kỳ Mật nghị hồng y năm 2025 sẽ khai mạc ngày 7-5. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại có hơn 120 hồng y cử tri và cũng là lần đầu các hồng y châu Âu không chiếm đa số.
Đúng 10h sáng 7-5, các hồng y sẽ tham dự Thánh lễ "pro eligendo Pontifice" tại Vương cung thánh đường Thánh Peter do niên trưởng hồng y đoàn - Hồng y Giovanni Battista Re, chủ trì. Sau đó các ngài sẽ di chuyển đến nhà khách Santa Marta (nhà khách Thánh Marta) để lưu trú trong thời gian diễn ra mật nghị.
Buổi chiều cùng ngày, các hồng y sẽ tập trung tại nhà nguyện Pauline của Điện Tông tòa và di chuyển sang nhà nguyện Sistine. Tại đây các hồng y sẽ bắt đầu bằng lời nguyện cổ "Veni Creator Spiritus" và tuyên hứa sẽ tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của Mật nghị hồng y.
Các ngài cũng tuyên thệ sẽ giữ bí mật tuyệt đối về những gì diễn ra trong suốt và sau kỳ mật nghị cầu xin Chúa Thánh thần soi sáng để có thể chọn ra vị giáo hoàng mới dẫn dắt Giáo hội.
Sau lời tuyên thệ, trưởng ban nghi lễ phụng vụ của Giáo hoàng - Giám mục Diego Ravelli - hô to: "Extra omnes!" (Tất cả ra ngoài!), yêu cầu mọi người không phận sự rời khỏi nhà nguyện Sistine, chính thức cách ly các hồng y cử tri với thế giới bên ngoài.
Việc cách ly các hồng y với bên ngoài nhằm giúp các ngài có thể tĩnh tâm, đưa ra chọn lựa thấu đáo mà không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tác động nào. Cánh cửa đóng lại cũng là lúc mật nghị chính thức bắt đầu.
Ngày đầu tiên của mật nghị chỉ có một lần bỏ phiếu vào buổi chiều. Từ ngày thứ hai trở đi, mỗi ngày có bốn vòng bỏ phiếu: hai lần vào buổi sáng, hai lần vào buổi chiều. Sau mỗi phiên, khói từ ống khói trên nóc nhà nguyện Sistine sẽ phát tín hiệu ra bên ngoài. Khói đen báo hiệu chưa có kết quả và khói trắng thông báo đã chọn được tân giáo hoàng.
Khi một hồng y đạt được 2/3 số phiếu, ngài sẽ được hỏi: "Ngài có chấp nhận không?". Nếu đồng ý, ngài chọn tông hiệu và khoác lên mình phẩm phục trắng của giáo hoàng. Một lúc sau vị tân giáo hoàng xuất hiện trên ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter để ban phép lành "Urbi et orbi" đầu tiên cho toàn thế giới.
Thế giới đang bước vào thời đại công nghệ và truyền thông toàn cầu nhưng Mật nghị hồng y vẫn giữ nguyên bản sắc cổ xưa, giữ nguyên một tiến trình thiêng liêng, khép kín và đầy trách nhiệm.
Đó không chỉ là việc chọn một nhà lãnh đạo cho Giáo hội Công giáo toàn cầu mà còn là hành trình tìm kiếm người kế vị ngai tòa Thánh Peter, người sẽ dẫn dắt dân Chúa trong một thế giới đầy biến động.
**************
Trong lịch sử hơn 2.000 năm, Giáo hội Công giáo từng chứng kiến một số kỳ Mật nghị hồng y đặc biệt. Điển hình như kỳ Mật nghị hồng y 1268 - 1271 kéo dài suốt 33 tháng ròng rã do không thể thống nhất những bất đồng từ hai nhóm hồng y, một ủng hộ giáo hoàng và một ủng hộ hoàng đế của đế chế La Mã thần thánh.
>> Kỳ tới: Những kỳ Mật nghị hồng y đặc biệt
