Doanh nghiệp lo 'khó chồng khó' khi áp thuế đối ứng và thuế TTĐB

Doanh nghiệp Việt đang đối diện nhiều khó khăn trong bối cảnh “thuế chồng thuế”. Nhiều doanh nghiệp thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lo lắng nhân đôi khi vừa phải chịu tác động khó khăn của thuế đối ứng, vừa lo ứng phó thuế TTĐB trong nước.
Doanh nghiệp lo 'khó chồng khó' khi áp thuế đối ứng và thuế TTĐB ảnh 1

Việc tăng thuế TTĐB quá cao và đột ngột sẽ tạo động lực cho tình trạng buôn lậu gia tăng, vốn là vấn nạn gây bất ổn cho thị trường và đe dọa sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam. Trong ảnh, lực lượng chức năng bắt giữ thuốc lá lậu. Ảnh internet.

Thuế quan làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Mỹ. Khi chi phí xuất khẩu tăng lên do thuế, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tính toán lại giá bán để duy trì lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp, điều này đồng nghĩa với việc tăng giá sản phẩm, khiến hàng hóa Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là giảm sút kim ngạch xuất khẩu, vốn là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Mặt khác, thuế quan khơi dậy tâm lý bất ổn, lan tỏa sự lo ngại trong nền kinh tế, từ đó tác động tiêu cực đến các quyết định đầu tư và tiêu dùng. Cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều trở nên thận trọng hơn, trì hoãn các kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc triển khai các dự án đầu tư mới. Người tiêu dùng cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ưu tiên tiết kiệm hơn là mua sắm, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu.

Trong bối cảnh kinh tế đang phải gồng mình chống đỡ với những tác động từ bên ngoài, việc điều chỉnh chính sách thuế TTĐB trong nước càng đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và khéo léo.

Đối với ngành bia rượu, việc tăng thuế TTĐB có thể làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, khiến họ mất dần thị phần vào tay hàng nhập khẩu. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn kéo theo nguy cơ cắt giảm việc làm, giảm thu nhập của người lao động trong ngành. Ngoài ra, nó cũng tác động tiêu cực đến các ngành du lịch và dịch vụ có liên quan.

Đối với ngành ô tô, đặc biệt là các dòng xe pickup chở hàng, việc tăng thuế TTĐB có thể đẩy chi phí đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác lên cao. Các ngành xây dựng, vận tải, nông nghiệp… đều sử dụng xe pickup như một phương tiện vận tải quan trọng. Khi chi phí của các ngành này tăng lên, giá cả hàng hóa và dịch vụ cũng có xu hướng tăng theo, gây ảnh hưởng đến sức mua của người dân và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đối với ngành thuốc lá, việc tăng thuế TTĐB quá cao và đột ngột có thể tạo ra một cú huých tiêu cực, đẩy người tiêu dùng đến với các sản phẩm thuốc lá lậu, vốn có giá rẻ hơn nhiều do không phải chịu thuế và các quy định khác. Điều này không chỉ gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước mà còn làm gia tăng tình trạng buôn lậu, gây bất ổn cho thị trường và đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Giải pháp chính sách: Hài hòa giữa các mục tiêu

Các doanh nghiệp kiến nghị, các mức thuế và lộ trình tăng thuế TTĐB cần được cân nhắc một cách thận trọng để có mức tăng và lộ trình hợp lý, tránh tạo ra “cú sốc kép” cho các doanh nghiệp.

Thay vì những thay đổi đột ngột và gây sốc, nên có lộ trình điều chỉnh thuế từ tốn, có thể kéo dài trong vài năm, để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thời gian thích nghi.

Đối với mặt hàng rượu, bia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị nên bắt đầu áp dụng thuế từ năm 2028 và tăng thuế mỗi năm 5% theo Phương án 1. Đối với mặt hàng thuốc lá, VCCI đề xuất mức thuế tuyệt đối tăng 2.000 đồng/bao mỗi hai năm kể từ năm 2026 và đạt tối đa 6.000 đồng/bao vào năm 2030.

Bên cạnh việc điều chỉnh chính sách thuế TTĐB một cách khéo léo, Việt Nam cũng cần chủ động ứng phó với những biến động từ bên ngoài, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ, thông qua các biện pháp như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường đàm phán quốc tế.