Cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội
HĐXX TAND TP Hà Nội đang trong thời gian nghị án, dự kiến ngày 21/1 sẽ đưa ra phán quyết với cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
Bị cáo Lê Tiến Phương (hàng đầu) cùng đồng phạm.
Theo Viện kiểm sát, hành vi phạm tội của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến công tác quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước được pháp luật bảo vệ.
Cụ thể, trong vụ án này là việc phê duyệt nghĩa vụ tài chính để chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích hơn 363.523m2 đất tại phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, từ đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao sang đất ở đô thị.
Viện kiểm sát cho rằng, các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn công tác tại UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng và UBND TP Phan Thiết... Bản thân các bị cáo đều là những người được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn sâu, có quá trình rèn luyện, phấn đấu công tác ở từng lĩnh vực phụ trách.
Riêng 3 bị cáo tại Công ty Thẩm định giá Miền Nam, đều là những chuyên gia có chuyên môn, nhiều kinh nghiệm trong công tác thẩm định giá. Đáng lẽ, các bị cáo phải là những người tiên phong, đi đầu, nắm vững và tuân thủ pháp luật, tham mưu đề xuất về từng lĩnh vực chuyên môn nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế cho địa phương cũng như góp phần thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Trái lại, các bị cáo đã thực hiện không đúng quy định trong công tác dẫn đến phê duyệt giá đất vi phạm quy định của pháp luật, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng cho Nhà nước.
Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. |
Hành vi phạm tội làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước
Viện kiểm sát đánh giá đây là số tiền lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương, làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, gây dư luận xấu cho xã hội và mất niềm tin đối với nhân dân. Vì vậy, việc đưa các bị cáo ra xét xử thể hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm “Không ngừng, Không nghỉ, Không có vùng cấm, Không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”; “Xử lý 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Tuy nhiên, để quyết định một hình phạt tương xứng cần đánh giá một cách toàn diện về bối cảnh phạm tội, nhân thân, vai trò của từng bị cáo cũng như sự hợp tác của họ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.
Về vai trò của các bị cáo, Viện kiểm sát cho hay, ông Lê Tiến Phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất) đã chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại đây; được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất của Công ty SIVC và Dự thảo phương án giá đất của Sở TN&MT..
Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận cũng tham gia cuộc họp, biết kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tách riêng đất nhà cao tầng để tính giá đất, nhưng vẫn thống nhất với kết quả tư vấn xác định giá đất và phương án giá đất do Sở TN&MT xây dựng…; ký quyết định phê duyệt giá đất tại dự án, với giá 2.577.000 đồng/m2, trái quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Do đó, ông Phương là người giữ vai trò chính trong vụ án.
Đối với bị cáo Hồ Lâm, theo Viện kiểm sát, ông này vừa là Giám đốc Sở TN&MT, chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng phương án giá đất. Đồng thời, bị cáo cũng tham gia thẩm định phương án giá đất với vai trò là thành viên hội đồng, do đó, cần phải có mức án cao hơn các bị cáo khác.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Phong, Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất, cựu Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm tiến hành tổ chức các phiên họp để thẩm định Dự thảo Phương án giá đất theo quy định của Bộ Tài chính; bị cáo Xà Dương Thắng, thành viên Hội đồng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, là đơn vị chủ trì tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 đối với Dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết. Do vậy, Phong và Thắng cũng có trách nhiệm về lĩnh vực chuyên môn trong thẩm định phương án giá đất.
Các bị cáo còn tại Sở TN&MT tỉnh được giao nhiệm vụ xây dựng phương án giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Mặc dù, kết quả xác định giá đất của Công ty thẩm định giá Miền Nam thực hiện trái quy định pháp luật, không thực hiện đúng theo các nguyên tắc của phương pháp thặng dư và không thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhưng 5 bị cáo này vẫn thống nhất sử dụng để xây dựng phương án giá đất trình Hội đồng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt...
Vụ án xuất phát từ việc Công ty Regent International Overseas Corp (Hong Kong) được Chính phủ đồng ý cho đầu tư dự án Ocean Dunes Golf Club (sân golf Phan Thiết), với quy mô 62ha.
Năm 2013, Công ty Rạng Đông mua lại toàn bộ cổ phần của Regent International Overseas Corp tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ Golf Phan Thiết với giá 2,5 triệu USD. Từ đây, Công ty Rạng Đông được tiếp tục thực hiện dự án, sau đó nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Trên cơ sở các văn bản đề nghị của Công ty Rạng Đông và ý kiến tham mưu của các sở, ngành, ngày 13/3/2014, ông Phương ký công văn báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân Golf Phan Thiết sang đất ở đô thị.
Nhóm cựu Chủ tịch UBND Bình Thuận Lê Tiến Phương sau khi lấy ý kiến, họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhưng vẫn làm “trái ý kiến” tại cuộc họp, để ban hành quyết định phê duyệt giá đất tại dự án với là 2,577 triệu đồng/m2 trái quy định Luật Đất đai, Nghị định Chính phủ, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng.