
Khu chế xuất Tân Thuận sẽ là động lực và cơ hội phát triển công nghiệp siêu đô thị TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là vấn đề được tập trung tìm lời giải đáp xuyên suốt tọa đàm "Động lực
Toàn cảnh tọa đàm “Động lực phát triển công nghiệp TP.HCM - Từ tiềm năng đến hành động” sáng 17-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
TS Trần Du Lịch, chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện nghị quyết 98 của Quốc hội, cho biết Đảng, Nhà nước đã lựa chọn đường đi của đất nước không phải dựa theo trình tự thông thường, mà là giải các "bài toán ngược". Đó là đặt ra các đề bài Việt Nam sẽ là gì vào năm 2030, vào năm 2045, từ đó để tính toán giải bài toán này.
Theo ông Lịch, TP.HCM phải giải bài toán một cách tiên phong, nếu đi theo kiểu "sách giáo khoa" thì sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Công nghiệp TP.HCM không thể tăng trưởng theo chiều ngang, dùng lao động rẻ mà cần chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Công nghiệp không thể tăng được hai con số nếu không tăng giá trị. Công nghiệp của TP.HCM mới phải là nơi vận dụng tốt nhất nghị quyết về phát triển công nghệ, chuyển đổi số...
Ông Lịch cho rằng TP.HCM mới phải làm ngay, điều chỉnh quy hoạch trên quy mô mới, tầm nhìn mới. Hiện nay Bình Dương cũ có quy hoạch quỹ đất công nghiệp 25.000ha, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ 16.000ha, TP.HCM cũ có 8.000ha hiện hữu và 1.000ha diện tích công nghệ cao.
Ông đề xuất cần tính toán lại, khu vực TP.HCM cũ không nhất thiết cần quỹ đất công nghiệp theo mức đó, mà có thể chuyển dịch sang Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Hình thành "vành đai công nghiệp đô thị dịch vụ" từ Bình Dương về Cái Mép - Thị Vải tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Lịch cho rằng phải nghiên cứu đánh giá từng ngành, nhóm ngành để gia tăng tỉ trọng giá trị trên giá trị sản phẩm. Nên xây dựng một khu thương mại tự do ở Cái Mép - Thị Vải, giúp các doanh nghiệp các khu công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó cũng là cơ hội để chuyển đổi các khu công nghiệp thành các trung tâm logistics.
Với ngành may mặc, cần hình thành các khu tập trung cung ứng nguyên liệu cho ngành dệt may, da giày, có lộ trình giảm phụ thuộc về nguyên liệu vào Trung Quốc.

Ông Nguyễn Lộc Hà (giữa), phó chủ tịch UBND TP.HCM, trao đổi với các đại biểu tại tọa đàm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Lo tắc đường, phí logistics cao
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương, thẳng thắn nhìn nhận TP.HCM dù đóng góp 30% GRDP vẫn đối mặt nhiều điểm nghẽn chi phí logistics cao, thiếu đất công nghiệp sạch, công nghệ sản xuất lạc hậu, tự động hóa thấp, và sức ép từ các rào cản thương mại quốc tế.
TS Trương Minh Huy Vũ chia sẻ tại hội thảo rằng hàng hóa từ Tân Uyên, Bàu Bàng (Bình Dương) về Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu) khá lâu. Doanh nghiệp logistics rên rỉ chi phí cao, tốc độ chậm, quá phụ thuộc vào đường bộ.
Ông Vũ cho biết đang đề xuất đầu tư đường sắt chuyên dụng nối khu công nghiệp với cảng, giảm áp lực đường bộ, tăng hiệu suất chuỗi cung ứng. Muốn công nghiệp phát triển hai con số thì chuỗi logistics phải liền mạch, đa phương thức. Không thể cứ để container kẹt ở quốc lộ, còn cảng nước sâu thì chờ tàu rỗng. TP.HCM phát triển mạnh hơn cần điều chỉnh gắn kết hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển mới và hình thành khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ.
Theo ông Vũ, Quốc hội đã cho phép kéo dài nghị quyết 98, nhưng cơ chế đặc thù hiện nay vẫn chưa bao phủ hết các khu vực quan trọng như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. "Chúng tôi đang đề xuất một cơ chế vượt trội hơn cho toàn vùng đô thị mới", ông nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Duy, phó tổng giám đốc Becamex, cho biết về hạ tầng, Becamex đang tập trung ba hướng chiến lược: phát triển khu công nghiệp sinh thái để thu hút đầu tư công nghệ cao và thân thiện môi trường; đầu tư mạnh vào giao thông huyết mạch như quốc lộ 13, tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, đường vành đai 4 và đặc biệt là kết nối logistics liên vùng thông qua đường sắt chuyên dụng nối các khu công nghiệp phía bắc TP.HCM, Bình Dương với cảng Cái Mép - Thị Vải nhằm giảm phụ thuộc vào đường bộ, tăng hiệu quả xuất nhập khẩu.

Muốn công nghiệp bứt phá, phải chuyền đúng "quả bóng vàng"
Ông Nguyễn Thế Duy, phó tổng giám đốc Becamex, cho rằng bài toán phát triển công nghiệp hiện nay không thể giải theo kiểu đơn lẻ.
"Chúng ta cần tư duy như một đội bóng, xác định rõ vai trò của các "tiền đạo", tức những khu vực có tiềm năng đột phá, rồi chuyền "quả bóng vàng", nguồn lực đầu tư đúng chỗ, đúng lúc. Nếu không cơ hội sẽ trôi qua một cách đáng tiếc. Becamex sẵn sàng đóng vai trò kết nối giữa doanh nghiệp, chính quyền, các định chế tài chính giáo dục đổi mới sáng tạo, để hình thành một hệ sinh thái công nghiệp hiện đại, hiệu quả và hấp dẫn trong không gian TP.HCM mở rộng", ông Duy nói.
Mở diễn đàn "Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM"
Tuổi Trẻ phối hợp Sở Công Thương TP.HCM mở diễn đàn "Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM" nhằm lắng nghe ý tưởng, giải pháp từ các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và người dân để xây dựng, phát triển công nghiệp - thương mại cho TP.HCM mới, theo định hướng: tiếp tục phát huy thế mạnh của Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu khi hợp nhất cùng với TP.HCM, hình thành một đô thị mạnh về công nghiệp - thương mại - dịch vụ, có sức cạnh tranh quốc tế.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Lộc Hà, phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã giao Sở Công Thương khẩn trương tổng hợp các ý kiến đề xuất, tham luận để báo cáo, tham mưu cho lãnh đạo UBND TP.HCM kịp thời chỉ đạo các giải pháp, nhiệm vụ cho các đơn vị có liên quan.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết sẽ trân trọng, lắng nghe từng ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp. Sau khoảng một tháng phối hợp với Tuổi Trẻ tiếp nhận ý kiến góp ý, sở sẽ tổng hợp để tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp đột phá để phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ.
Bạn đọc tham gia diễn đàn "Hiến kế phát triển công nghiệp, thương mại TP.HCM" có thể gửi về tòa soạn báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường Đức Nhuận, TP.HCM, hoặc gửi ý kiến qua email: kinhte@tuoitre.com.vn.
* Nhà báo TRẦN XUÂN TOÀN (phó tổng biên tập Tuổi Trẻ):
Thế mạnh mỗi địa phương, lợi thế cho cả vùng
Với việc Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM hợp nhất trở thành TP.HCM mới, cùng việc sáp nhập các tỉnh thành, sẽ tạo ra cơ hội mới để cộng hưởng các nguồn lực, "phân vai" để tạo ra hành lang công nghiệp dịch vụ của khu vực trọng điểm phía Nam.
Sự phát triển của TP.HCM mới còn cộng hưởng với Tây Ninh mới (sáp nhập Long An và Tây Ninh), Đồng Nai mới (sáp nhập Đồng Nai và Bình Phước, có sân bay Long Thành)... để phát huy thế mạnh của mỗi địa phương nhưng cũng tạo nên lợi thế cho cả vùng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đủ sức cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.
Doanh nghiệp cần cơ chế, cần vốn
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, giải pháp căn cơ là TP.HCM cần nhanh chóng xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, nơi không chỉ thu hút vốn toàn cầu mà còn vận hành theo một khung pháp lý riêng biệt, linh hoạt, phù hợp với thông lệ tài chính quốc tế. Phải có một "sân chơi" riêng dành cho dòng vốn phi ngân hàng, để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gọi vốn, huy động nguồn lực một cách linh hoạt giống như cách các trung tâm tài chính quốc tế khác đang vận hành.
Chuyển hướng sang công nghiệp sinh thái

Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũ (nay là TP.HCM) - Ảnh: TRÚC PHƯƠNG
Các khu công nghiệp ở TP.HCM đang được định hướng chuyển sang "khu công nghiệp sinh thái".
Khu công nghiệp (KCN) Cây Trường quy mô 700ha và KCN Bàu Bàng mở rộng giai đoạn 2 rộng 380ha, do Tổng công ty Becamex IDC (vốn nhà nước chi phối thuộc UBND TP.HCM) làm chủ đầu tư đã được khởi công. Đây là hai KCN mới liền kề nhau tại huyện Bàu Bàng cũ, kết nối với đường vành đai 4 TP.HCM, các tuyến đường mới, là các dự án KCN theo mô hình sinh thái theo chuẩn quốc tế.
Mới đây Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group), phối hợp cùng Tổng công ty Becamex IDC đã ký kết hợp tác.
Theo nội dung hợp tác, các KCN, đô thị được triển khai tại TP.HCM, trong đó có khu vực "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương cũ, sẽ được triển khai và chuyển hướng sang tăng cường áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo, qua đó đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0.
IFC sẽ hỗ trợ đánh giá và chứng nhận KCN sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế cho các KCN tại TP.HCM.
Nhà máy sản xuất đồ chơi trị giá hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) tại KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) 3, tỉnh Bình Dương cũ đã bắt đầu đi vào sản xuất. Ông Jesper Hassellund Mikkelsen - tổng giám đốc Lego Việt Nam - cho biết tập đoàn này có lộ trình hướng tới 100% sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.
Ông Đỗ Minh Tâm - tổng giám đốc Thaco Industries - cũng cho biết Thaco sẽ khởi công KCN cơ khí quy mô lớn tại Bình Dương vào tháng 8-2025, với tổng vốn đầu tư lên đến 75.000 tỉ đồng. Dự án dự kiến đi vào vận hành chỉ sau một năm, đánh dấu đây là một trong những dự án công nghiệp cơ khí lớn nhất phía Nam hiện nay. Không chỉ là trung tâm sản xuất mới, KCN còn được kỳ vọng trở thành "bệ phóng" cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển theo chuỗi.
Tại Bình Dương, Thaco sẽ triển khai mô hình "All in One" tích hợp đầy đủ các chức năng trong hệ sinh thái duy nhất sản xuất, nghiên cứu phát triển (R&D), chế tạo siêu trường siêu trọng, lắp ráp toa tàu, robot, thiết bị điện máy, các trung tâm gia công lớn và cả mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh trong, ngoài nước cùng chia sẻ hạ tầng, kết nối kỹ thuật số và tận dụng chuỗi cung ứng chung.
Ông Nguyễn Văn Dũng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết Quốc hội đã ban hành nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng. Sau khi hợp nhất, hình thành TP.HCM mới, việc hợp tác để hình thành các KCN sinh thái là những chuyển động tích cực, để TP.HCM không chỉ là trung tâm tài chính mà còn là trung tâm công nghiệp xanh, phát triển bền vững của cả nước.
