
Phố cổ Hội An - Ảnh: B.D.
"Với Hội An mà chia thành ba phường và một xã, tôi nghĩ là không ổn, cần điều chỉnh cho hợp lý để không có lỗi với tiền nhân và nuối tiếc sau này" - ông Nguyễn Sự, nguyên bí thư Thành ủy Hội An, nói với Tuổi Trẻ.
Không gian đô thị di sản không thể tách biệt
* Mấy ngày qua dư luận ở Hội An có nhiều ý kiến băn khoăn việc nên hay không tổ chức Hội An thành một phường, quan điểm của ông về việc này thế nào?

Nguyên bí thư Thành ủy Hội An NGUYỄN SỰ
- Đô thị Hội An là không gian đô thị di sản không tách biệt, Hội An cũng là không gian mà có sự liên kết cực kỳ chặt chẽ giữa các vùng. Vùng ngoại vi và vùng lõi di sản khu phố cổ không thể tách rời nhau. Nếu tách rời thì hai bên sẽ không thể phát triển được, đặc biệt là lõi di sản.
Thực ra lâu nay lõi di sản giữ được như thế này có các vùng ven đóng góp vào rất lớn. Nếu bây giờ tách ra thì chúng ta đang chia cắt Hội An ra theo kiểu "mỗi ông một đám". Như vậy vùng lõi của di sản tức là phường Hội An bây giờ sẽ không có không gian để phát triển.
Cẩm Nam thì hết dư địa vì diện tích nhỏ, Cẩm Kim thì phía bên kia sông Thu Bồn. Vậy vùng lõi di sản Hội An bây giờ sẽ phát triển như thế nào? Đây là sự bất lợi đối với tương lai của Hội An.
* Hội An dù nhỏ nhưng có tầm vóc rất lớn về văn hóa, giao lưu quốc tế. Việc chia thành ba phường như lần này có làm đứt quãng mối giao lưu đã được gầy dựng từ lâu với bạn bè quốc tế?
- Lâu nay Hội An có UBND TP là người nhạc trưởng điều phối hoạt động toàn bộ khu đô thị và vùng ven. Tất cả đều có trách nhiệm với nhau, có vấn đề gì thì chủ tịch TP điều phối được cả.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam trả lời về việc tổ chức Hội An thành 3 phường, 1 xãĐỌC NGAY
Chúng ta phải thống nhất với chủ trương và quan điểm nhưng phương pháp, cách làm không nên đồng nhất. Đây là mô hình quản trị chứ không chỉ là việc sáp nhập. Nếu bây giờ chúng ta đồng nhất cả thì thành đồng phục, không có bản sắc riêng, không có diện mạo riêng.
Với lợi thế đô thị có di sản kết nối với các làng quê, những dòng sông, làng nghề, các bãi biển, những cánh đồng... tạo nên một bức tranh du lịch hoàn chỉnh nên chỉ 30 năm Hội An đã trở thành một đô thị du lịch nổi tiếng trong nước và trên thế giới.
Một việc nữa là diện tích Hội An không lớn, dân số không đông. Không tính Cù Lao Chàm thì diện tích Hội An chỉ xấp xỉ 47km2, dân số khoảng 98.000 người. So với một phường của Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) bây giờ thì diện tích và dân số gần như tương đương.
Tôi vừa đi Đồng Tháp về và nhận thấy người ta tổ chức phường Sa Đéc và Cao Lãnh (hai TP hiện nay) có diện tích và dân số lớn và nhiều hơn Hội An như phường Cao Lãnh có diện tích 73,33km2, dân số 137.387 người.
* Hội An trước đây nhiều xã phường mà dân đã than là khó tiếp cận với chính quyền, giờ nếu tất cả chỉ một phường thì liệu có quản lý nổi?
- Thời đại bây giờ là công nghệ số, thông tin, hạ tầng, giao thông đã được đầu tư đầy đủ. Chỉ cần tổ dân cư, khu phố, khối phố... tất cả đều mạnh lên, tất cả vận hành trơn tru thì bộ máy vận hành không có gì khó khăn.
Ngược lại, phường xã dù có nhỏ mà đội ngũ cán bộ, bộ máy có vấn đề thì không bao giờ giải quyết được vấn đề sát dân, nhu cầu của người dân. Một số phường trước nay chỉ quản lý vài ba khối phố nhưng hồ sơ vẫn cứ chậm. Vì sao lại chậm? Vì cơ chế, vì trên chờ dưới, dưới lại phải đợi trên, cứ xà quần như vậy... Chậm là ở chỗ này chứ không phải do to hay nhỏ.
Quan điểm trung ương khi nhập tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện, sáp nhập xã, ngoài việc tinh giản biên chế, làm cho bộ máy gọn còn phải đạt hai yêu cầu. Đó là mở rộng không gian phát triển và thứ hai là sát dân, trực tiếp giải quyết công việc của dân hiệu quả và nhanh hơn.
Hội An không lớn, bán kính chỉ 5km thì với thời đại này quản lý không khó. Không thể nói Hội An quá rộng rồi chia ra nhiều phường. Phương án Hội An tổ chức thành một phường và một xã đảo thay vì ba phường và một xã đảo theo tôi là phù hợp nhất. Vừa đúng với tinh thần chung, phù hợp cho sự phát triển lâu dài.
Tôi nghĩ sự lắng nghe và chắt lọc từ hơi thở cuộc sống rất quan trọng của các cấp lãnh đạo khi quyết định một định hướng của một vùng đất. Ngay cả việc đặt tên mà trung ương cũng lắng nghe kia mà.
* Tại sao lãnh đạo TP Hội An không kiến nghị để Hội An tổ chức thành một phường nếu thấy điều đó là đúng?
- Tôi không biết lãnh đạo Hội An có đề nghị không, nhưng tôi đã đề nghị với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhiều lần. Tôi tin rằng nếu giải thích với đầy đủ luận cứ thì sẽ được lắng nghe.
Làm đúng theo chủ trương trung ương
Ông Lê Văn Dũng - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng theo chủ trương của trung ương là xã, phường mới phải sát dân, gần dân, giải quyết cho được nguyện vọng chính đáng của người dân.
"Như vậy nếu xã, phường mà to quá thì không gần dân được. Thứ nữa là không thành lập một xã, phường mà giữ mô hình của huyện cũ. Hiện nay chúng ta làm đúng theo chủ trương của trung ương", ông Dũng nói.
