Động lực công nghiệp
So với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm trước đây, công nghiệp của tỉnh Bình Thuận chưa phát huy đúng tiềm năng, lợi thế. Nhưng điều này đã dần được đảo ngược, khi lĩnh vực công nghiệp của Bình Thuận được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm, rót vốn để triển khai các dự án.
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã tập trung cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2013 - 2022 đạt trên 7%/ năm. Năm 2024 GRDP của Bình Thuận tăng 7,25% - xếp thứ 35/63 tỉnh thành, GRDP bình quân đầu người đạt 96,1 triệu đồng (tang gần 9%), quy mô nền kinh tế đạt hơn 128.700 tỷ đồng - xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh thành trong cả nước.
Năm 2025, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được quan tâm đầu tư và cơ bản hoàn thiện.
Bình Thuận cũng dần trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư. Năm 2017, tại hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Bình Thuận đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn đầu tư 43.000 tỷ đồng và ký thỏa thuận ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 20 dự án với tổng vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và thương mại. Đến năm 2019, tỉnh Bình Thuận tiếp tục trao quyết định chủ trương đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư cho 22 dự án với tổng vốn kỷ lục hơn 450.000 tỷ đồng (tương đương hơn 19,2 tỷ USD). Dòng vốn này đã cho thấy sức hút của Bình Thuận đối với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
![]() |
Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hướng đến trở thành một trong những ngành công nghiệp cơ bản của KCN Bình Thuận |
Ông Phan Dương Cường, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp Bình Thuận cho biết, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đang có những bước tiến ấn tượng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 9 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp với tổng diện tích 2.931,78 ha (gồm 1 khu công nghiệp (KCN) chuyên ngành chế biến titan và 8 KCN đa ngành). Trong đó có 7 KCN đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với tổng diện tích hơn 1.393 ha đảm bảo điều kiện để các doanh nghiệp thứ cấp đến nghiên cứu đầu tư.
Các khu công nghiệp thu hút được 93 dự án đầu tư, trong đó có 66 dự án đầu tư trong nước và 27 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 17.415 tỷ đồng và hơn 328 triệu USD, diện tích cho thuê gần 282 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 30%, còn lại khoảng 500 ha đất sạch đã có hạ tầng cơ bản để các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư. Ngoài ra, có 3 dự án có quy mô lớn (Nhà máy nhiệt điệt BOT Sơn Mỹ I, Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II và Kho cảng khí LNG) với diện tích sử dụng đất hơn 156 ha, vốn đầu tư đăng ký 5,4 tỷ USD đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Hoạt động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp tương đối ổn định, các chỉ tiêu về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách Nhà nước tăng bình quân 10-16%/năm. Các khu công nghiệp đã giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 lao động… Có thể thấy, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các KCN, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa của Bình Thuận đã đạt những kết quả ấn tượng” ông Cường nói.
![]() |
Lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Bình Thuận đang có những bước tiến ấn tượng |
Tăng tốc phát triển
Thống kê cho thấy, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của ngành công nghiệp tại Bình Thuận giai đoạn 2016 - 2020 đạt hơn 18%/năm và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh từng bước phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều dự án đầu tư công nghiệp, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản giữ được ổn định; công nghiệp bảo quản sau thu hoạch có bước phát triển.
Để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện hướng tới xây dựng Bình Thuận trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện môi trường.
Theo đó, Tỉnh ủy Bình Thuận đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt từ 7,5 - 8,0%. GRDP bình quân đầu người đạt từ 7.800 - 8.000 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt từ 18 - 20%. Tỷ trọng kinh tế số chiếm tỷ trọng trong GRDP của tỉnh đạt khoảng 30%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân từ 11,5 - 13%/năm (giai đoạn 2021 - 2025 tăng từ 11,5 - 12,5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng 13%/năm), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm
![]() |
Bình Thuận cũng dần trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư |
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, chương trình hành động Tỉnh ủy Bình Thuận xác định 10 nhóm giải pháp. Trong đó, Bình Thuận quyết liệt đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng ngành công nghiệp vững mạnh, tự lực, tự cường.
Phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa …
Đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời đề ra những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để khơi thông những điểm nghẽn nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các KCN.
Từ một KCN Phan Thiết quy mô 68 ha được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư vào cuối năm 1998. Đến nay, Bình Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Quy hoạch phát triển 9 KCN với tổng diện tích gần 2.932 ha. Dự kiến trong thời gian đến, sẽ nghiên cứu hình thành khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Bình Thuận nằm trên địa bàn huyện Hàm Tân và thị xã La Gi với diện tích khoảng 27.000 ha. Đến năm 2030 đầu tư hoàn thành 10 khu công nghiệp với quy mô khoảng 3.048 ha diện tích được phân bổ theo chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp thẩm quyền phê duyệt. Xem xét mở rộng, phát triển mới 6 khu công nghiệp với quy mô khoảng 4.897 ha theo nhu cầu phát triển của tỉnh. Ngoài ra, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Bình Thuận có định hướng bổ sung quy hoạch tỉnh để phát triển các KCN mới và hình thành chuỗi các khu công nghiệp từ huyện Đức Linh đến huyện Tánh Linh và huyện Hàm Tân nhằm phát huy lợi thế của địa phương, gồm 5 KCN mới với quy mô khoảng 3.380 ha). Như vậy dự kiến đến năm 2030 Bình Thuận sẽ hình thành 21 khu công nghiệp với quy mô khoảng 11.325 ha và 1 khu kinh tế ven biển với quy mô khoảng 27.000 ha.
Vào ngày 30/5/2025, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận sẽ tổ chức Hội nghị gặp gỡ, hợp tác xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tại TPHCM với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Phía Nam thuộc Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Tài chính; lãnh đạo tỉnh Bình Thuận; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và Ban Quản lý các KCN; Ban Quản lý các Khu chế xuất Khu công nghiệp TPHCM; Ban Quản lý các KCN Lâm Đồng, Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Nông. Hội nghị còn có sự tham dự của các cơ quan có chức năng thu hút, kết nối đầu tư như Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM, Văn phòng JETRO tại TPHCM, Văn phòng KOTRA tại TPHCM, Hiệp hội các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Khu công nghiệp TPHCM, các chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn tỉnh Bình Thuận…