17 tuyến buýt điện kết nối metro 1 TPHCM: Tối ưu hóa di chuyển

TP - Từ ngày 22/12, tuyến metro số 1 (metro Bến Thành - Suối Tiên) chính thức đi vào hoạt động. Để phục vụ hành khách đi lại, ngoài các tuyến xe buýt hiện hữu, 17 tuyến xe buýt điện mới kết nối với tuyến metro số 1 sẽ được đưa vào khai thác.

Việc kết nối giao thông đảm bảo hoạt động của tuyến vận tải công cộng công suất lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo của giao thông đô thị tại TPHCM.

Đồng bộ

17 tuyến buýt điện kết nối metro 1 TPHCM: Tối ưu hóa di chuyển ảnh 1

Những chiếc xe buýt điện chuẩn bị đưa vào hoạt động phục vụ tuyến metro số 1 tại TPHCM

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, 17 tuyến xe buýt điện kết nối với tuyến metro số 1 lần lượt có mã số tuyến từ 153 đến 169. Cụ thể: Tuyến 153: Tàu thủy Bình An - đường Liên Phường (kết nối nhà ga An Phú); Tuyến 154: Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi - Masteri An Phú (kết nối nhà ga Rạch Chiếc, ga An Phú); Tuyến 155: Bến xe buýt Sài Gòn - Nhà hát thành phố (kết nối nhà ga Bến Thành và nhà ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son); Tuyến 156: Bến xe buýt Sài Gòn - Ga Hòa Hưng (kết nối nhà ga Bến Thành); Tuyến 157: Bến xe buýt Văn Thánh - Chung cư Đức Khải (kết nối nhà ga Thảo Điền); Tuyến 158: Bến xe buýt Văn Thánh - Cư xá Thanh Đa (kết nối nhà ga Tân Cảng); Tuyến 159: Chung cư Ngô Tất Tố - Ngã tư Hàng Xanh (kết nối nhà ga Văn Thánh); Tuyến 160: Ga Văn Thánh - Vinhomes Central Park (kết nối nhà ga Văn Thánh); Tuyến 161: Bến xe Văn Thánh - Bến xe Ngã Tư Ga (kết nối nhà ga Tân Cảng); Tuyến 162: Chung cư Man Thiện - Trường THCS Hoa Lư (kết nối nhà ga Bình Thái và nhà ga Thủ Đức); Tuyến 163: Cao đẳng Công Thương - Trường THCS Phước Bình (kết nối nhà ga Bình Thái); Tuyến 164: Đại học Nông lâm - chung cư Topaz (kết nối nhà ga Khu công nghệ cao và nhà ga Đại học Quốc gia); Tuyến 165: Đại học Nông lâm - Khu công nghệ cao (kết nối nhà ga Khu công nghệ); Tuyến 166: Đại học Quốc gia - Suối Tiên (kết nối nhà ga Đại học Quốc gia); Tuyến 167: Đại học Nông lâm - Khu chế xuất Linh Trung 1 (kết nối nhà ga Khu công nghệ cao); Tuyến 168: Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Ngã tư Bình Thái (kết nối nhà ga Bình Thái, ga Thủ Đức); Tuyến 169: Vincom Thủ Đức - Ngã tư Tây Hòa (kết nối nhà ga Bình Thái).

Trong 30 ngày đầu, tuyến metro số 1 vận hành thương mại, TPHCM sẽ chi ngân sách hỗ trợ 100% giá vé cho toàn bộ hành khách đi tàu và trên 17 tuyến xe buýt kết nối. Theo tính toán của Sở GTVT TPHCM, kinh phí vận hành tàu điện để người dân trải nghiệm metro số 1 miễn phí là 15,7 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ cho hành khách đi 17 tuyến xe buýt kết nối là 17,3 tỷ đồng.

Doanh nghiệp vận tải trúng thầu tham gia khai thác 17 tuyến xe buýt gom khách, kết nối đến các nhà ga của tuyến metro số 1 là Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang Futabuslines. Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang Futabuslines cho biết, 150 xe buýt điện đưa vào vận hành trong đợt này được đóng mới tại Nhà máy Kim Long Motor (Huế). Xe được nhận diện dễ dàng thông qua màu sắc riêng, đặc trưng, như hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (màu xanh dương), tàu metro số 1 (màu xanh và trắng), màu sắc chủ đạo của TP Thủ Đức (màu vàng, hình ảnh hoa hướng dương), đồng thời có màu xanh lá, thể hiện hướng tới phương tiện xanh, thân thiện với môi trường. Màu sắc bên ngoài xe buýt điện được cách điệu thành các đường gợn sóng, số hiệu tuyến và tên tuyến bằng đèn LED phía trước và sau xe… giúp hành khách nhận diện dễ dàng.

Các phương tiện được trang bị hiện đại, đồng bộ, có sơ đồ, lộ trình cụ thể riêng trên xe. Đi vào hoạt động, hành khách có thể tra cứu thông tin trên app Go!Bus, hiển thị thời gian đón khách, thời gian chạy một cách chính xác. Hành khách có thể dùng hệ thống thanh toán tự động gồm nhiều loại hình đa dạng như qua app ngân hàng, thẻ từ… Trong thời gian đầu, để phục vụ cho việc vận hành 17 tuyến xe buýt, doanh nghiệp đã xây dựng 2 trạm sạc điện, bảo trì, bảo dưỡng tại TP Thủ Đức.

Đảm bảo kết nối

Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, dự kiến trong giai đoạn 1 (6 tháng đầu), tuyến metro số 1 hoạt động từ 5 giờ đến 22 giờ với 200 chuyến/ngày. Trong giai đoạn 2 (thực hiện sau khi kết thúc giai đoạn 1) là khoảng 276 chuyến/ngày. Với năng lực vận chuyển lớn, nếu không được khai thác, vận hành hiệu quả tuyến metro số 1 sẽ gây ra lãng phí rất lớn. Do đó, MAUR và Sở GTVT TPHCM đã tính toán các phương án để kết nối đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng và hệ thống xe buýt.

Cụ thể, điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt trên tiêu chí lấy tuyến metro làm tuyến trục, hình thành điểm trung chuyển tại nhà ga Tân Cảng. Các tuyến xe buýt đang hoạt động trên trục xa lộ Hà Nội - đường Võ Nguyên Giáp từ hướng trung tâm TPHCM đi ra ngoại ô sẽ được điều chỉnh để kết nối vào điểm trung chuyển này.

“Toàn bộ 17 tuyến buýt điện sẽ gom khách từ khu dân cư, bến xe buýt, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, các trường đại học và cao đẳng quanh khu vực TP Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 1... đến các nhà ga metro số 1”- đại diện MAUR thông tin.

Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TPHCM, việc sử dụng xe buýt điện nhằm đảm bảo sự kết nối đồng bộ với tuyến metro. Việc đưa vào vận hành 17 tuyến xe buýt điện kết nối sẽ dần hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng ở khu vực phía Đông TPHCM.

Ngoài các tuyến xe buýt điện, Sở GTVT đang xem xét phương án dùng xe điện chở khách du lịch hoạt động ở khu vực trung tâm TPHCM kết nối với 3 ga ngầm tuyến metro số 1, gồm ga Bến Thành, ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son. Hoạt động theo mô hình chuyến xe chia sẻ, linh động về lộ trình và thời gian, căn cứ trên nhu cầu của người dân và du khách để giảm chi phí, tăng hiệu quả đi lại. Trước mắt, cơ quan tham mưu đề xuất 2 vùng hoạt động, gồm: vùng thứ nhất thuộc khu vực trung tâm thành phố với bán kính 5km tính từ các ga ngầm để đảm bảo độ bao phủ. Vùng thứ hai, kết nối sân bay Tân Sơn Nhất với khu trung tâm thành phố, nhà ga Bến Thành chạy qua đường Hoàng Sa, Trường Sa, tạo luồng kết nối sân bay - tuyến metro - các địa phương trong khu vực và ngược lại.

Đại diện Công ty Saigon PT (đơn vị vận hành xe điện chở khách du lịch) cho biết, khoảng cách đi lại giữa 3 nhà ga ngầm tuyến metro số 1 thuộc khu vực trung tâm TPHCM không quá xa nên bố trí xe điện nhỏ gọn là phù hợp. Về phương án vận chuyển, tùy theo giãn cách vận hành thực tế, số lượng xe cho dịch vụ này dự kiến khoảng từ 8 - 36 chiếc (đã bao gồm xe dự phòng), tuỳ vào từng thời điểm và nhu cầu hành khách so với thực tế.

“Việc vận hành xe buýt điện, xe điện chở khách kết nối với metro số 1 góp phần chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải theo Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ”- đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết thêm.