Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong quý I, xuất khẩu
Xoài Việt Nam chiếm tới 97% thị phần xoài nhập khẩu tại Trung Quốc. Ảnh: IT.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thành công vượt bậc này của xoài Việt không phải đến từ may mắn, mà là kết quả của hàng loạt lợi thế chiến lược.
Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc, giúp rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí logistics, đảm bảo độ tươi ngon - yếu tố quan trọng đối với trái cây nhiệt đới.
Thứ hai, mức giá cạnh tranh là điểm cộng lớn. Giá xoài Việt trung bình chỉ khoảng 700 USD/tấn - ngang với Campuchia và thấp hơn rất nhiều so với xoài từ Thái Lan, Peru hay Australia (dao động từ 6.000 đến 11.000 USD/tấn). Điều này giúp xoài Việt dễ tiếp cận các nhà nhập khẩu và bán lẻ tại Trung Quốc hơn.
Thứ ba, lợi thế mùa vụ trái vụ. Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 - khi nguồn cung xoài nội địa Trung Quốc sụt giảm - xoài Việt có thể “lấp chỗ trống” bằng sản lượng ổn định và chất lượng cao. Đây là thời điểm vàng mà nông dân Việt có thể bán xoài loại 1 với giá lên đến 100.000 đồng/kg.
Không chỉ có lợi thế về giá cả và logistics, xoài Việt Nam còn chinh phục khẩu vị người tiêu dùng nhờ chất lượng vượt trội. Những giống xoài nổi tiếng như cát Hòa Lộc và cát Chu là “ngôi sao” trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc - nhờ vị ngọt thanh, thơm tự nhiên và độ chín đồng đều. Đây là những đặc điểm phù hợp với khẩu vị của người Trung Hoa, không chỉ trong tiêu dùng tươi mà cả chế biến nước ép, mứt, đồ ăn nhẹ.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, gần 2.000 ha xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và kiểm dịch thực vật - điều kiện tiên quyết để xuất khẩu vào các thị trường khắt khe như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…
Nhu cầu tiêu thụ xoài tại Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, một phần do xu hướng tiêu dùng trái cây nhiệt đới, phần khác do nguồn cung nội địa không đủ đáp ứng quanh năm. Xoài nhập khẩu, đặc biệt từ Việt Nam, trở thành giải pháp quan trọng giúp thị trường Trung Quốc ổn định cung cầu.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về ngành hàng rau quả, từ tháng 5 trở đi Trung Quốc bước vào vụ xoài nội địa nên lượng mua từ Việt Nam có thể giảm mạnh.
Không chỉ giới hạn ở Trung Quốc, xoài Việt Nam hiện đã hiện diện tại hơn 30 quốc gia, bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan... Đây là minh chứng rõ nét cho tiềm năng và sức cạnh tranh của trái xoài Việt trên bản đồ nông sản thế giới. Nếu ngành hàng này tiếp tục duy trì chất lượng ổn định, mở rộng vùng trồng đạt chuẩn, đồng thời đẩy mạnh chế biến và xây dựng thương hiệu, xoài Việt hoàn toàn có thể vươn xa.

