Vĩnh Phúc: Thu ngân sách vượt mốc 11.600 tỷ đồng chỉ sau 4 tháng

Vĩnh Phúc thu ngân sách đạt 11.645 tỷ đồng sau 4 tháng, tăng trưởng tích cực nhờ sản xuất phục hồi, doanh nghiệp bứt phá và quyết sách điều hành hiệu quả.

Thông tin từ tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, kết quả thu ngân sách đạt kết quả tích cực trong 4 tháng đầu năm 2025. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.645 tỷ đồng, đạt 43,1% dự toán năm và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2024.

Đáng chú ý, nếu tính cả số thuế được gia hạn theo quy định, tổng thu ngân sách lũy kế đạt tới 11.550 tỷ đồng, bằng 52,4% dự toán và tăng gần 20% so với cùng kỳ. Đây là thành quả không chỉ phản ánh sự nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, mà còn là minh chứng rõ nét cho sức bật của doanh nghiệp trong tỉnh.

Trong tổng thu ngân sách, thu nội địa đóng vai trò then chốt, ước đạt 10.500 tỷ đồng, chiếm 90% tổng thu, bằng 47,7% dự toán năm. Nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh với 8.441 tỷ đồng, đóng góp hơn 82% thu nội địa. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là động lực chính với số thu 7.220 tỷ đồng, nếu tính cả thuế gia hạn thì lên tới 8.205 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ.

Vĩnh Phúc: Thu ngân sách vượt mốc 11.600 tỷ đồng chỉ sau 4 tháng ảnh 1

Các doanh nghiệp Vĩnh Phúc chủ động chuyển mình để bứt phá. Ảnh: Khánh Linh

Hai doanh nghiệp lớn là Honda và Toyota tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng, với số thuế phát sinh đạt 6.720 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng xe tiêu thụ của hai hãng đạt trên 30.000 chiếc, phản ánh nhu cầu ổn định và năng lực sản xuất phục hồi mạnh.

Chủ động thích ứng, tạo nền tảng phát triển bền vững

Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều biến động, Vĩnh Phúc xác định duy trì tăng trưởng hai con số là nhiệm vụ then chốt. Tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, trong đó trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng.

Vĩnh Phúc: Thu ngân sách vượt mốc 11.600 tỷ đồng chỉ sau 4 tháng ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên

Đặc biệt, sự phối hợp giữa tỉnh với các bộ, ngành Trung ương được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh, nhất là trước các rào cản thương mại mới từ quốc tế.

Để duy trì và phát huy đà tăng trưởng đạt được, tỉnh Vĩnh Phúc đang tập trung cao độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo nguồn thu bền vững cho Ngân sách Nhà nước.

Đáng chú ý, nhận thức rõ vai trò then chốt của khu vực kinh tế tư nhân, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Nổi bật phải kể đến các chính sách về cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; tạo môi trường đầu tư thông thoáng; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ vốn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước; thường xuyên lắng nghe để kịp thời nắm bắt và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...

Tỉnh cũng đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 45 ngày 31/3/2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84 ngày 25/3/2024 với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, tập trung vào việc hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển; hỗ trợ thị trường; tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thống nhất nhận thức, tư tưởng về phát triển kinh tế tư nhân.

Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tận dụng được cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời hình thành được lớp doanh nhân năng động, sáng tạo, biết ứng dụng khoa học công nghệ và chiến lược kinh doanh bài bản để vươn xa.

Hiện toàn tỉnh có trên 17.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 90%, tạo hàng trăm nghìn việc làm, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Có thể khẳng định, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của nền kinh tế địa phương, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động trong và ngoài tỉnh, đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách Nhà nước hằng năm và là lực lượng tiên phong trong quá trình đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương.

Tính riêng giai đoạn 2017 - 2023, mức đóng góp vào ngân sách Nhà nước của khu vực kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng nhất định, từ 1.190 tỷ đồng, chiếm 3,96% năm 2017 lên đến 1.700 tỷ đồng, chiếm 5,62% năm 2023; số lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng tăng, từ 190.850 lao động năm 2017 lên 217.760 lao động năm 2023, bình quân mỗi năm tăng 3.840 lao động.

Để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế trong kỷ nguyên mới, thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu các chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Điều này bao gồm việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút đầu tư từ cả doanh nghiệp tư nhân trong nước lẫn quốc tế, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh và các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, giảm thiểu rào cản cho các doanh nghiệp.

Khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp cùng hành động, cùng khơi dậy khát vọng phát triển, kinh tế tư nhân tại Vĩnh Phúc sẽ không chỉ “vươn mình” mà còn bứt phá mạnh mẽ, trở thành lực lượng tiên phong đưa địa phương phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập sâu rộng trong kỷ nguyên mới.