Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số 2025, diễn ra hôm 15/4, quy tụ các nhà lãnh đạo trong ngành và chính phủ để đưa ra những hành động thiết thực nhằm đảm bảo tương lai số của Việt Nam duy trì được sự an toàn, toàn diện.
Tham gia sự kiện, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) mong muốn mang các ý tưởng công nghệ toàn cầu về Việt Nam. Sự kiện tạo cầu nối giữa các tập đoàn quốc tế lớn như Qualcomm, Nokia với ngành công nghệ nội địa, thúc đẩy các giải pháp số cho nền kinh tế số Việt Nam, mở đường cho đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo vệ người dùng trước các thách thức số hóa.
![]() |
Ông Lê Bá Tân (thứ 2 từ trái qua), Giám đốc Viettel IDC, chia sẻ về định hướng của Viettel về phát triển AI trong bối cảnh công nghệ này là mối quan tâm chung của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. |
AI kiến tạo mạng lưới tương lai
Trong phần thảo luận “Tác động của AI trong Viễn thông và Công nghệ”, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC, chia sẻ về vai trò không thể thay thế của trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực công nghệ hiện nay.
Ông nhấn mạnh: “Tham dự các sự kiện như Hội nghị Di động Thế giới tổ chức ở Barcelona, ai cũng sẽ thấy AI đang là tâm điểm chú ý toàn cầu.” Theo ông, để ứng dụng AI hiệu quả, các doanh nghiệp từ bán lẻ đến các tập đoàn như Nokia, Ericsson, hay LG Uplus cần tìm hướng đi phù hợp, đặc biệt trong việc xử lý lưu lượng dữ liệu, nhất là uplink (dữ liệu gửi lên), khi AI ngày càng phát triển.
Về lưu lượng dữ liệu, ông Tân giải thích rằng trong mạng 4G, uplink chỉ chiếm chưa đến 5% so với downlink (dữ liệu nhận về), chủ yếu do các hoạt động như phát trực tuyến video. Ông nhận định: “Hiện tượng này đang ngày càng phổ biến,” nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm về tác động của AI lên uplink.
![]() |
Ngoài ra, nằm trong kế hoạch phát triển mảng trí tuệ nhân tạo, đại diện Viettel cho biết Tập đoàn đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng AI, sử dụng thiết bị từ NVIDIA (như B200, B300, và sắp tới là H200), ASUS, SuperMicro, phản ánh việc ưu tiên nguồn lực quốc gia cho công nghệ như Nghị quyết 57 yêu cầu. Song song với đó là xây dựng các giải pháp kết nối để hỗ trợ phát triển và huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). “Viettel đang xây dựng LLM phục vụ cả nội bộ Tập đoàn và khách hàng bên ngoài, phù hợp với hai nhu cầu thị trường: một là doanh nghiệp muốn dùng AI để tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn, hai là xây dựng LLM để đáp ứng các nhu cầu kinh doanh chuyên sâu”, đại diện Viettel cho biết.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thành (ngoài cùng bên phải), đến từ Công ty An ninh mạng Viettel, chia sẻ về biện pháp xác định tin nhắn lừa đảo nhưng không xâm phạm quyền riêng tư của khách hàng. |
Tuy nhiên, ông Tân lưu ý thêm LLM hiện chủ yếu phát triển ở các nước có hạ tầng mạnh như Mỹ hay châu Âu. Tại Việt Nam, nhu cầu LLM còn hạn chế, nhưng Viettel IDC đang chuẩn bị hạ tầng để đón đầu xu hướng, đặc biệt khi thị trường ASEAN dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong vài năm tới và Việt Nam hướng tới mục tiêu kinh tế số đạt 30% GDP vào 2030.
Xây dựng niềm tin số khi số vụ lừa đảo tăng phi mã
Tại phiên thảo luận về “Bảo vệ niềm tin số trước mối đe dọa thay đổi”, ông David Tuckington từ BSM, người dẫn dắt phiên, chỉ ra rằng 89% người dùng tại Việt Nam lo ngại về việc bị tấn công tài khoản, với các hình thức lừa đảo phổ biến như đầu tư giả mạo hay lừa tình cảm. Diễn giả từ Viettel, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Đối tác của Công ty An ninh mạng Viettel, kêu gọi hợp tác đa ngành để chống lừa đảo, phù hợp với Nghị quyết 57 về đảm bảo an ninh mạng xuyên suốt trong chuyển đổi số.
![]() |
“Nhà mạng, ngân hàng, chính phủ cần phối hợp ngăn tình trạng khai thác dữ liệu bừa bãi và chặn dòng tiền bất hợp pháp”, ông Thành nêu quan điểm. Để giải quyết bài toán xác định tin nhắn lừa đảo nhưng không xâm phạm quyền riêng tư khách hàng, diễn giả của Viettel nêu ra cách là xử lý hoàn toàn dữ liệu trên thiết bị của người dùng, tránh việc thu thập thông tin nhạy cảm lên hệ thống bên ngoài.
Trong đó, quan trọng là thiết lập cơ chế dựa trên sự đồng thuận của người dùng về chia sẻ thông tin cần thiết để chống gian lận. Và các giải pháp phải được thiết kế để bảo vệ dữ liệu của người cung cấp thông tin. “Trước khi tích hợp API (giao diện lập trình ứng dụng, có chức năng như cầu nối giữa các phần mềm) bảo mật với ngân hàng, hệ thống có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường và chuyển thông tin đó cho cơ quan chức năng để xử lý. Cách tiếp cận dựa trên dữ liệu này đảm bảo sự cân bằng giữa bảo mật và quyền riêng tư một cách toàn diện”, anh Thành nêu ví dụ.
Trong phiên thảo luận, các diễn giả từ các doanh nghiệp khác cũng chia sẻ về các phương pháp chống lừa đảo. Ông Hsien-Huy từ Netsweeper trình bày về công nghệ AI giúp chặn các liên kết lừa đảo thông qua phân tích yêu cầu website, ngăn nội dung độc hại trước khi tiếp cận người dùng. Ông Sokyong Lee từ LG Uplus chia sẻ về hệ thống AI phát hiện lừa đảo qua giọng nói theo thời gian thực, kết hợp với lực lượng chức năng để xử lý.
Các diễn giả thống nhất rằng việc xây dựng khung pháp lý, chia sẻ dữ liệu hiệu quả và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố cốt lõi để đối phó với các hình thức lừa đảo tinh vi, đòi hỏi sự đồng hành chặt chẽ giữa các bên liên quan, phục vụ nhiệm vụ của Nghị quyết 57 đặt ra về nâng cao nhận thức và hoàn thiện thể chế.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số 2025, các đại diện khác của Viettel cũng có những tham luận, phát biểu thể hiện cam kết của Viettel trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số quốc gia.
Ông Nguyễn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Viettel, nhấn mạnh mục tiêu phủ sóng 5G toàn quốc vào 2026, đóng góp vào chiến lược phát triển hạ tầng số của quốc gia. Đại diện Viettel High Tech – đơn vị phụ trách mảng nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao của Tập đoàn Viettel – cho biết, Viettel hiện đã làm chủ hoàn toàn công nghệ mạng lõi 5G, khẳng định vai trò vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa là nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Ngày 15/4/2025, lần đầu tiên Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số (GSMA Digital Nation Summit) được tổ chức tại Việt Nam với sự đồng hành của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) – đơn vị phối hợp cùng GSMA chuẩn bị nội dung, các vấn thảo luận tại các phiên hội thảo. Sự kiện góp phần hưởng ứng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam, kết nối các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới và tạo động lực phát triển hạ tầng số hướng đến hiện thực hóa Nghị quyết 57.
Hội nghị do Hiệp hội Di động Toàn cầu (GSMA) tổ chức nằm, trong chuỗi các hoạt động về chuyển đổi số tại các quốc gia trong khu vực, với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ lớn như Qualcomm, Nokia, Ericsson, LG, v.v… Với chủ đề Kết nối Việt Nam – Vai trò của ngành di động trong xây dựng quốc gia số, hội nghị tập trung thảo luận các giải pháp xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam hiện đại và bền vững.