
Theo các chuyên gia, cần chuẩn bị nguồn lao động mới cho giai đoạn 'Đổi mới 2.0' - Ảnh: TIẾN THẮNG
Sáng 5-7 tại TP.HCM, hội nghị Shidler Global Leadership Summit 2025 do Đại học Hawaii (Mỹ) phối hợp Trường đại học Văn Lang tổ chức đã quy tụ các chuyên gia, nhà điều hành và học giả quốc tế nhằm tìm lời giải cho bài toán
Tiến sĩ Tùng Bùi - giám đốc Chương trình VEMBA và chủ nhiệm ngành kinh doanh toàn cầu tại Trường Kinh doanh Shidler (Đại học Hawaii) - chia sẻ về những xu hướng mới trong nhu cầu nguồn nhân lực tại Việt Nam và trên thế giới - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đại học cần dạy sinh viên biết dùng và phản biện với AI
Từ góc nhìn giáo dục và đào tạo lãnh đạo, tiến sĩ Tùng Bùi - giám đốc Chương trình VEMBA và chủ nhiệm ngành kinh doanh toàn cầu tại Trường Kinh doanh Shidler (Đại học Hawaii) - nhấn mạnh rằng "Đổi mới 2.0" chỉ có thể thành hình nếu Việt Nam thay đổi cách chuẩn bị nguồn nhân lực.
"Tôi tin vai trò của các trường đại học lúc này cực kỳ quan trọng. Nếu không thay đổi nội dung và cách dạy, chúng ta sẽ không có lực lượng đủ sức thích ứng với môi trường mới", ông nhận định.
Theo ông, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành công cụ không thể thiếu trong mọi ngành nghề. Việc đưa AI vào chương trình đào tạo không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. "Tại Đại học Hawaii, sinh viên ngành kinh tế học ngay từ đầu đã được học cách ứng dụng AI vào phân tích và ra quyết định", ông cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nguy cơ của việc sử dụng AI thiếu định hướng. Một nghiên cứu gần đây của MIT (Mỹ) chỉ ra rằng những sinh viên lạm dụng AI có xu hướng suy giảm năng lực phản biện.
"Nếu chúng ta chỉ dạy sinh viên cách dùng AI mà không dạy họ đặt câu hỏi, phản biện và đánh giá thông tin thì AI sẽ điều khiển người dùng, thay vì ngược lại", ông nói.
Vì vậy theo tiến sĩ Tùng Bùi, chương trình giáo dục hiện đại cần nhấn mạnh cả hai yếu tố: năng lực công nghệ và tư duy phản biện.
Khi có được sự kết hợp này, người trẻ Việt Nam mới có thể làm chủ công nghệ, làm chủ công việc và rộng hơn là làm chủ vị thế của quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tương tự ông Christian Pham, phó tổng giám đốc Tập đoàn DACOTEX (Pháp), cho rằng Việt Nam cần đầu tư quyết liệt vào chất lượng nguồn nhân lực nếu muốn vượt qua làn sóng biến động thuế quan và cạnh tranh toàn cầu.
"Chi phí lao động rẻ không còn là lợi thế nữa. Nhà đầu tư giờ quan tâm đến việc bạn có đội ngũ linh hoạt, biết học, biết chuyển đổi hay không", ông nhận định. Với DACOTEX, yếu tố con người là nền tảng cho mọi cải tiến, từ sản xuất xanh đến chuyển đổi số.
Ông cho rằng Việt Nam nên khuyến khích mạnh hơn mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học để đào tạo nhân lực đúng với nhu cầu thực tế. Nhìn chung, phần nhiều doanh nghiệp đang phát triển theo hướng không cần quá nhiều người, nhưng cần đội ngũ liên tục có thể phát triển.
Theo ông Christian, một "liều thuốc" tốt để chống lại những biến động toàn cầu chính là một thế hệ lao động có tư duy mở, tinh thần đổi mới và trách nhiệm cộng đồng. Đó là lợi thế bền vững mà không quốc gia nào có thể sao chép.
