
Công việc lồng tiếng, thu âm sách nói đứng trước nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo cạnh tranh gay gắt - Ảnh: The New York Times
Nhiều người thu âm sách nói, nghệ sĩ lồng tiếng đứng trước nguy cơ bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế.
"AI không biết tiếng rên trong đau khổ hay sung sướng nghe như thế nào. Bản năng cảm xúc thật sự của con người khiến cho việc kể chuyện trở thành một kỹ năng nguyên thủy và quý giá".
Đây là một tâm sự rất thật lòng với tờ The Guardian của Annabelle Tudor, một nghệ sĩ đọc
Audible - nền tảng sách nói thuộc sở hữu của Amazon - gần đây đã triển khai công nghệ sản xuất sách nói tích hợp AI làm dấy lên sự lo lắng trong giới xuất bản toàn cầu
Giọng đọc bằng AI có thể đánh mất tinh thần kể chuyện
Dorje Swallow, người thu âm sách nói từng gắn bó với các tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Chris Hammer, đã thu âm khoảng 70 cuốn sách nói. Anh tin rằng những người tạo ra giọng đọc bằng AI "không hiểu giá trị thật sự của việc kể chuyện bằng giọng".
Còn Chủ tịch Hiệp hội Diễn viên lồng tiếng Úc Simon Kennedy cho biết để hoàn thành một giờ sách nói, nghệ sĩ lồng tiếng thường mất gấp đôi hoặc gấp ba thời gian để thu âm, chưa kể thời gian đọc kỹ sách để hiểu nhân vật, giọng điệu.

Theo Simon Kenedy, việc dùng AI thay thế giọng đọc thật là "ưu tiên số lượng hơn chất lượng" và có thể làm "rẻ hóa" sách nói - Ảnh: IMDb
Trong báo cáo gửi Quốc hội Úc, Hiệp hội diễn viên lồng tiếng Úc ước tính khoảng 5.000 công việc lồng tiếng ở Úc đang bị AI đe dọa. Simon Kennedy không bất ngờ trước tuyên bố mới của Audible nhưng gọi đây là "một bước đi sai lầm".
"Người nghe sách nói có một mối quan tâm, sợi dây liên kết đặc biệt với giọng đọc thật. Việc cắt bỏ cảm xúc bản năng của con người, rồi thay bằng máy móc lạnh lùng là đi ngược lại bản chất của trải nghiệm nghe sách nói", Simon nhận định.
Công nghệ nhân bản giọng đọc
Theo The Guardian, Audible khẳng định mục tiêu của công nghệ sản xuất sách nói tích hợp AI là "bổ sung chứ không thay thế giọng đọc người thật". Họ cho biết trong năm 2023 và 2024, hãng đã tuyển dụng số lượng nghệ sĩ thu âm sách nói nhiều hơn bao giờ hết.
Thậm chí, Audible còn đang thử nghiệm công nghệ "nhân bản giọng đọc", cho phép nghệ sĩ lồng tiếng tạo ra bản sao giọng của chính mình để phục vụ thu âm tự động.
Simon Kennedy cho rằng nghệ sĩ lồng tiếng nên cân nhắc chuyện tham gia nhưng "không nên kỳ vọng sẽ được trả công xứng đáng và có nguy cơ biến giọng đọc - tài sản cá nhân của mình - thành tài sản của một chuỗi robot vô hồn".
