TP.HCM: dồn lực nâng tầm bệnh viện quận, huyện

Trong khi một số ít bệnh viện quận huyện chậm bứt phá, đã có nhiều bệnh viện nỗ lực chuyển mình.
TP.HCM: dồn lực nâng tầm bệnh viện quận, huyện - Ảnh 1.

Người dân thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - nơi mỗi ngày tiếp nhận từ 2.800 - 3.200 người bệnh - Ảnh: D.PHAN

Tại TP.HCM nhiều bệnh viện vùng ven như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện huyện Bình Chánh, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện huyện Nhà Bè... đã làm chủ được nhiều kỹ thuật chuyên sâu, cứu sống được nhiều ca bệnh nặng và phức tạp, tạo được niềm tin cho người bệnh.

Trong khi một số ít bệnh viện chậm bứt phá, đã có nhiều bệnh viện chuyển mình.

Nâng cao chất lượng dịch vụ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Võ Ngọc Cường, giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh, cho hay nếu như trước kia bệnh viện chưa triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu thì đến nay nhiều kỹ thuật khó, phức tạp như can thiệp chuyên sâu về tim mạch, thay khớp háng, tái tạo dây chằng... bệnh viện đã làm được hết. Bệnh viện đang nỗ lực để trở thành bệnh viện hạng 1 đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân.

Đáng nói, số lượng bệnh nhân từ các tỉnh đến thăm khám tại Bệnh viện huyện Bình Chánh ngày càng đông chiếm khoảng 30% như Long An, Tiền Giang và nhiều tỉnh khác thay vì phải vất vả đến các tuyến trên tại TP.HCM để điều trị, phải chờ đợi đến lượt thăm khám lâu.

Để làm được điều này, bệnh viện không ngừng nâng cao tay nghề đội ngũ y bác sĩ, thường xuyên phối hợp và hội chẩn với các bệnh viện tuyến cuối điều trị cho người bệnh. Ngoài việc nâng cao tay nghề tạo niềm tin cho người bệnh, bệnh viện còn quan tâm đến nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Chinh phục kỹ thuật tiên tiến

Nổi bật trong số những bệnh viện tuyến quận huyện khác trên địa bàn TP.HCM trong những năm gần đây, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đã có những tiến bộ "đột phá", là nơi tin tưởng khám chữa bệnh của người dân TP, các tỉnh lận cận và thậm chí là thu hút người bệnh từ nước ngoài.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho hay hiện nay các khối điều trị như tim mạch, ngoại khoa, nội tiết, hồi sức tích cực, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh... các kỹ thuật điều trị, những loại phẫu thuật phức tạp, chuyên sâu bệnh viện tự tin đều thực hiện được ngang tầm so với các bệnh viện tuyến cuối.

Theo bác sĩ Khanh, thời gian tới bệnh viện sẽ mở thêm khoa điều trị quốc tế cho khách nước ngoài.

Cơ sở vật chất, tay nghề không thua kém tuyến cuối

Nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến cuối, thời gian qua TP.HCM có ưu tiên phát triển cho các bệnh viện tuyến quận huyện. Nhiều bệnh viện cửa ngõ như Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi được đầu tư xây mới với kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh các tuyến quận huyện, Sở Y tế TP.HCM giao cho các bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới. Đặc biệt là ưu tiên cho các bệnh viện quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè...

Đầu tư hạ tầng

Dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, trong lĩnh vực y tế, TP sẽ đầu tư 150 dự án xây dựng và thiết bị y tế, đầu tư hạ tầng và công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư hơn 52.000 tỉ đồng. TP kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng 6 dự án về điều trị cho người nước ngoài, tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, bệnh viện chữa đột quỵ.

Sáu dự án được kêu gọi đầu tư theo nghị quyết 181 của HĐND TP.HCM gồm: khu khám điều trị dịch vụ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khoa khám và điều trị cho người nước ngoài tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Đột quỵ TP.HCM...

TP.HCM: dồn lực nâng tầm bệnh viện quận, huyện - Ảnh 2.Quy định mới: Bệnh viện tuyến dưới được sử dụng thuốc bảo hiểm y tế như tuyến trên

Theo quy định mới, các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, điều trị mà không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.