Tiến sâu vào thị trường Mỹ: Doanh nghiệp Việt nên làm gì?

TPO - Mỹ đang công bố mức thuế với hàng hóa xuất từ nhiều nước vào Mỹ, trong đó có Việt Nam, bài toán đặt ra cho doanh nghiệp Việt không chỉ là đợi chờ cơ hội mà còn là tái cấu trúc toàn diện, tăng sức đề kháng trước những cú sốc thị trường. 

Doanh nghiệp tự tái cấu trúc

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Mỹ được 8,1 tỷ USD và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt chi hơn 1 tỷ USD để nhập nguyên liệu gỗ từ Mỹ, tăng gần 27%. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp gỗ có kế hoạch trong 6 tháng cuối năm nhập khẩu nhiều nguyên liệu đầu vào, dự trữ để sản xuất.

Tiến sâu vào thị trường Mỹ: Doanh nghiệp Việt nên làm gì? ảnh 1
Trong 6 tháng đầu năm, ngành gỗ xuất khẩu được 8,1 tỷ USD và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Các doanh nghiệp gỗ cũng kỳ vọng nếu nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất đồ gỗ xuất sang chính nước Mỹ sẽ được hưởng ưu đãi nhất định về thuế. Điều này thể hiện thiện chí của Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng giảm thâm hụt thương mại”, ông Hoài nói.

Ông Hoài đánh giá, kết quả đầu năm khá tươi sáng, các doanh nghiệp tranh thủ thời gian tạm hoãn áp dụng thuế đối ứng xuất hàng hàng hóa đã sản xuất ra.

"Trong bất cứ tình huống nào chúng tôi cũng cố gắng duy trì chuỗi cung ứng đã hình thành như thị trường Mỹ. Các doanh nghiệp kiên định với mục tiêu năm nay. Năm ngoái tiên liệu khó khăn với ngành gỗ nên đặt ra mục tiêu khiêm tốn kim ngạch đạt 16,5 tỷ USD. Cơ bản chúng ta đã tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái và năm nay không có lý gì giảm mục tiêu đó.

Tôi rất tin là có thể đạt được ngoại trừ có những khó khăn mang tính đột biến làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Đối với thị trường Mỹ, đang có những tín hiệu tốt, Chính phủ tích cực đàm phán để có mức thuế đối ứng mà cả 2 bên chấp nhận được. Tôi tin chúng ta duy trì được thị trường Mỹ", ông Hoài cho hay.

Theo ông Hoài, để phát triển thị trường Mỹ, các doanh nghiệp phải tái cấu trúc ngành gỗ về năng suất, hiệu suất...

"Từ trước đến nay, chúng ta chủ yếu làm theo đơn hàng, mẫu mã của Mỹ, bây giờ phải chủ động thiết kế. Các doanh nghiệp cần tận dụng, chủ động chuỗi cung để đưa sản phẩm Việt đến người tiêu dùng Mỹ… Đặc biệt, chúng ta cần tuân thủ tăng trưởng xanh, thương mại xanh, đảm bảo yêu cầu về gỗ hợp pháp, truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững".

Bà Lê Hằng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cũng khẳng định, từ thuế quan Mỹ, doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề. Doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong dây chuyền sản xuất để có những sản phẩm phù hợp với những phân khúc khác nhau, của các thị trường khác nhau.

Việt Nam giữ vững lợi thế cạnh tranh

Ông Nguyễn Tuấn Việt - Tổng Giám đốc Công ty xúc tiến xuất khẩu Vietgo cho rằng, thế mạnh của sản xuất trong nước là hàng dệt may, nông, lâm, thuỷ sản, da giày… Dù chưa chính thức về mức thuế nhưng doanh nghiệp nên chủ động sản xuất các mặt hàng lợi thế.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt cũng cần chủ động đón làn sóng đầu tư từ Mỹ về Việt Nam. "Nền kinh tế Việt Nam chưa hấp thụ hết được làn sóng đầu tư từ Mỹ bởi làn sóng này rất lớn nếu thuế quan tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Đồng thời, chúng ta nên tiếp cận hàng Mỹ đưa vào thị trường trong nước để cân bằng thương mại bởi Việt Nam là cửa ngõ để hàng Mỹ vào châu Á", ông Việt nói.

Tiến sâu vào thị trường Mỹ: Doanh nghiệp Việt nên làm gì? ảnh 2
Việt Nam tiếp tục duy trì mức xuất siêu hơn 120 tỷ USD sang thị trường Mỹ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Vũ Hoàng Linh - chuyên gia Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích, động lực lớn nhất thúc đẩy đà tăng trưởng thương mại Việt – Mỹ thời gian qua là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó nhiều doanh nghiệp Mỹ chủ động giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và chuyển đơn hàng sang các quốc gia Đông Nam Á, mà Việt Nam là điểm đến hàng đầu. Việt Nam có lợi thế về chi phí lao động cạnh tranh, vị trí địa lý thuận lợi, năng lực sản xuất ngày càng cải thiện và quan trọng hơn cả là chính sách ổn định.

Theo ông Linh, nhìn vào kết quả là kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 140 tỷ USD trong năm 2024. Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục duy trì mức xuất siêu hơn 120 tỷ USD sang thị trường này, phản ánh năng lực sản xuất và xuất khẩu ngày càng mở rộng.

Ông Linh cho rằng, nếu Việt Nam duy trì được mức độ minh bạch trong thương mại và tận dụng hiệu quả chuyển dịch chuỗi cung ứng, thì thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng trưởng vững chắc. Tuy nhiên, cần thận trọng với rủi ro chính sách, đặc biệt là khả năng Mỹ xem xét lại các ưu đãi nếu xuất hiện các hành vi gian lận thương mại hoặc vi phạm cam kết về xuất xứ.

Mỹ sẽ áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ Brazil
Mỹ sẽ áp thuế 50% đối với hàng nhập khẩu từ Brazil
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố tăng thuế với đồng, đe dọa hai ngành khác
Mỹ chưa giảm thuế, Thái Lan và Indonesia tăng tốc đàm phán trước hạn chót 1/8
Mỹ chưa giảm thuế, Thái Lan và Indonesia tăng tốc đàm phán trước hạn chót 1/8