Thi tốt nghiệp THPT 2025: Ký cam kết bảo vệ đề, hỗ trợ học sinh 'chạy nước rút'

TPO - Trong Kỳ thi Tốt nghiệp THPT, đề thi chưa công khai thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “Tối mật” do đó, hằng năm các địa phương yêu cầu thí sinh ký cam kết thực hiện đúng quy chế thi, tránh các trường hợp thí sinh cố tình mang thiết bị điện tử tinh vi vào phòng thi để gian lận thi.

Thí sinh ký cam kết thực hiện quy chế

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025 được cho là kỳ thi đặc biệt vì đây là năm đầu tiên học sinh thi theo chương trình GDPT 2018. Bên cạnh đó, vẫn còn một số học sinh chương trình 2006 dự thi.

Bộ GD&ĐT thông tin, đơn vị sẽ thành lập 2 Hội đồng ra đề thi riêng cho Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018 nhằm bảo đảm tách bạch quy trình và chất lượng đề thi.

Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã tổ chức thi thử theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Đề thi cơ bản tuân thủ cấu trúc, định dạng đã công bố, kết quả phản ánh chất lượng dạy học và là cơ sở để phân loại, tổ chức ôn tập phù hợp.

Được biết năm nay, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 17.000 thí sinh đăng ký dự thi. Toàn tỉnh sẽ bố trí thành 36 điểm thi, trong đó một điểm thi dành cho thí sinh dự thi theo chương trình GDPT 2006 và 35 điểm thi dành cho thí sinh thuộc chương trình GDPT 2018.

Ông Phan Trí Hiếu, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã chuẩn bị các khâu như: thành lập hội đồng thi, chuẩn bị cơ sở vật chất, điều động cán bộ, giáo viên tham gia vào các khâu trong quá trình tổ chức thi.

“Việc lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi đều theo quy định, tiêu chuẩn, chú trọng người có phẩm chất đạo đức tốt. Học sinh được học tập quy chế và ký cam kết

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra từ ngày 26-27/6 ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với gần 1,17 triệu thí sinh dự thi. (ảnh: Ngọc Tú)

Cũng giống như Hà Tĩnh, nhiều địa phương khác đã yêu cầu Sở GD&ĐT phối hợp với các đơn vị xây dựng phương án tổ chức kỳ thi, có phương án cho các tình huống bất thường có thể xảy ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Các cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi được yêu cầu phải tập huấn nghiệp vụ kỹ càng, tuyệt đối không chủ quan ở bất kỳ khâu nào. Cán bộ, giáo viên tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các điểm thi được tập huấn về kỹ năng phát hiện, nhận diện thiết bị công nghệ cao được sử dụng để gian lận trong các kỳ thi.

Trước kỳ thi, học sinh được học tập quy chế và ký cam kết thực các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.

Ngoài ra, lực lượng công an cũng được yêu cầu triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại các kỳ thi từ khâu làm đề thi, in sao đề thi, vận chuyển đề thi, vận chuyển bài thi, coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo bài thi,... Tuyên truyền, giáo dục pháp luật và tập huấn các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Các trường THPT thực hiện rà soát trường hợp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, học sinh khuyết tật, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự các kỳ thi nhằm có phương án hỗ trợ, không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn.

Hỗ trợ học sinh "chạy nước rút"

Tại Hà Nội, toàn thành phố có gần 125.000 thí sinh đăng ký dự thi. Đây là địa phương có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, chiếm hơn 1/10 (cả nước gần 1,17 triệu thí sinh đăng ký dự thi).

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được gấp rút triển khai với tinh thần nghiêm túc, chu đáo, khẩn trương nhằm tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Hà Nội dự kiến thành lập 250 điểm thi tại các trường THCS, THPT với hơn 5.500 phòng thi.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, các nhà trường đã hoàn thành khâu rà soát điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, các phòng thi, bàn ghế, quạt điện, điều hòa... chuẩn bị tổ chức thi. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi, huy động cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi.

Các trường THPT được yêu cầu có giải pháp ôn tập, bồi dưỡng học sinh nhằm chuẩn bị kiến thức nền tảng tốt nhất để bước vào kỳ thi.

Đặc biệt, Hà Nội đã tổ chức cho học sinh tập dượt thi thử Kỳ thi Tốt nghiệp THPT như thi thật từ sớm và công bố kết quả các môn. Từ đó, các nhà trường đánh giá được năng lực từng nhóm học sinh, có kế hoạch ôn tập, bổ trợ kiến thức các em khuyết thiếu để tiến tới kỳ thi.

Các nhà trường cũng được yêu cầu, động viên, hỗ trợ học sinh ở giai đoạn "nước rút" để các em có tâm lý vững vàng nhất trước và trong kỳ thi. Trong các cuộc họp với hiệu trưởng các trường THPT, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy học để quyết tâm có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm sau tốt hơn năm trước.

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra từ ngày 26-27/6 ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc với gần 1,17 triệu thí sinh đăng ký dự thi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: 'Trong Đại học Quốc gia có trường mầm non, tại sao không?'
Nữ hiệu phó bị giáo viên đánh nhập viện tại cuộc họp bình xét thi đua
Hơn 11.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vào sư phạm
Hơn 11.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt vào sư phạm