
Sẽ có hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nhiều đại biểu ủng hộ các chính sách
Theo các đại biểu, các quy định pháp lý cần được thiết kế chặt chẽ, thông thoáng theo hướng hỗ trợ đặc biệt để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tư nhân - Ảnh: HÀ QUÂN
Theo đại biểu Trần Kim Yến (TP.HCM), đối với doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là sự bình đẳng trong kinh doanh. Bình đẳng ở cơ hội tiếp cận vốn, giải quyết thủ tục hành chính, chính sách hỗ trợ... nhằm tạo nên sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các doanh nghiệp. Bởi thực tế có những doanh nghiệp sân sau với cách làm cạnh tranh không công bằng trở thành cản trở rất lớn cho những doanh nghiệp mới lớn.
"Vì vậy, theo tôi, chương cải thiện môi trường kinh doanh nên được đổi thành chương về tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Thực tế việc thanh tra, kiểm tra vừa qua được doanh nghiệp phản ánh phiền hà nhất. Quy định cụ thể trong nghị quyết có thể tạo môi trường minh bạch cho doanh nghiệp phát triển đàng hoàng, kích thích kinh tế tư nhân", bà Yến nêu.
Cũng theo bà Yến, chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng kinh doanh, dù đã có một số luật có quy định điều này nhưng thực tế doanh nghiệp rất khó tiếp cận. "Qua giám sát tại TP.HCM, có nhiều tài sản nhà đất công bỏ trống, hoang hóa nhưng để doanh nghiệp vào thuê rất khó khăn. Do vậy cần quy định chi tiết, cụ thể hơn về các quy chế, tiêu chuẩn hỗ trợ, cho thuê... Nếu không sẽ rất khó thực hiện chính sách này", bà Yến đề nghị.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So (Bắc Ninh) cho rằng nếu chỉ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm và giảm 50% thuế trong 4 năm tiếp theo như dự thảo luật là quá ngắn so với chu kỳ phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đề nghị nâng thời hạn miễn thuế lên 5 năm, tiếp tục giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm kế tiếp nhằm tạo "không gian tài chính" đủ dài cho nhóm doanh nghiệp này.
Theo ông So, cần bổ sung điều khoản về hỗ trợ chi phí đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục liên quan. Thực tế, nhiều quốc gia đã có chính sách hỗ trợ cụ thể, Singapore hỗ trợ tới 70% chi phí đăng ký quyền sở hữu trí tuệ quốc tế, tối đa 20.000 SGD/doanh nghiệp/thị trường. Thông qua hệ thống trung tâm IP, từ năm 2009 đến nay Hàn Quốc đã hỗ trợ hơn 11.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đăng ký, bảo vệ và xử lý tranh chấp về sở hữu trí tuệ.
