Theo thông tin được chia sẻ, sản phụ sinh năm 1997, quê ở Bắc Giang, nhập viện vào mùng 2 Tết trong tình trạng thai 25 tuần và đau bụng liên tục. Chồng của sản phụ đã thuật lại hành trình điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương với nhiều bức xúc.
Chị Q.A. cho biết, khi mang thai đến tuần thứ 20, chị được chẩn đoán ngắn cổ tử cung và phải khâu vòng. Đến tuần 24, chị có dấu hiệu đau bụng, nhập viện tại Bệnh viện tỉnh Bắc Giang và được chẩn đoán có cơn đau chuyển dạ nhưng chưa sinh. Do tình trạng không cải thiện, chị tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào mùng 2 Tết.
Mùng 3 Tết, ban ngày chị A. cảm thấy ổn định, nhưng đến tối, cứ 5 phút lại xuất hiện một cơn đau quằn quại. “Cơn đau khiến vợ tôi không thể chịu nổi. Bác sĩ tư vấn truyền thuốc Tractocile (9 ống trong 2 ngày, chi phí 22 triệu). Nhờ đó, vợ tôi mới có thể vượt qua những ngày Tết,” chồng chị kể lại.
Ngày mùng 6 Tết, khi các bác sĩ quay trở lại làm việc, họ kiểm tra và kết luận mọi thứ bình thường, tình trạng đã ổn định, có thể theo dõi thêm 1-2 ngày trước khi xuất viện. Tuy nhiên, đến tối hôm đó, chị A. lại đau dữ dội, cứ 5 phút một cơn, ra nhiều dịch nhầy lẫn máu hồng. Trong đêm, chồng chị phải thanh toán ngay để vợ được tiêm truyền Tractocile.
Sáng mùng 7 Tết, bác sĩ đi buồng kiểm tra, thấy chị A. đang truyền thuốc thì nhận định tình trạng chưa đến mức phải sử dụng thuốc này. Bác sĩ từ chối khám lại vì bệnh nhân đang truyền dịch. Trong ngày, chị chỉ được dùng thuốc ngậm thay vì tiếp tục truyền.
Tối đó, cơn đau tiếp tục kéo dài, chị A. cảm giác ướt giường như bị vỡ ối, phải dùng bỉm, nhưng khi khám, bác sĩ chỉ kết luận là “khí hư” và yêu cầu tiếp tục theo dõi.
![]() |
Sáng mùng 8 Tết, dù cơn đau giảm nhẹ, nhưng sản phụ vẫn ra rất nhiều máu. Khi bác sĩ đi buồng kiểm tra, họ nghi ngờ rỉ ối và cho chỉ định xét nghiệm máu. Cảm thấy tình trạng của bản thân ngày càng bất ổn và linh cảm con mình gặp nguy hiểm, chị A. chủ động yêu cầu chuyển viện. Dù bác sĩ chính có hỏi lý do và hứa sẽ theo dõi sát sao hơn, vợ chồng chị vẫn quyết định ký cam kết tự nguyện và chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Chiều mùng 9 Tết, ngay sau khi nhập viện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ kết luận chị A. bị cạn ối, nước ối đục như nước thịt, nếu chậm hơn có thể dẫn đến nguy cơ tổn thương tử cung. Bác sĩ khẳng định, trong mọi tình huống, họ sẽ ưu tiên cứu mẹ.
Em bé sau đó chào đời non tháng, được đặt lồng kính và truyền kháng sinh suốt 7 ngày. Tuy nhiên, sau khi ngừng thuốc được 2 ngày, tình trạng nhiễm khuẩn tái phát. Đến 3h sáng ngày 20/2, bé không qua khỏi.
Trao đổi với báo chí, GS.TS Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương nói: “Tôi rất chia sẻ với mất mát của bệnh nhân và gia đình. Tuy nhiên, đối với trường hợp thai phụ Q.A, ngay khi nhận được thông tin, tôi cùng các đồng nghiệp đã kiểm tra ngay hồ sơ bệnh án của bệnh nhân – người đang được điều trị tại Khoa Sản bệnh lý. Về mặt chuyên môn, đây là một ca bệnh khó. Sản phụ mang thai gần 25 tuần với chẩn đoán dọa đẻ non phức tạp, có dấu hiệu đau bụng, ra máu, rỉ ối và nguy cơ sảy thai cao”.
Theo GS.Ánh, trong trường hợp này, các bác sĩ đã giải thích rõ ràng với bệnh nhân và gia đình về hướng điều trị, đồng thời, việc thăm khám cũng cần được hạn chế tối đa để đảm bảo an toàn cho thai phụ. Về chuyên môn, các bác sĩ đã tuân thủ đúng quy trình và kê đơn thuốc tốt nhất ngay khi bệnh nhân nhập viện. “Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức và làm tròn trách nhiệm với người bệnh. Tuy nhiên, với những ca phức tạp như thế này, cơ hội giữ thai là rất mong manh” – GS.TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.
Việc bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là theo nguyện vọng của gia đình, do tại đây đã triển khai kỹ thuật truyền ối – một phương pháp mà hiện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương chưa thực hiện.
GS.TS Nguyễn Duy Ánh cũng khẳng định, bệnh viện luôn lắng nghe và tiếp nhận mọi ý kiến phản hồi từ người bệnh cũng như gia đình. “Với trường hợp này, ngoài việc kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ bệnh án, lãnh đạo bệnh viện đã yêu cầu bộ phận chuyên môn rà soát chi tiết quá trình tiếp nhận và điều trị, kể cả thái độ ứng xử của nhân viên y tế. Nếu phát hiện bất kỳ sai sót hay thái độ không đúng mực nào, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm” – ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng cho biết, ngay đầu tuần tới, bệnh viện sẽ có báo cáo đầy đủ về vụ việc gửi đến các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế.