Tăng kiểm tra an toàn thực phẩm mùa Tết

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu TP.HCM tăng mạnh công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng để sàng lọc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tăng kiểm tra an toàn thực phẩm mùa Tết - Ảnh 1.

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT làm việc về an toàn thực phẩm tại một siêu thị - Ảnh: N.TRÍ

Ngày 20-1, tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh kiểm soát an toàn thực phẩm phải đi vào bản chất, bằng việc chủ động kiểm tra, giám sát chứ không dừng lại ở việc hậu kiểm.

"Sau vụ giá đỗ chứa chất cấm bị phát hiện ở Đắk Lắk, chúng ta thấy rõ những hạn chế trong khâu quản lý, trong khi nguồn lực của cơ quan chức năng thì không thể kiểm tra xuể được.

Do đó TP.HCM cần phải phối hợp các tỉnh thành tăng kiểm soát ngay từ đầu nguồn, đưa ra những quy định để tăng cường trách nhiệm, vai trò của doanh nghiệp, hệ thống siêu thị trong việc tự kiểm soát chất lượng", ông Nam nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu TP.HCM tăng mạnh công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng để sàng lọc.

Ngoài ra, TP nên tăng kiểm soát đối với mặt hàng thịt heo, bởi đây là mặt hàng được tiêu dùng rất nhiều dịp cuối năm và nguồn gốc xuất xứ khá đa dạng, tình trạng heo dịch, heo không rõ nguồn gốc có thể tuồn vào các chợ nếu kiểm soát buông lỏng.

Báo cáo tại buổi làm việc, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Ất Tỵ, cơ quan chức năng các địa phương đã tổ chức tổng cộng 316 đoàn, với gần 1.700 cơ sở được kiểm tra, phát hiện 47 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền xử phạt là 63,8 triệu đồng.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng cao nên người sản xuất có thể đẩy hàng kém chất lượng ra thị trường.

Người dân nên sử dụng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thông tin về chất lượng, đặc biệt sản phẩm rượu để tránh trường hợp bị ngộ độc rượu thường xảy ra nhiều vào dịp Tết.

Cũng theo bà Lan, TP đã tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ, đưa vào các lò mổ doanh nghiệp nhưng vẫn còn tình trạng đem heo đi mổ thủ công ở các tỉnh khác rồi mang thịt heo về.

"Với các xe heo về chợ đầu mối, Sở An toàn thực phẩm sẽ ngăn chặn và tịch thu, tiêu hủy tại chỗ nếu heo không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, xử lý heo không có đeo vòng truy xuất...", bà Lan khẳng định.

Tuy nhiên bà Lan đề xuất cần có giải pháp sao cho việc kiểm soát thực phẩm, lò giết mổ được đồng bộ, thống nhất giữa các tỉnh thành.

Ngoài ra vẫn còn gặp khó về cách xử phạt, vì thực phẩm sau khi lấy mẫu mấy ngày sau mới có kết quả kiểm nghiệm, nhưng không thể ách hàng lại ngay vì sẽ bị doanh nghiệp thưa kiện.

Tăng kiểm tra an toàn thực phẩm mùa Tết - Ảnh 2.Nhiều lo ngại an toàn thực phẩm với 'món ngon bánh mì'

Dù được mệnh danh là "vua ẩm thực đường phố" với những điểm bán trên khắp các con phố ở các đô thị Việt Nam, nhưng thực trạng kinh doanh bánh mì đang đặt ra nhiều lo ngại về an toàn thực phẩm.