Tăng chi trả bảo hiểm, giúp điều trị bệnh từ sớm, từ xa

Theo chuyên gia, BHYT hiện vẫn chi trả ở mức cơ bản tốt nhất cho người bệnh theo từng tuyến... Thế nhưng “BHYT có đang đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân không?”, đó vẫn là câu hỏi khó trả lời, dù ai cũng muốn thay đổi để dân được lợi, khám chữa bệnh được tốt hơn.

Mới dừng ở chi trả cơ bản

Anh V. T. là viên chức có chế độ khám và điều trị BHYT theo tuyến tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). May mắn là hơn 20 năm qua, anh T chưa phải sử dụng đến BHYT. Nói như thế, vì anh T. cho rằng, anh mua bảo hiểm nhưng không bao giờ muốn dùng đến, khi gặp những triệu chứng thông thường, anh cũng đã không đi khám bệnh bằng BHYT...

Mới đây, anh T bị tai nạn nhẹ, đến khám, bó bột tại khoa khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức. Bên cạnh đó, do anh chọn điều trị ngoại trú nên BHYT không thanh toán. Anh T không có ý kiến gì về việc mình đã chọn lựa khám và điều trị theo yêu cầu. Tuy nhiên, sau khi bị tai nạn, anh chọn mua gói bảo hiểm sức khỏe (loại bảo hiểm thương mại) của một doanh nghiệp bảo hiểm.

Tăng chi trả bảo hiểm, giúp điều trị bệnh từ sớm, từ xa ảnh 1

Anh V.T dù đã có BHYT vẫn tìm hiểu mua thêm bảo hiểm sức khỏe (trong ảnh, nhân viên bán bảo hiểm đến tận cơ quan nhiệt tình tư vấn cho người mua).

“Bảo hiểm sức khỏe này chỉ như một lát cắt ở cấp độ cao hơn của BHYT với rất nhiều loại ràng buộc và loại suy nhiều bệnh không được bảo hiểm. Người mua bảo hiểm sức khỏe chỉ được mua và bảo vệ đến lúc 60 tuổi- nghĩa là về cơ bản đang trong độ tuổi lao động và ít phát sinh bệnh tật nhất”, anh T cho biết và đặt câu hỏi: Bảo hiểm thương mại không ưu việt bằng BHYT, tại sao BHYT không có những gói bổ sung hoặc nâng cao mức chi phù hợp nhiều y lệnh, kê đơn thuốc của bác sỹ khi khám và điều trị? Nếu làm như vậy, đa số người dân sẽ mua, khám và điều trị bằng BHYT thay vì vừa mua BHYT vừa phải mua thêm loại bảo hiểm thương mại khác.

Có ý kiến cho rằng, trong nhiều năm qua, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ đều tăng giá liên tục, trong khi mức đóng BHYT gần như đứng im. Mức đóng không cao đang vô tình “cầm tay” bác sỹ chỉ định, kê toa trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân BHYT ở mức rất căn bản.

Một chuyên gia về BHYT khẳng định: Mức đóng không quyết định tinh thần và các vấn đề chi trả trong hoạt động khám, chữa bệnh BHYT. Chỉ khác là hiện tại, BHYT chỉ cho phép người bệnh được bác sỹ dùng dụng cụ, thiết bị y tế loại cụ thể để chẩn đoán, điều trị, còn nếu người bệnh muốn được dùng thiết bị y tế hiện đại, dùng thuốc loại tốt hơn thì phải tự chi trả. BHYT hiện vẫn chi trả ở mức cơ bản tốt nhất cho người bệnh theo từng tuyến, xã, huyện, tỉnh...

Với mức thu quá thấp, dẫn đến chi trả BHYT không cao đang khiến bác sỹ ở nhiều bệnh viện không dùng được thiết bị công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân, dẫn đến bệnh nhân BHYT là người chịu thiệt đầu tiên. Nhất là khi với nhiều loại bệnh hiểm nghèo cần có trang thiết bị y tế thực sự hiện đại để chẩn đoán, do BHYT chưa thể chi trả nên vô tình dẫn đến thực tế chỉ người có điều kiện mới được chẩn đoán sớm bệnh, từ đó được điều trị tốt hơn.

Trong khi đó, ở các bệnh viện, có hai luồng bệnh nhân khá khác biệt trong khám và điều trị, những bệnh nhân có bảo hiểm thương mại, nhờ có công ty bảo hiểm liên kết với bệnh viện nên được khám và điều trị với điều kiện, tiêu chuẩn cao hơn. Phần còn lại là bệnh nhân BHYT “Đây là điều rất đáng suy ngẫm và cần quản lý”, theo một chuyên gia.

Tăng chi trả bảo hiểm, giúp điều trị bệnh từ sớm, từ xa ảnh 2

Chụp MRI với thiết bị hiện đại góp phần chẩn đoán bệnh từ sớm tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

Cách nào cải thiện chi trả bảo hiểm?

Theo chuyên gia về BHYT, hiện nay mức đóng thấp đang là trăn trở của ngành Y. Một người tham gia BHYT hiện đóng khoảng 1 triệu đồng/năm, nếu người đó ốm trong 5 ngày thì chi trả hết số tiền đó. Hiện, chi BHYT chỉ dừng ở mức cơ bản, nhưng nếu muốn nâng mức đóng, cơ quan chức năng phải làm giải trình, nghiên cứu kỹ.

Hiện tại, vẫn chưa có giải pháp đồng bộ cho vấn đề BHYT. Trong số 94,3% số dân tham gia BHYT (tính đến cuối năm 2024), Nhà nước đã phải đóng cho số lượng người rất lớn, nhất là cho trẻ em, cho người già. Vẫn còn những người ở vùng sâu, vùng xa, lao động tự do chưa ý thức cao về sức khỏe nên chưa tham gia BHYT...

Làm thế nào để gia tăng chi trả BHYT, trong mắt không ít chuyên gia họ đã tính đến việc cần thiết phải có gói BHYT bổ sung. Nghĩa là với BHYT cơ bản thì duy trì mức như hiện nay, còn cần bổ sung thêm những gói BHYT bổ sung với nhiều mức 2 triệu, 3 triệu hoặc 5 triệu đồng/năm được thiết kế với quyền lợi về khám chữa bệnh tương ứng. Như thế, người dân có quyền lựa chọn và cũng không phải mua nhiều loại bảo hiểm sức khỏe gì nữa...

Thực tế, nhiều chuyên gia cũng còn e ngại tính giá dịch vụ y tế, giường nằm, thuốc thang, chi phí trang thiết bị y tế hiện đại thế nào; ai quản lý những gói bổ sung đó...như thế nào, vấn đề cũng đang được cân nhắc để tiến tới đáp ứng quyền lợi người bệnh được tốt hơn.

Trong mắt nhiều bác sỹ đang quản lý và điều trị trực tiếp thì, tùy theo tình trạng bệnh của mỗi bệnh nhân mà bác sỹ y lệnh, kê toa... Mọi dịch vụ liên quan bệnh nhân khi được bác sỹ chỉ định phù hợp đều nên xem xét thanh toán BHYT. BHYT eo hẹp thì đồng chi trả với mức dịch vụ y tế thông thường, còn nếu lý tưởng hơn nữa, BHYT chi trả cho dịch vụ y tế công nghệ cao mà bác sỹ chỉ định hợp lý.

Tại Lễ kỷ niệm 15 năm Ngày BHYT Việt Nam 1/7/2024, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT, đồng thời nêu rõ, sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với người lao động, thân nhân người lao động, những trường hợp yếu thế...; tập trung nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT, giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân; tính toán đề xuất mức đóng phù hợp, bảo đảm khả năng cân đối quỹ BHYT; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là tại tuyến y tế cơ sở…

Ngày 17/4/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng có văn bản gửi lãnh đạo các tỉnh, thành đề nghị tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, BHYT...Theo đó, tính đến cuối năm 2024, số người tham gia BHYT đạt khoảng 94,3% dân số. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra là trong năm 2025, trên 95,15% dân số tham gia BHYT.