Thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), ngày 21/5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm 829 vùng trồng, 131 cơ sở đóng gói
Thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được Trung Quốc công nhận. Ảnh: Huỳnh Thủy.
Việc được bổ sung gần 1.000 mã số không chỉ là tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới - Trung Quốc. Động thái này cũng cho thấy, những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện quy trình sản xuất, tổ chức vùng trồng và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật ngày càng khắt khe từ nước nhập khẩu đã bước đầu được ghi nhận.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, giữ vững mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói giờ đây không còn là lựa chọn, mà là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp và người dân
"Chỉ một sai lệch nhỏ về dư lượng hóa chất hay truy xuất nguồn gốc không chính xác cũng có thể khiến vùng trồng bị đình chỉ, doanh nghiệp mất quyền xuất khẩu" - ông Đạt cảnh báo.
Chính vì vậy, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã cần duy trì nghiêm túc các quy trình đã đăng ký, từ canh tác, thu hoạch, đóng gói đến kiểm dịch, để đảm bảo tính bền vững trong xuất khẩu.
Trong bối cảnh diện tích sầu riêng cả nước đã tăng nhanh chóng, đạt gần 180.000 ha với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn vào năm 2024, các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ manh mún vùng trồng, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và thiếu kiểm soát chất lượng.
Để ứng phó với thực trạng này, Bộ NN&MT đã đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ: quy hoạch vùng trồng tập trung, khuyến khích trồng rải vụ để tránh thu hoạch ồ ạt, đồng thời hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn về canh tác, thu hoạch và bảo quản, trong đó sầu riêng là một trong những mặt hàng được ưu tiên hàng đầu.
Một bước tiến quan trọng khác là Bộ NN&MT đang xây dựng các quy chuẩn mới về giới hạn dư lượng kim loại nặng trong đất, nước tưới và nông sản, nhằm tiệm cận yêu cầu của các thị trường quốc tế.
Trong giai đoạn tới, mục tiêu của ngành không còn chỉ là mở rộng diện tích, mà là xây dựng niềm tin với thị trường nhập khẩu - thông qua sự chuẩn hóa và nghiêm túc trong toàn bộ quy trình từ nông trại đến bàn ăn.
Hiện cả nước đã có 12 phòng kiểm định Cadimi (chất cấm sử dụng trong thực phẩm, đồ ăn...) và 8 phòng kiểm định chất vàng O đạt chuẩn phục vụ việc kiểm tra sầu riêng trước khi xuất khẩu. Đây được xem là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất lượng, đồng thời nâng cao uy tín của nông sản Việt trên thị trường toàn cầu.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tăng cường kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu. Các tiêu chuẩn về kiểm dịch, dư lượng chất cadmium, vàng O và truy xuất nguồn gốc được siết chặt đã khiến nhiều lô hàng xuất vào nước này không đạt chuẩn bị trả về, tạo ra sự đứt gãy trong chuỗi tiêu thụ.
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt kỷ lục 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 130 triệu USD, sản lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn (đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra), trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt hơn 500 triệu USD.

