
Tổ chức kết nối giao thông nội bộ trong sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phát huy hiệu quả của nhà ga T3 - Đồ họa: TUẤN ANH
Việc thiếu kết nối nội bộ khiến trải nghiệm tại cảng hàng không lớn nhất cả nước còn nhiều bất tiện.
Nhà ga T1 - T3 thật gần nhưng lại rất xa
Là một trong những hành khách được trải nghiệm ở nhà ga mới, anh N.Đ.Đ. (Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay anh đáp chuyến bay từ Hà Nội về TP.HCM và hạ cánh tại nhà ga T3.
Tuy nhiên, xe cá nhân của anh lại gửi tại nhà ga T1 do khi bay ra Hà Nội vào ngày 18-4, anh làm thủ tục tại nhà ga T1.
"Chuyến bay về được chuyển sang nhà ga T3 nhưng không có cách nào đi bộ sang nhà ga T1 cả. Tôi phải đón xe buýt trung chuyển, mà xe lại phải chạy vòng ra đường Trường Sơn, kẹt xe mất hơn nửa tiếng mới đến nơi", anh Đ. kể lại.
Trên nhiều hội nhóm du lịch, mạng xã hội, không ít hành khách chia sẻ sự lúng túng khi phải di chuyển giữa các nhà ga.
"Tôi tưởng từ nhà ga T3 qua T1 chỉ vài phút nhưng không ngờ phải vòng ra ngoài, đón xe chạy vòng vèo, kẹt xe, mà chẳng thấy chỉ dẫn rõ ràng nào", chị Lan Anh, hành khách từ Vân Đồn về TP.HCM, chia sẻ.
Dù ba nhà ga tại sân bay Tân Sơn Nhất gồm T1 (nội địa), T2 (quốc tế) và T3 (nội địa) nằm trong cùng một khuôn viên sân bay nhưng hành khách không thể di chuyển nội bộ trực tiếp giữa nhà ga T1 và T3 mà phải đi vòng ra các tuyến đường công cộng như Trường Sơn, Cộng Hòa, vốn thường xuyên kẹt xe.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hành khách cá nhân, tình trạng này còn gây bất tiện cho những người cần nối chuyến giữa quốc tế và nội địa. Với các chặng bay có điểm quá cảnh tại TP.HCM, việc thiếu phương án trung chuyển nội bộ đang là điểm trừ lớn trong trải nghiệm bay.
Tuy nhu cầu đi lại giữa các nhà ga là rất thường xuyên, nhưng vẫn chưa có tuyến kết nối nội bộ trực tiếp, hành khách buộc phải sử dụng xe trung chuyển đi vòng ngoài sân bay, qua khu dân cư lân cận rồi quay trở lại nhà ga khác.
Đây rõ ràng là một giải pháp chưa tối ưu, nhất là trong điều kiện giao thông vốn đã quá tải quanh sân bay.
Không chỉ gặp khó trong kết nối nội bộ, nhiều người dân cũng phản ánh những bất tiện khi tiếp cận nhà ga T3 từ bên ngoài.
Tuyến đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa dù đã được thông xe, trở thành trục chính dẫn vào nhà ga mới, với ba làn xe mỗi chiều và ba điểm kết nối trực tiếp vào nhà ga.
Thế nhưng, theo ghi nhận thực tế vào các khung giờ cao điểm, tuyến này vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ, đặc biệt là tại các nút giao lớn.
Anh Minh Tuấn (ngụ quận 10) chia sẻ trải nghiệm đi từ quận 3, thấy biển báo không rõ ràng nên rẽ nhầm vào đường Hoàng Văn Thụ, phải vòng lại Cộng Hòa mới đến được nhà ga T3. Nếu có chỉ dẫn chi tiết từ xa, anh cho rằng đã không bị lạc.
Sẽ có đường nội bộ trong sân bay
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết vẫn chưa triển khai ngay hệ thống kết nối nội bộ do nhà ga T3 mới vận hành chưa đầy một tuần và lượng chuyến bay chưa phân bổ hoàn toàn.
Giai đoạn cao điểm lễ 30-4, cảng tạm chưa thực hiện đường nội bộ để đảm bảo an ninh, an toàn. Tuy nhiên, sau đó cảng sẽ thí điểm triển khai trung chuyển nội bộ với những hành khách cần nối chuyến quốc tế - nội địa hoặc ngược lại.
Theo đó, khách từ quốc tế đến nhà ga T2 sân bay Tân Sơn Nhất nếu nối chuyến đi Hà Nội, Đà Nẵng... sẽ được sắp xếp phương án di chuyển nội bộ sang nhà ga T3. Tuy nhiên không phải tất cả hành khách đều được chuyển như vậy, mà sẽ có quy định cụ thể.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông công chánh) cho biết đã tăng cường lực lượng điều tiết, lắp đặt thêm biển báo, đồng thời tiếp tục điều chỉnh pha đèn giao thông để phù hợp hơn với lưu lượng thực tế ở bên ngoài sân bay.
Trước đó, để hỗ trợ lưu thông đến nhà ga T3, TP đã thông xe tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa từ ngày 19-4, với ba hướng tiếp cận vào nhà ga qua hai điểm mặt đất và một cầu cạn.
Đường tổ chức hai chiều, mỗi chiều ba làn xe, được phân luồng rõ ràng cho từng loại phương tiện.
Ngoài ra, năm hướng đi chính từ các khu vực như TP Thủ Đức, quận 7, Gò Vấp, tỉnh Tây Ninh, Long An... đã được thông tin cụ thể để người dân tiếp cận thuận lợi hơn.
Dù vậy, đại diện trung tâm cũng thừa nhận tình trạng người dân đi nhầm đường, chưa quen lộ trình là điều khó tránh trong những ngày đầu.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá thực tế để có phương án tổ chức linh hoạt, phù hợp. Trước mắt, sẽ điều chỉnh biển báo, pha đèn tín hiệu nếu cần thiết để giảm ùn tắc tại các điểm nóng", vị này nói.
Ngoài ra, trung tâm cũng tiếp tục nghiên cứu tổ chức giao thông linh hoạt trên đường Cộng Hòa đảm bảo năng lực thông xe trên từng chiều theo các giờ cao điểm sáng và chiều; kèm theo đó là phương án xây dựng đường song hành trên đường Trường Chinh (đoạn từ đường Phạm Văn Bạch đến đường C12), tạo dòng giao thông liên tục từ đường Trường Chinh vào đường C12 đi nhà ga T3.
Tuyến xe buýt 109 (bến xe buýt Sài Gòn - sân bay) cũng đã được nâng tần suất lên 110 chuyến/ngày nhằm phục vụ hành khách tại nhà ga T3. Theo ghi nhận, tuyến không trợ giá 72-1 từ sân bay đến bến xe Vũng Tàu cũng được điều chỉnh lộ trình để tiếp cận nhà ga mới.
Các tuyến xe buýt 103 và 152 vẫn tiếp tục phục vụ khu vực nhà ga T1 và T2. Tuy nhiên, sự kết nối giữa ba nhà ga trong cùng khuôn viên sân bay vẫn bị đánh giá là chưa thuận tiện.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) được khánh thành đưa vào sử dụng sáng 19-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trung chuyển vòng ra ngoài bằng xe buýt điện
Nhằm hỗ trợ hành khách trong giai đoạn đầu vận hành, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã triển khai tuyến xe buýt điện (Vinbus) trung chuyển hoàn toàn miễn phí kết nối giữa các nhà ga.
Tần suất từ 15 - 20 phút mỗi chuyến, chạy từ 4h30 sáng đến 0h35 sáng hôm sau, khoảng 120 - 150 chuyến/ngày. Hành trình bắt đầu từ nhà ga T2 đi qua T1 (cột B20), các trục đường Trường Sơn - Hậu Giang - Thăng Long - Phan Thúc Duyện và kết thúc tại nhà ga T3 (cột 19A), sau đó quay đầu theo chiều ngược lại.
Tuy nhiên, phương tiện trung chuyển này vẫn phải di chuyển qua các tuyến đường công cộng xung quanh sân bay, nên khó tránh khỏi tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, đặc biệt là vào buổi sáng và chiều muộn.
Một trong những điểm bất cập lớn là công tác hướng dẫn hành khách tiếp cận xe trung chuyển chưa thực sự hiệu quả. Nhiều hành khách vẫn chưa nắm rõ nơi đón xe hoặc cách di chuyển giữa các nhà ga, dẫn đến tâm lý lúng túng và mất thời gian.
Đường hầm kết nối nội bộ được không?
Một số chuyên gia và người dân đề xuất phương án xây dựng tuyến đường hầm hoặc đường nội bộ chuyên biệt để kết nối trực tiếp giữa các nhà ga. Như vậy, hành khách sẽ không phải di chuyển vòng ra ngoài khu dân cư.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc xây hầm trong sân bay là giải pháp vừa phức tạp, vừa tốn kém, khó khả thi trong điều kiện hiện nay.
"Chỉ cần nhìn vào hầm Thủ Thiêm, nơi phải thường xuyên tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn, cũng đủ thấy độ phức tạp của một công trình ngầm.
Muốn làm hầm phải có không gian đặt cửa hầm mà hiện tại, để tìm được vài nghìn mét vuông đất trống trong sân bay là chuyện không đơn giản", một chuyên gia hạ tầng chia sẻ.
Bài học từ Changi, Đào Viên
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể học hỏi mô hình tổ chức giao thông sân bay ở Singapore, Đài Loan, nơi hành khách dễ dàng di chuyển giữa các nhà ga bằng tàu điện mini (skytrain), xe buýt nội bộ hoặc metro kết nối ra ngoài.
Tại sân bay Changi (Singapore), hành khách có thể dùng tàu điện mini để di chuyển giữa các nhà ga, rồi đi tiếp tàu điện ngầm ra thành phố. Tại sân bay Đào Viên (Đài Loan), xe buýt đưa đón, skytrain và metro cũng hoạt động đồng bộ giúp hành khách không bị lỡ chuyến.
