Hệ thống truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt gia cầm và trứng gia cầm đã góp phần minh bạch thông tin về sản phẩm thực phẩm cho người tiêu dùng, nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm của nhà sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn đã tổ chức kiểm soát, quản lý
Ảnh minh họa |
và truy xuất nguồn gốc thịt lợn từ khi heo được xuất bán tại 3.385 trang trại (trong đó có 1.704 đang hoạt động, với sản lượng 1,298 triệu con/năm), được vận chuyển đến 116 cơ sở giết mổ (114 code đang hoạt động) và kinh doanh tại 2 chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền), 1.240 cơ sở kinh doanh lẻ thịt lợn (1.162 code đang hoạt động) tại các chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM.
Hiện đã có 60 trang trại gà giống (58 code đang hoạt động), 775 trang trại gà lấy thịt (trong đó có 768 code đang hoạt động, với sản lượng 19,501 triệu con/năm), 29 cơ sở giết mổ, đóng gói, 476 điểm bán lẻ (473 code đang hoạt động) tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM tham gia Đề án này.
Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cũng đã liên kết được 82 trang trại trứng (với sản lượng 247,338 triệu quả/năm, 17 cơ sở xử lý (16 code đang hoạt động), đóng gói trứng, 318 điểm bán lẻ (316 code đang hoạt động) tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM
Lãnh đạo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM cũng nhận định, cơ bản, phần mềm thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm là hiệu quả và tin cậy đối với những đơn vị thực hiện đúng quy trình (như Công ty Vissan, Công ty San Hà, Công ty Bình Minh, Công ty Ba Huân, Công ty Vĩnh Thành Đạt…). Hệ thống truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt gia cầm và trứng gia cầm giúp truy xuất thông tin sản phẩm động vật lưu thông tại TP.HCM dễ dàng khi Luật Thú y đã bỏ quy định về kiểm dịch nội tỉnh.
Tuy nhiên, do phần lớn các cơ sở tham gia (cơ sở chăn nuôi, giết mổ) nằm ngoài địa bàn quản lý của TP.HCM nên việc kiểm tra, giám sát phụ thuộc vào lực lượng quản lý của các tỉnh. Qua khảo sát thực tế, lực lượng quản lý của tỉnh không thể kiểm soát chặt chẽ tất cả các cơ sở tham gia do nhiều nguyên nhân như thiếu nhân lực, kinh phí và cơ sở pháp lý (do cơ sở tham gia Đề án trên nguyên tắc tự nguyện). Đồng thời, khi không có thông tin truy xuất nguồn gốc ban đầu thì các bước tiếp theo thực hiện tại TP.HCM cũng không thực hiện được hoặc thông tin truy xuất không còn chính xác. Mặt khác, phần mềm truy xuất chưa cảnh báo hoặc nhận diện được tình trạng không tuân thủ quy trình truy xuất nguồn gốc (không thực hiện đeo vòng nhận diện tại trại, việc sử dụng mã code của trại này kích hoạt cho trại khác, kích hoạt quá số lượng đăng ký của trại). Việc đeo vòng cho từng con heo khi xuất bán, dán tem lên từng sản phẩm sẽ làm tăng chi phí trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết để đảm bảo bữa ăn an toàn cho người dân, Ban tập trung xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn không chỉ trên địa bàn TP.HCM, mà còn ở nhiều tỉnh thành khác, đặc biệt là các địa phương có lượng thực phẩm lớn cung cấp cho thành phố.
Và để thực phẩm thực sự an toàn, UBND TP.HCM giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố tiếp tục phát triển hệ thống thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc bằng mã, tem, nâng cao tỷ lệ ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn thực phẩm. “Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, duy trì và phát triển các Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn”, “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm” và Dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP” nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch và đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn TP.HCM”, lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo.
Minh Lâm/TBNN
Link nội dung: https://tbngaynay.com/tphcm-thuc-pham-an-toan-hon-nho-truy-xuat-duoc-nguon-goc-a4031.html