Thị trường bất động sản cần giải pháp đột phá

Dịch kéo dài nhiều tháng, thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào khốn khó trăm bề, sản phẩm không bán được, lãi suất vẫn phải trả hàng ngày, bào mòn cạn kiệt “sức khỏe” chủ đầu tư. Một giải pháp đột phá cho thị trường BĐS trong lúc này là hết sức cần thiết.

Đình đốn, nợ đòi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều chủ đầu tư BĐS do ảnh hương của dịch Covid-19 kéo dài làm tê liệt về tiến độ dự án, chậm trễ kế hoạch giao nhà…

Thị trường bất động sản cần giải pháp đột phá ảnh 1Dự án Saigon Intela đang thi công tại huyện Bình Chánh. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư LDG (LDG Group), cho biết thống kê trong 3 tháng đầu năm, nối tiếp kỳ nghỉ dài của Tết Nguyên đán, tác động của dịch đã làm lượng khách tham quan các dự án của LDG Group giảm từ 1.200 lượt/tháng còn 120 lượt/tháng. Sang tháng 4, do giãn cách xã hội, nhà mẫu và dự án ngừng hoạt động nên không có lượt khách tham quan nào. Đặc biệt, hoạt động xây dựng dự án cũng bị ảnh hưởng nặng nề, công nhân không đi làm vì ngại dịch bệnh. Tại một số dự án do công ty làm chủ đầu tư như Saigon Intela, Marina Tower, Viva Park, nhiều công nhân không quay trở lại làm việc. Nhằm khắc phục tình trạng này, hiện doanh nghiệp (DN)  phải thường xuyên tăng ca, tăng lương để thu hút công nhân, đã làm tăng chi phí đầu tư của các dự án. “Trong quý 1, dù dòng tiền của LDG Group đã dương trở lại và hoạt động kinh doanh khá ổn định, nhưng doanh thu và lợi nhuận giảm rõ rệt so với năm trước. Vì vậy, kế hoạch kinh doanh sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế”, ông Nguyễn Minh Khang cho biết. 
Dịch kéo dài đã làm cho một DN lớn về BĐS du lịch của FLC bộc lộ nhiều khó khăn. Đầu tháng tư vừa qua, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển BĐS FLCHOMES (thuộc Tập đoàn FLC) phát đi thông báo, vì dịch Covid-19 nên tạm ngừng trả lợi nhuận tiền thuê theo cam kết cho khách hàng tại các dự án condotel nghỉ dưỡng như The Coastal Hill Quy Nhơn, Condotel Quảng Bình, Condotel Hạ Long (năm đầu)… Thời hạn trả lợi nhuận sẽ diễn ra ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố hết dịch, khi các cơ sở kinh doanh FLC hoạt động trở lại. Đến ngày 18-4, hàng chục khách mua căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn đã căng băng rôn tại dự án để đòi căn hộ, vì nhà đầu tư chậm bàn giao hơn một năm. Mới đây, ngày 12-5, nhiều nhà đầu tư đã vây trụ sở tập đoàn này tại Hà Nội, căng băng rôn để yêu cầu chủ đầu tư thanh toán lợi nhuận theo cam kết, đã trễ hẹn gần một năm qua tại dự án FLC Hạ Long… Phát biểu tại một cuộc họp mới đây, người đứng đầu FLC cho biết, DN chịu thiệt hại nặng nề từ dịch, bởi các ngành bị tác động tiêu cực nhất thời gian qua như hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, BĐS nghỉ dưỡng đều là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FLC.

Nhìn chung, DN lớn chịu ảnh hưởng lớn, DN nhỏ bị ảnh hưởng nhỏ. “Không hoạt động kinh doanh, không có dòng tiền, nhưng lãi suất phải trả đều đặn, trả lương để duy trì bộ máy, nếu tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến khả năng phá sản rất cao”, giám đốc một DN chia sẻ.
Cần cơ chế, không cần tiền
Theo các chuyên gia BĐS, từ kinh nghiệm xử lý những cuộc khủng hoảng của thị trường BĐS trong hơn 10 năm qua cho thấy, thị trường BĐS có khả năng phục hồi rất nhanh. DN BĐS không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách. Thị trường như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bật lên mạnh mẽ, tạo nên cú hích cho nền kinh tế.

“Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh các quy định pháp luật hiện đang là rào cản trong lĩnh vực đất đai và kinh doanh BĐS. Từ đó sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhà ở, sẽ giảm tối đa chi phí tài chính cũng như chi phí quản lý, sẽ giảm giá thành nhà ở”, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, đề xuất. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Khang nói, các chính sách Chính phủ cần thiết hỗ trợ DN có thể kể đến như: miễn, giảm và giãn thời gian đóng thuế cho DN, ưu tiên giải quyết các vướng mắc và giảm thiểu thủ tục, đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án cho DN. Thêm vào đó, Chính phủ cũng cần có các gói hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa, DN bị ảnh hưởng nặng nề có thể tiếp cận vốn vay với mức lãi suất ưu đãi nhất.
Hiệp hội BĐS TPHCM đề nghị, trước mắt cần tháo gỡ ngay các vướng mắc, chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định pháp luật và xây dựng “quy trình chuẩn” về thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen cài thửa đất thuộc Nhà nước quản lý - là lý do dẫn tới 126 dự án nhà ở tại TPHCM bị “đứng bánh” từ năm 2015 đến nay. Tiếp đó, sửa lại quy trình triển khai dự án. Lâu nay, DN phải nộp tiền sử dụng đất dự án rồi mới được công nhận chủ đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và thi công. Quy trình này làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, làm tăng chi phí đầu tư, DN bị chôn vốn, làm tăng giá thành, tăng giá bán nhà. Bởi lẽ, thời gian làm thủ tục tính tiền sử dụng đất phải mất trên dưới 3 năm hoặc lâu hơn; thời gian thi công mất trên dưới 2 năm mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn. 
Theo SGGPO

Link nội dung: https://tbngaynay.com/thi-truong-bat-dong-san-can-giai-phap-dot-pha-a3272.html