'Chị đại' kéo về Đà Nẵng đạp sóng

TP - “Tôi đã đi nhiều bãi biển trên thế giới, thử lướt ván trên những con sóng khác nhau, tận hưởng không khí của môn thể thao này nhưng ở Đà Nẵng đem lại niềm vui, thú vị hơn hết”, chị Tyna người Đức gốc Việt, chia sẻ.

Trong khi nhiều môn thể thao, chương trình giải trí trên biển phải “cầu trời” thì

Phái nữ cũng chơi môn thể thao mạo hiểm điêu luyện không thua kém cánh mày râu. Ảnh: Đăng Đệ

Trời càng về cuối năm càng nhiều mưa và gió lạnh, biển nổi sóng cồn cào trắng xóa. Suốt từ chân núi Sơn Trà chạy dọc xuống bãi biển chẳng mấy người ra tắm, chỉ lác đác những ngư dân ôm thùng xốp đi gỡ lưới cá. Mãi đến tận bãi biển Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) mới thấy bóng người đang vật lộn với sóng lớn phía ngoài xa cùng tiếng hò reo không ngớt.

Là tay máy chuyên săn những khoảnh khắc đẹp ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Đăng Đệ (65 tuổi, quận Cẩm Lệ) không giấu được niềm vui khi gửi những tấm ảnh lướt ván cho bạn bè, họ đã ồ lên vì biển Đà Nẵng giờ đã hiện đại, hội nhập đến thế, toàn du khách nước ngoài đến chơi. “Thật tự hào vì Đà Nẵng là điểm hẹn của những người mê môn thể thao mạo hiểm. Có những ngày ra săn ảnh, tôi thấy du khách chơi từ sáng sớm đến trưa, chiều chơi rất sớm cho đến tối. Nhiều lúc xem lại ảnh, cứ ngỡ như đang ở nước ngoài chứ không phải thành phố bên sông Hàn”, ông Đệ nói.

Charlotte (23 tuổi, Úc) thân hình mảnh mai ôm tấm ván nhào ra biển rồi nằm lên ván lúc chèo, lúc thả trôi. Đoạn sóng đánh mạnh, nhô đầu bạc lên cao, Charlotte nhảy lên ván, dang hai tay rộng ra giữ thăng bằng, chân trước chân sau đứng vững chãi rồi lướt theo đường xô của sóng.

Có đoạn sóng to, tự tin đã đứng vững, Charlotte từ từ khom lưng ngồi thấp xuống, lướt rất điệu nghệ. “Nếu bạn đã một lần đứng được trên ván và lướt trên đầu sóng, tôi chắc chắn bạn sẽ bị nghiện cảm giác đó”, cô cởi mở.

Charlotte cùng bạn đến Đà Nẵng du lịch và ở trong một khách sạn khu phố du lịch An Thượng. Trong một lần chạy bộ dọc bờ biển, cô thấy nhiều người lướt sóng và chơi rất lâu. Hôm sau, Charlotte lập tức tìm thuê ván cùng người hướng dẫn để thử sức.

Chỉ mất hơn một giờ đồng hồ, cô đã làm quen với việc bơi, đứng, giữ thăng bằng trên ván, xử lý một vài tình huống dưới nước. “Tôi đã tìm được thú vui ngay trên bãi biển mà tôi rất thích. Nhờ lướt sóng, tôi đã quen biết thêm rất nhiều bạn bè đến từ các nước khác, trong đó có nhiều bạn nữ lướt rất điêu luyện”, cô kể.

'Chị đại' kéo về Đà Nẵng đạp sóng ảnh 2

Là người Đức gốc Việt, chị Tyna khi đến Đà Nẵng đã khá ngạc nhiên vì môn lướt sóng rất được ưa chuộng. Chị đã chơi ở nhiều bãi biển trên thế giới, nhưng ở Đà Nẵng cảm thấy vui hơn vì đây là môn thể thao mạo hiểm khá mới lạ với thành phố nên thu hút đa dạng người chơi.

Người mới nhập môn cũng có, người chơi cơ bản cũng có và những chân lướt cừ khôi cũng không thiếu. Chị kể ở nước ngoài, nữ chơi môn này rất nhiều, thể lực họ rất tốt và lướt chuyên nghiệp. Quan sát trên biển Đà Nẵng, chị thấy không chỉ có nữ du khách quốc tế mà các bạn nữ trong nước cũng đã dần quen với lướt ván, đó là tín hiệu rất tích cực cho môn thể thao mạo hiểm này.

Nếu xuống biển Mỹ An những ngày mưa gió vẫn có thể bắt gặp những bóng hồng cưỡi ván đạp sóng. Chị Trần Thị Thắm (25 tuổi, trú quận Sơn Trà) 6 năm trước từ Quảng Nam ra Đà Nẵng trọ học, một lần tình cờ thấy mọi người chơi lướt ván quá đã mắt, chị về tìm hiểu rồi rủ bạn bè tập chơi.

Từ “gà mờ”, sau 6 năm, chị đã thành “chị đại” trong bộ môn lướt sóng trên biển Đà Nẵng và hướng dẫn cho hàng loạt du khách tập chơi môn thể thao mạo hiểm này.

“Người mới chơi sẽ được dạy cách tìm điểm cân bằng trên ván và điều khiển ván, nhận biết chỗ sóng tốt, nhận biết dòng chảy nguy hiểm, hỗ trợ xuống nước... Khoảng hai năm trở lại đây, môn lướt sóng sôi động hẳn lên. Không chỉ phái nam chơi mà nữ cũng nhiều, nhất là nữ từ các nước phương Tây”, chị Thắm cho hay.

Chị Thu Hường (31 tuổi), nhân viên một khách sạn ở khu phố du lịch An Thượng (quận Ngũ Hành Sơn) kể rằng nhiều du khách đến chỉ lưu trú vài ngày, nhưng việc đầu tiên họ làm là hỏi có nơi thuê ván không? “Họ đánh giá biển Đà Nẵng quá thuận lợi, từ trung tâm thành phố chỉ mất vài phút di chuyển là tới. Ở dưới biển cũng đã có các dịch vụ thuê ván, hướng dẫn lướt sóng. Nhưng vui nhất là các du khách giới thiệu thêm bạn bè đến đây để trải nghiệm”, chị Hường bày tỏ.

Đại sứ du lịch, thể thao biển

Sharon Blignaut (Nam Phi) đến Đà Nẵng sống vào năm 2020, cô đã chơi lướt sóng được 13 năm và coi đó là một phần cuộc sống, thế nên một tuần cô chơi ít nhất 4 lần, có ngày lướt hai buổi.

“Việc phải thức dậy sớm để có những làn sóng tốt nhất đã giúp tôi hình thành được lối sống lành mạnh.

Thể lực tôi ngày một tốt hơn, ăn ngon hơn, ngủ sâu hơn nhờ lướt sóng. Nếu tôi cảm thấy lo lắng, buồn bã hay có bất kỳ cảm giác tồi tệ nào, tôi chỉ cần đi lướt sóng là mọi vấn đề của tôi đều được cuốn trôi”, cô trải lòng.

'Chị đại' kéo về Đà Nẵng đạp sóng ảnh 3

Sharon Blignaut đánh giá ưu điểm của lướt sóng ở Đà Nẵng là tính cộng đồng, mọi người thân thiện, hỗ trợ, chia sẻ sóng với nhau. Hơn nữa, bãi biển phân chia ra khu vực tắm, khu vực chơi thể thao để đảm bảo an toàn.

Trên bờ luôn có nhân viên cứu hộ túc trực nên rất yên tâm. Những “chị đại” khác lại thích thú vì bãi cát rộng, ít đá, đáy biển toàn cát rất êm chứ không có đá nhọn và san hô. Vì vậy những cú ngã mạnh tới đâu cũng chẳng sợ bị thương.

Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) nhìn nhận, mỗi du khách chơi lướt sóng hay các môn thể thao là một đại sứ của du lịch, thể thao biển Đà Nẵng.

Môn lướt ván đã khuấy động bãi biển, nhất là trong mùa mưa lạnh, làm hình ảnh Đà Nẵng sôi động, hiện đại hơn trong mắt du khách. BQL đã tổ chức nhiều giải lướt sóng để thu hút người dân cùng du khách gần xa và mỗi mùa giải có hàng trăm người tham gia.

Từ những giải quy mô này, nhiều nhóm du khách quốc tế gặp nhau và cùng thành lập câu lạc bộ lướt ván, tổ chức các giải nhỏ với hàng chục người tranh tài.

“Biển Đà Nẵng là điểm hẹn lướt ván rất lý tưởng của người nước ngoài như tôi. Chúng tôi tổ chức các cuộc thi với mong muốn lan tỏa hình ảnh biển Đà Nẵng để những ai đam mê lướt sóng có thể đến và trải nghiệm. Đồng thời góp phần triển môn lướt sóng cho người Việt Nam để người Việt có thể tham gia nhiều cuộc thi lướt sóng trên toàn thế giới”, chị Sharon Blignaut kỳ vọng.

Link nội dung: https://tbngaynay.com/chi-dai-keo-ve-da-nang-dap-song-a187264.html