Sổ liên lạc điện tử chủ yếu chỉ để thông báo điểm. Ảnh: LƯU TRINH |
Đủ mức phí
Chị T.T.Tr (có con đang học lớp 10 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hằng tháng, phí sử dụng eNetViet phải nộp là 25.000 đồng; một năm học là 250.000 đồng. Với sĩ số lớp 46 học sinh, mỗi tháng, lớp của con chị Tr đóng phí sử dụng phần mềm này là 1,15 triệu đồng, tính theo năm là 11,5 triệu đồng. Trường có mấy chục lớp, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hiệu quả như thế nào, chị Tr chưa đánh giá được, bởi sau 1 học kì, những thông tin nhận được trên app này là kết quả thi giữa học kì I, hết học kì I, lịch nghỉ tết dương… Những tuần đầu của năm học, nhà trường cập nhật thông tin học sinh vi phạm quy chế của trường. Nhưng sau đó, không nhận được thông tin cập nhật. Hơn nữa, theo chị Tr, những thông tin được đưa vào app trước đó đã được giáo viên chủ nhiệm cập nhật trong nhóm Zalo nên gần như phụ huynh không mấy khi đọc (trong app).
Một điểm nữa là app có phần giáo viên giao bài tập cho học sinh, nhưng cả học kì I, duy nhất 1 lần thầy giáo dạy giáo dục thể chất giao bài tập cho học sinh. Cơ bản, giáo viên bộ môn đều có nhóm Zalo riêng để trao đổi với học sinh trong lớp. “Tôi không hiểu tại sao phải dùng app mất phí trong khi mọi hoạt động của lớp, của trường đều được giáo viên chủ nhiệm cập nhật qua nhóm Zalo của lớp miễn phí”, chị Tr băn khoăn.
Hiện nay, nhiều trường học ở Hà Nội sử dụng phần mềm eNetViet để kết nối với phụ huynh và được gọi là sổ liên lạc điện tử. Trong phần mềm này, tùy mức giá mà đơn vị cung cấp phần mềm đưa ra các tính năng khác nhau. Ví dụ, với mức phí 25.000 đồng/tháng, phụ huynh được sử dụng các tính năng như nhận thông báo, trò chuyện (tương tác giữa phụ huynh và nhà trường), thông tin hoạt động của trường (nếu nhà trường thông tin trên app), danh bạ (giáo viên bộ môn trong lớp)…
Phản ứng chung của một số phụ huynh khi sử dụng sổ liên lạc điện tử là chỉ nhận thông báo mà đôi khi còn không cập nhật bằng các nhóm Zalo, Viber của lớp (không mất phí). Thậm chí, nhiều trường lâu lâu mới có tin nhắn gửi lên. Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử đang được nhiều tỉnh thành áp dụng. Có nhiều loại sổ liên lạc, hình thức sử dụng với đủ mức phí, từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/tháng.
Riêng tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh thành khác như Thanh Hóa, Hải Phòng..., eNetViet được giới thiệu, đưa vào sử dụng trong các cơ sở giáo dục với mức giá phổ biến là 25.000 đồng/học sinh/tháng.
Nhiều người cho rằng, phải chi trả 25.000 đồng/tháng tiền sổ liên lạc điện tử eNetViet tuy không nhiều, nhưng lãng phí xã hội bởi phụ huynh gần như không sử dụng đến. Mỗi lớp, giáo viên đều trao đổi thông tin với phụ huynh qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber…Việc sử dụng sổ liên lạc điện tử eNetViet, theo nhiều phụ huynh, là không hiệu quả.
Nhiều phụ huynh cho biết, các chức năng trên sổ liên lạc điện tử eNetViet như: điểm danh, xin nghỉ học; thời khóa biểu; nhiệm vụ, bài tập; đăng kí, khảo sát; bảng điểm học tập; nhiệm vụ học tập; hoạt động hằng ngày đều không hiệu quả bởi tất cả những thông tin đó giáo viên chủ nhiệm đã thông tin hằng ngày, hằng giờ trên các nhóm chat miễn phí. Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, nhà trường không dùng app mất phí để làm sổ liên lạc điện tử, bởi các phần mềm miễn phí hiện nay nhiều và cũng rất thuận lợi để giáo viên liên lạc với phụ huynh.
Có nên bỏ?
Ở góc độ khác, bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay, sổ liên lạc điện tử nếu biết khai thác sẽ phục vụ rất tốt trong chuyển đổi số. Bà Yến phân tích, sở dĩ phụ huynh kêu sổ liên lạc điện tử không tác dụng vì tính tương tác và thông tin không cập nhật. Tại Trường THPT Trần Phú, có 2 nhân viên kiêm nhiệm công việc cập nhật thông tin từ giáo viên chủ nhiệm để chuyển lên sổ liên lạc điện tử cho phụ huynh. Việc này không thể để giáo viên chủ nhiệm làm vì họ còn đảm nhận việc dạy, quản lí lớp học…
Từ trải nghiệm sổ liên lạc điện tử, nhiều phụ huynh cho rằng, ứng dụng công nghệ theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Theo họ, những tính năng phụ huynh, học sinh cần thì không có, những cái đang có thì lại thừa.
Trong phần mềm có tính năng nộp học phí miễn phí, tính năng điểm danh khuôn mặt. Mọi thông tin đi học của học sinh khi vào trường, khi ra khỏi trường đều được cập nhật luôn đến phụ huynh. Giáo viên cũng giao bài tập trên sổ liên lạc điện tử cho học sinh. Theo bà Yến, nếu biết tận dụng triệt để tính năng của sổ liên lạc điện tử thì việc chuyển đổi số trong giáo dục sẽ thuận lợi hơn.
Các đơn vị cung cấp phần mềm đều dành một phần kinh phí cho trường thực hiện các công việc hỗ trợ. Về cập nhật thông tin lên hệ thống, nhân viên của đơn vị cung cấp sẽ làm hoặc do nhà trường phân công và chi phí sẽ được đơn vị cung cấp trả cho nhân viên đó.
Năm 2022, Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, phụ huynh học sinh hoàn toàn có quyền đăng kí hay không đăng kí sử dụng thêm dịch vụ sổ liên lạc điện tử thu phí. Khi phụ huynh đã đăng kí rồi hoàn toàn có quyền ngưng đăng kí sử dụng sản phẩm nếu cảm thấy không hiệu quả. Tuy nhiên, phụ huynh khó có thể từ chối vì thực chất việc triển khai sổ liên lạc điện tử nhiều trường không hỏi ý kiến họ. Chị T.T.Tr nói rằng, eNetViet được sử dụng nối tiếp luôn khi con tốt nghiệp THCS và vào lớp 10 THPT. Đầu năm lớp 10, phần mềm chỉ cập nhật lại thông tin trường lớp mới mà không có thông tin được lựa chọn của phụ huynh.
Link nội dung: https://tbngaynay.com/so-lien-lac-dien-tu-ton-tien-khong-hieu-qua-a185899.html