Thật nghịch ngợm đúng kiểu học trò, lại thật rung động khi nhìn, khi đọc và ta chợt nhận ra: phải rồi, cha - mẹ, ông - bà mình khi xưa cũng có một thời hoa mộng...
Tường vàng - ngói đỏ - cây xanh kể chuyện
Ngày đại lễ 150 năm, sân khấu, màn hình được dựng trong sân, ba "nhân vật" Ngói Đỏ - Tường Vàng - Cây Xanh được nhân cách hóa để kể câu chuyện ngôi trường 150 năm mà mình đã chứng kiến. Những lứa học sinh vào trường, ra trường, và ngói đỏ, tường vàng, cây xanh vẫn ở đó, tiếp tục đón đưa...
Đến dự lễ cùng đại gia đình, TS Hồ Thiệu Hùng - nguyên giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM - xúc động: "Ngôi trường này, cách nay 70 năm tôi là một trò nhỏ lui tới hằng ngày, đi từ bỡ ngỡ vì chưa rành tiếng Tây tới "tự ái dân tộc" mà quyết tâm học để được xếp hạng trên các "bạn Tây". Chương trình đào tạo rất bài bản. Tôi nhớ mãi khoảnh khắc ngọn lửa trắng sáng rực của magne bùng lên trong phòng thí nghiệm hóa học đã cho tôi cảm nhận được sức mạnh của khoa học, say mê khoa học.
Đó là sự thành công trong giáo dục của người Pháp, nhưng trong mục đích đào tạo ra những người phục vụ cho Pháp thì họ thất bại. Đa số những học sinh Việt đều chỉ mong muốn được làm việc cho một nước Việt Nam độc lập, làm việc gì có ích cho chính Việt Nam...".
Tiêu biểu cho điều ông nói chính là cha của ông, bác sĩ Hồ Thiệu Ngạn (hay Hồ Công Nghĩa). Là người học giỏi nhất nhà, gia đình gom góp tiền để ông được vào học ở Chasseloup - Laubat rồi tiếp tục ra Hà Nội học Đại học Y khoa.
Thành bác sĩ, ông đã tham gia cách mạng để góp sức vào công cuộc giành độc lập, trở thành đại biểu Quốc hội khóa I của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, phó giám đốc Sở Y tế Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Rồi đến các con ông: Hồ Thiệu Tuấn, Hồ Thiệu Hùng cũng vậy...
TS Hồ Thiệu Hùng bấm ngón tay: "Cả gia đình: cha - anh trai - tôi - con trai và hai cháu nội, sáu người - bốn đời cùng theo học trường này. Niềm tự hào biến thành trách nhiệm phải học giỏi, làm tốt việc của mình. Đời người đi qua, thơ ấu - trưởng thành rồi già, nhưng ngôi trường vẫn đó, vẫn trẻ mãi. Cây cổ thụ nghiêng góc mà khi xưa tôi với bạn bè thường thi nhau chạy lên trên thân xem ai lên được cao hơn nay vẫn đứng đó"...
Lịch sử trường còn in dấu nhiều đại gia đình. Trong sách Cuộc hành trình xuyên thế kỷ XX của một gia đình Việt Nam, tác giả Nguyễn Ngọc Châu ghi lại câu chuyện gia đình nổi danh của mình. Ông nội - Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương của Hội thánh Cao Đài ban chỉnh đạo.
Theo học và đậu tú tài tại trường Chasseloup - Laubat năm 1902, sau một thời gian làm công chức, ông từ quan chuyên lo việc đạo ở Tòa thánh Tây Ninh và tổ chức những việc ích dân lợi nước như khai khẩn đất hoang, lập nhà dưỡng nhi, y viện, dưỡng đường và cả giúp đỡ những người kháng chiến.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận định: "Nguyễn Ngọc Tương là một quan lại có cỡ của chính quyền Pháp, một lãnh tụ tôn giáo lớn ở Nam Bộ, với tâm hồn trong sáng không suy tính được mất, ông sẵn sàng tham gia cách mạng, vứt bỏ mọi giàu sang, danh vọng".
Hai người con trai của ông, Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Ngọc Nhựt, cùng nối nhau theo học Chasseloup - Laubat, nối nhau lấy bằng kỹ sư tại Pháp, nối nhau về Việt Nam tham gia kháng chiến chống Pháp, nối nhau bị bắt rồi hy sinh. Ngày nay ở TP.HCM, Bến Tre có đường mang tên Nguyễn Ngọc Nhựt, Cần Thơ có đường Nguyễn Ngọc Bích.
Và tới lượt ông Nguyễn Ngọc Châu, cũng nối gót ông nội - cha - chú theo học Chasseloup - Laubat suốt 12 năm, tiếp tục học và lập nghiệp ở Pháp, trở thành phó trưởng vùng châu Á về tài trợ và xuất khẩu thương mại cho Ngân hàng Indosuez.
Ông thường xuyên về Việt Nam, liên kết và xúc tiến hợp tác, tài trợ cho những dự án quan trọng tại quê hương. Dự án cuối cùng mà ông thực hiện trước khi nghỉ hưu là hợp đồng tín dụng cho việc xây dựng cầu Phú Mỹ tại TP.HCM.
Chiếc ghế lõm và ngọn gió thơm
Những ngày học dưới mái trường này, tôi được nghe mấy người bạn tự hào kể chuyện "ba mình ngày trước cũng học ở đây". Tuổi trẻ nghe rồi quên. Phải đến hôm nay - sau bao năm - chúng tôi được trở lại trong sân, ngồi dưới gốc cây, quan sát chính con mình, cháu mình tất bật tập chương trình lễ, dựng trại truyền thống - cũng hào hứng, tận tâm, say mê như mình khi xưa thì mới hiểu được cảm giác ngọt ngào, thắm thiết khi được chia sẻ cùng một kỷ niệm, cùng một khung cảnh qua nhiều thế hệ.
Khi đến lượt mình được đứng dưới dòng chữ "Nhà tôi bao đời học
Đại lễ 150 năm, rất nhiều cựu học sinh từ mọi miền trên thế giới đã tề tựu về trường ôn lại thanh xuân - Ảnh: CLB
Giáo sư Phan Văn Trường, nhà sáng lập hệ sinh thái Cấy Nền, được mệnh danh là "ông tiên của người khởi nghiệp", mỉm cười kể cảm giác của ông: "Tôi vào trường học từ lớp 6 khi trường mang tên Jean Jacques Rousseau, từ cố gắng đến thích thú, đến say mê với những bài khoa học, lý luận từ các thầy cô người Pháp, và tự hào lắm vì học bằng tiếng Pháp nhưng được hạng nhất. Tôi đi Pháp học tiếp, không hề thua kém ai với nền kiến thức căn bản được chuẩn bị từ ngôi trường này.
Hơn 30 năm làm việc và sinh sống nhiều nơi trên thế giới, năm 1997 tôi về Việt Nam, được trở về thăm trường. Vào sân trường, đi trên hành lang, chợt nhiên những bước chân tuổi thơ của tôi sống dậy. Tôi bước đến một cánh cửa, đẩy ra. Đây là phòng tôi học năm lớp 8, chợt nhiên tôi bước đến bên chiếc bàn, ngồi xuống như phản xạ.
Kỳ lạ thay, vẫn đúng là băng ghế gỗ lim ấy, đúng chỗ ngồi có một vết lõm xuống quen thuộc ấy. Trong tôi dâng lên một cảm giác sung sướng vô cùng. Đúng chỗ của mình đây rồi, mình vẫn thuộc về nơi này. Rồi tôi lại xuống sân, ngồi dưới một gốc cây, chờ một ngọn gió qua, hít thở. Vẫn đúng bầu không khí ấy, ngọn gió thổi sang từ vườn Tao Đàn, vườn dinh Độc Lập thơm mùi lá ấy... Tuyệt vời biết bao nhiêu".
Giáo sư Phan Văn Trường quả là người có nghệ thuật truyền cảm hứng, nghe ông nói mà lòng yêu ngôi trường được nhân lên bội lần. 150 năm - 150 lớp học sinh là bao nhiêu thế hệ đã bước qua trên sân trường, hành lang, lớp học.
Trên ấy có bước chân của người sau này trở thành quốc vương như Norodom Sihanouk, văn sĩ nổi danh thế giới như Marguerite Duras, người phi công anh hùng nước Pháp Roland Garros mà tên anh sau này được đặt cho giải quần vợt quốc tế của Pháp, bước chân của người nhạc sĩ với di sản lớn lao như Trịnh Công Sơn, ca sĩ nổi tiếng như Elvis Phương... hay của những người bình thường như tôi. Mỗi bước chân là một niềm thương, niềm tự hào, niềm hy vọng.
Như câu thơ của cô giáo Kim Cúc: "Không tính được bao tháng ngày đã tới/ Bao tháng ngày đã đi/ Của đàn chim nhỏ tựu trường và tung cánh bay đi/ Của lớp lớp chim mẹ miệt mài xây tổ ấm/ Chỉ còn lại lớp lá dày đen thẫm/ Nói với tôi/ Niềm thương mến/ Vô cùng...".
***************
Hôm nay, bước chân vào cổng trường Lê Quý Đôn sẽ không còn thấy những hàng chữ Pháp mà là bức tượng nhà bác học Lê Quý Đôn cầm cuốn sách đón các học trò, và lời nhắc nhở của ông 250 năm trước: "Phi trí bất hưng" được khắc dưới bệ tượng...
>> Kỳ tới: Phi trí bất hưng
Link nội dung: https://tbngaynay.com/150-nam-truong-xua-chasseloup-laubat-le-quy-don-ky-3-nha-toi-bao-doi-hoc-le-quy-don-a185841.html