Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức thi rung chuông vàng tìm hiểu, nâng cao hiểu biết cho hội viên, phụ nữ về phòng, chống mua bán người và các tệ nạn xã hội. |
Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em
Theo cơ quan chức năng, nạn nhân của tội phạm mua, bán người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Bởi vậy, chú trọng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống mua, bán người được cấp ủy chính quyền các địa phương quan tâm.
Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng phạm tội mua, bán người tuy không mới nhưng ngày càng tinh vi, xảo quyệt; phổ biến vẫn là lừa tìm việc làm “việc nhẹ lương cao”; môi giới lấy chồng nước ngoài; đẻ thuê núp bóng từ thiện nhân đạo; mua, bán nội tạng; trẻ em, người ăn xin có đối tượng chăn dắt… Trên thực tế, tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của tội phạm buôn người hầu hết bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: do hạn chế về nhận thức trước những chiêu thức tinh vi của tội phạm mua, bán người; trẻ em, thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình; ham lợi ích vật chất, thích “việc nhẹ lương cao”… là những nguyên nhân khiến một bộ phận phụ nữ, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người.
Nhận định của lực lượng công an cho thấy, thủ đoạn của tội phạm mua bán người không mới, nhưng tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có sự thay đổi trong phương thức hoạt động. Bên cạnh việc cấu kết, móc nối với các đối tượng nước ngoài để mua bán người xuyên quốc gia, một số đối tượng còn thực hiện hành vi mua bán ngay trong nước, thậm chí ngay tại địa phương như trá hình dưới hình thức cho nhận con nuôi, hoặc mua bán nhân viên tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage…. Đáng chú ý là thay vì gặp gỡ, giao dịch trực tiếp như trước kia thì hiện nay, các đối tượng đã lợi dụng triệt để công nghệ cao, sử dụng các trang mạng xã hội, các tài khoản ảo để lôi kéo, dụ dỗ nạn nhân.
Truyền thông về buôn bán người tại TP Thanh Hóa |
Trung tá Lữ Văn Xiêm, Trưởng Công an thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, cho biết: Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng. Ngoài ra, chúng tôi tiến hành khảo sát, điều tra cơ bản, nhất là các nhóm đối tượng dễ bị lợi dụng, dụ dỗ để tập trung tuyên truyền để họ nhận biết các thủ đoạn, hành vi, phòng tránh; tập trung tuyên truyền các đối tượng từng bị bán qua biên giới.
Truyền thông kỹ năng, tập huấn kiến thức
Trước thực tế trên, các lực lượng chức năng cùng các cấp, các ngành trong tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn với hoạt động mua bán người. Trọng tâm là tăng cường công tác nắm tình hình; đẩy mạnh tuyên truyền về thủ đoạn, nhất là các thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người để người dân đề cao cảnh giác và có biện pháp phòng ngừa; thực hiện hiệu quả các mặt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, cư trú, xuất nhập cảnh; tăng cường đấu tranh, bóc gỡ các đường dây buôn người; kịp thời xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…
Cụ thể như, tại thành phố Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các phường, xã các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn phòng chống mua, bán người tới đông đảo nhân dân. Trong đó, chủ yếu tập trung tuyên truyền làm rõ về thủ đoạn của tội phạm mua, bán người, các hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Lực lượng chức năng chú trọng nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những đối tượng tội phạm mua, bán người. Các đoàn thể, các địa phương tăng cường một số biện pháp nâng cao công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống mua, bán người; phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng…
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và những chính sách liên quan đến hoạt động mua, bán người được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua, bán người vào những hội nghị của tổ dân phố, sinh hoạt các đoàn thể, nhà trường; tổ chức nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ… Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến những phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm mua, bán người; cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho Nhân dân. Thông qua đẩy mạnh công tác truyền thông người dân có nhận thức đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn về biểu hiện, hành vi của loại tội phạm này. Từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực phối hợp cùng các đơn vị, lực lượng chức năng tham gia đấu tranh với tội phạm mua, bán người.
Thượng tá Phạm Đức Thiêm, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Trong thời gian vừa qua, Công an Thanh Hoá đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với hoạt động mua bán người và năm 2024 thì đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên hoạt động mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều phương thức, thủ đoạn của các đối tượng hoạt động xảo quyệt, chính vì thế đòi hỏi sự vào cuộc của các ban, sở, ngành, toàn dân trong công tác đấu tranh phòng ngừa mua bán người và công tác giải cứu nạn nhân.
Link nội dung: https://tbngaynay.com/dau-tranh-quyet-liet-voi-toi-pham-mua-ban-nguoi-o-thanh-hoa-cong-tac-phong-ngua-dac-biet-quan-trong-a185801.html