Bệnh nhân là một thiếu niên 15 tuổi đến viện mới đây vì đột ngột đau đầu dữ dội. Bệnh nhi nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê. Bệnh viện tuyến dưới tiếp nhận chẩn đoán bệnh nhi bị chảy máu não, lập tức được đặt ống nội khí quản thở máy và nhanh chóng chuyển ngay đến Bệnh viện Bạch Mai.
Thiếu niên 15 tuổi tử vong sau cơn đau đầu dữ dội
Khi vào Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân hôn mê sâu, Glasgow 5 điểm, thở máy, giãn đồng tử bên phải.
Kết quả chụp lại phim MSCT mạch não chảy máu não đồi thị - não thất do vỡ khối AVM (dị dạng thông động - tĩnh mạch não) biến chứng giãn não thất cấp, rối loạn thân nhiệt, sốt cao liên tục 39 - 40 độ C. Khối dị dạng mạch não tuy không quá lớn nhưng ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.
Mặc dù đã được hồi sức tích cực tại Trung tâm đột quỵ nhưng tình trạng diễn biến nhanh, bệnh nhân tụt huyết áp, thiểu niệu, rối loạn thân nhiệt, hôn mê sâu, Glasgow 3 điểm. Sau 2 ngày điều trị, khi được bác sĩ giải thích không còn khả năng cứu chữa, gia đình đưa bệnh nhi về và bệnh nhi đã tử vong sau đó.
Trường hợp khác là nữ bệnh nhân 29 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Bệnh nhân đến viện vì đột ngột đau đầu, tê tay, nôn nhiều vật vã.
Tại bệnh viện tỉnh, bệnh nhân được chẩn đoán chảy máu não, các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản thở máy rồi chuyển tuyến lên Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ý thức hôn mê, Glasgow 6 điểm, thở máy, đồng tử bên phải giãn 4mm, tụt huyết áp, duy trì vận mạch.
Chụp mạch não cho biết bệnh nhân chảy máu não thùy đỉnh phải, chảy máu não thất do vỡ AVM (điểm Spetzler Martin 2 điểm). Bệnh nhân đã được phẫu thuật lấy máu tụ và khối dị dạng. Tuy được điều trị tích cực nhưng di chứng để lại vô cùng nặng nề. Sau một tháng điều trị, bệnh nhân chưa nhận thức được, liệt hoàn toàn nửa người trái…
Chuyên gia cảnh báo
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết dị dạng thông động tĩnh mạch não (arteriovenous malformation - AVM) là một đám rối của các mạch máu bất thường nối động mạch và tĩnh mạch trong não, không qua mạng lưới mao mạch do đó làm rối loạn quá trình này.
AVM có thể phát triển ở bất cứ đâu trong cơ thể nhưng thường xảy ra nhất ở não hoặc tủy sống. Tuy nhiên các AVM ở não rất hiếm và ảnh hưởng ít hơn 1% dân số.
AVM có thể không gây ra bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào cho đến khi bị vỡ, dẫn đến chảy máu trong não. Chỉ có từ 1-3% AVM não bị vỡ nhưng xuất huyết là dấu hiệu đầu tiên ở 50% bệnh nhân AVM. Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán do kiểm tra sức khỏe hoặc do các vấn đề khác không liên quan đến khối dị dạng như chấn thương sọ não.
Một số triệu chứng khác của AVM có thể kể đến như co giật, đau đầu, yếu liệt, nói khó, nhìn mờ, lú lẫn. Các triệu chứng có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi nhưng thường xuất hiện trong độ tuổi từ 10 đến 40.
Các AVM não có thể làm tổn thương mô não theo thời gian. Các tác động tích tụ từ từ và thường gây ra các triệu chứng ở tuổi trưởng thành sớm. Tuy nhiên, khi đến tuổi trung niên, các AVM của não có xu hướng duy trì ổn định và ít gây ra các triệu chứng hơn.
AVM có thể gây ra hiện tượng "trộm máu não" do dòng máu bị hướng đến khối dị dạng thay vì việc cung cấp dưỡng chất cho các tế bào não, từ đó hình thành các cơn nhồi máu não.
Bác sĩ Phạm Văn Cường, khoa can thiệp mạch thần kinh (Bệnh viện Trung ương quân đội 108), cho biết hiện nay số lượng người bị đột quỵ ngày càng gia tăng, đáng nói là số người trẻ tuổi mắc bệnh chiếm tỉ lệ không hề nhỏ.
Theo bác sĩ Cường, với đột quỵ não nhất là với người trẻ, nguyên nhân thường do các bất thường về mạch máu não, các dị dạng mạch có thể bị vỡ ra gây xuất huyết não, hoặc tắc mạch não gây nhồi máu ở những bệnh nhân bị bệnh lý hẹp mạch não tiến triển (Moyamoya).
Nguyên nhân thứ hai là do có vấn đề về tim mạch. Nguyên nhân này trước đây ít gặp nhưng giờ gặp nhiều hơn, đó là do những rối loạn nhịp, hoặc bệnh lý van tim sẽ tạo thành những huyết khối trong tim và di chuyển lên trên não gây tắc mạch và đột quỵ.
Nguyên nhân thứ ba rất đáng báo động hiện nay, đó là do những thói quen xấu trong sinh hoạt hằng ngày như những người có thói quen hút thuốc, uống rượu, thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh, từ đó gây rối loạn chuyển hóa mỡ máu sớm, cao huyết áp, béo phì…
Nguyên nhân thứ tư hiếm gặp hơn, có thể gặp ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai kéo dài, nạo hút thai, phụ nữ sau sinh... dẫn tới nguy cơ tăng đông máu và gây tắc tĩnh mạch não.
"Tóm lại, với đột quỵ não có 2 nhóm nguyên nhân chính, thứ nhất là những yếu tố nguy cơ không thay đổi được đó là bệnh lý tim mạch, tiểu đường, huyết áp, rối loạn chuyển hóa.
Thứ hai là nhóm có thể thay đổi được đó là liên quan đến lối sống, cách sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, thức khuya, lười vận động. Nhóm này các bạn trẻ mắc rất nhiều, do vậy cần phải thay đổi để phòng tránh đột quỵ não nói riêng và các bệnh lý khác nói chung", bác sĩ Cường chia sẻ.
Quy tắc FAST để nhận biết và cấp cứu nhanh người bị đột quỵ
- F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
- A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
- S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
- T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Link nội dung: https://tbngaynay.com/vi-sao-co-ca-dot-quy-o-nhom-thanh-nien-tre-a185444.html