Tràn lan dạy thêm, học thêm: Phụ huynh chạy đua vì sợ con thua thiệt

TPO - Theo các chuyên gia, không phải bất kỳ ai hay thời điểm nào cũng cần thiết phải đi học thêm. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh có tâm lí sợ con thua thiệt nên ngay từ bậc mầm non đã tìm lớp để học. Có những đứa trẻ vắt kiệt sức ở lò luyện mỗi tối lẫn cuối tuần, không có cả ngày nghỉ.

Khổ vì … tiền tiểu học

Chị Trần Thị Thu Thủy ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) có con trai thứ ba năm tới vào lớp 1. Muốn con có được suất học của trường tư thục ở quận Cầu Giấy, vài tháng nay chị Thủy đã ghi danh con

Mùa nào trong năm học sinh cũng đi học thêm tại các trung tâm ở ngoài và chỉ kết thúc khi đã tối muộn.

Cũng theo chị Thủy, hai con gái đang theo học trường công lập tại quận Thanh Xuân hiện vẫn đi học thêm tuần 4 buổi, trong đó 2 buổi học ngoại ngữ và 2 buổi Toán, Tiếng Việt. Ngoại ngữ học cuối tuần, các môn còn lại được giáo viên sắp xếp học ngay sau khi kết thúc giờ học ở lớp. Phụ huynh đón con lúc 4h30, vội vã cho ăn tạm bánh mì, đưa đến chỗ học thêm học tiếp khoảng 1,5 giờ. Học phí 150.000 đồng/buổi.

“Không tiếc tiền đầu tư cho con học tập nhưng với lịch học như hiện nay, mình cũng thực sự thấy các con quá vất vả, không có thời gian để vui chơi. Tan học lúc 7 giờ tối, con được đón về nhà, vội vã ăn bát cơm lại phải vào làm bài tập và ngủ sớm để hôm sau còn tiếp tục đi học. Cuộc sống quay cuồng trong vòng quay học và học”, chị Trần Thị Thuỷ (quận Thanh Xuân) nói.

Từ khi con cả vào lớp 1, rồi đến đứa thứ hai và nay chuẩn bị cho đứa thứ ba, chị Thủy nói rằng, cuộc sống gia đình đảo lộn vì phải bố trí đưa đón học chính, học thêm. “Trước đây, mình đã không được học hành tử tế nên càng phải đầu tư cho con. Không học giỏi, không đỗ đạt sau này vất vả”, chị chia sẻ.

Không riêng chị Thủy, nhiều gia đình xác định đầu tư, chi mạnh tay cho con học thêm từ mầm non để có nền tảng trước khi vào tiểu học. Nếu như mục tiêu cần đạt của chương trình, sau khi hoàn thành lớp 1 trẻ đọc thông, viết thạo thì nhiều đứa trẻ trước khi vào lớp 1 đã tính toán vanh vách, đọc sách, truyện rành rành. Phụ huynh tin rằng, con cần học trước mới tự tin, không thua kém bạn bè ở lớp.

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm về việc học sớm để con vượt trội, lọt qua vòng tuyển sinh đầu vào của một số trường tư có tiếng của Hà Nội như: Ngôi Sao, Nguyễn Siêu, Marie Curie.

Không có thời gian kèm con… gửi học thêm

Có nhiều lí do để phụ huynh cho con đi học thêm. Học để đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1; học để thi vào trường top đầu; không có thời gian kèm con… gửi cô học thêm; học để thi vượt cấp; học để thi trường chuyên hay học để tăng hạng điểm số… Có muôn vàn lí do để phụ huynh tìm lớp, gửi con.

Chị Nguyễn Thị Hằng, ở TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) là chủ một cửa hàng thời trang cho biết, có hai con đang học lớp 3 và lớp 5 nhưng do công việc bận rộn, mỗi ngày sau giờ học chị đều gửi cô trông và dạy kèm.

“Tôi làm việc ở cửa hàng đến 22 giờ đêm, nếu để con ở nhà cháu không tự học, thường xuyên bị cô giáo kêu thiếu bài và mẹ cũng không yên tâm. Từ khi tôi gửi cô giáo kèm 2 tiếng mỗi tối với giá 70.000 đồng/buổi, con hoàn thành bài vở, mẹ yên tâm làm việc”, chị Hằng nói.

Nhiều phụ huynh cũng nói rằng, với bậc tiểu học thời lượng chương trình 7 tiết/ngày, học sinh tan trường khoảng 3h30 phút. Nếu nhà trường không tổ chức các hoạt động câu lạc bộ, bố mẹ đành phải gửi con học thêm với cô bởi vì nhiều gia đình không thể thu xếp đón con sớm. Trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm học, nhiều người không khỏi ngán ngẩm khi có những phụ huynh giơ tay, đặt vấn đề “nhờ cô” mở lớp để ghi danh cho con học thêm.

Tràn lan dạy thêm, học thêm: Phụ huynh chạy đua vì sợ con thua thiệt ảnh 2

Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) trong một tiết mục văn nghệ có lời rap: "Học cả ngày con mệt lắm rồi/ Cho con được buổi tối nghỉ ngơi...".

Trong khi đó, ở bậc THCS, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT ở nhiều địa phương hiện đang căng thẳng, gây áp lực lớn cho học sinh.

Những năm qua, một số địa phương quy định tỉ lệ học sinh đỗ lớp 10 các trường THPT công lập chỉ khoảng 60-70%, điều này khiến phụ huynh, học sinh tin rằng, cần phải học thêm từ sớm để có kiến thức nền tảng, chuẩn bị cho kỳ thi. Nhiều phụ huynh chia sẻ, ngay từ khi con bước chân vào lớp 6 đã phải rốt ráo tìm thầy, tìm lớp luyện các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Tự học là phương pháp tốt nhất

Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm 2012, cố GS Văn Như Cương từng viết: “Tự học là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vững kiến thức và linh hoạt áp dụng. Còn học thêm là con đường ngắn nhất làm cho trí tuệ trở thành “thiểu năng”.

Ông cũng từng lấy ví dụ, trong kì thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ, 80% thủ khoa ở vùng nông thôn, trong số đó phần lớn là không đi học thêm.

Bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội) cho rằng, đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, phụ huynh không cần cho con đi luyện viết chữ, học toán từ sớm. Chương trình bậc mầm non trẻ 5 tuổi, giáo viên đã cho con làm quen bảng chữ cái, các con số đảm bảo yêu cầu để vào lớp 1. Trong năm học, giáo viên có đủ tiết học để hướng dẫn, cung cấp kiến thức, phương pháp, kỹ năng cần thiết để các em tiếp nhận một cách tự tin.

“Cha mẹ cho con học sớm là không cần thiết, thậm chí điều này có tác dụng ngược khi vào lớp cô dạy những điều con đã biết, mất sự hứng thú trong học tập”, bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội).

TS Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) cũng cho rằng, không cấm học thêm, dạy thêm nhưng không phải ở bất kỳ thời điểm nào học sinh cũng cần học thêm. Học thêm chỉ nên diễn ra ở những giai đoạn học sinh cần được cung cấp, đào sâu thêm kiến thức chuẩn bị cho các kỳ thi vượt cấp, thi tốt nghiệp trong một quãng thời gian nhất định.

“Ở trường đã học ngày 2 buổi, thầy cô đã cung cấp kiến thức mới, giao lượng bài tập nhất định nếu về nhà các em không có thời gian để xem lại, hoàn thiện bài nhưng tiếp tục đi học thêm, điều này sẽ không có ý nghĩa”, TS Trung nói.

Còn Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho rằng, một trong hai giải pháp hướng tới trường học không dạy thêm, học thêm; xã hội không học thêm có vai trò rất lớn của phụ huynh. Đó là phụ huynh cần nhận thức, khi ra xã hội, ngoài kiến thức nền tảng, các kỹ năng khác rất quan trọng giúp trẻ tự tin, thành công. Trên thực tế, lâu nay phụ huynh vẫn có tâm lí hơn thua, lo sợ con mình không học sẽ thua thiệt so với các bạn nên cố theo đuổi, nhồi nhét học thêm dù không chắc rằng liệu có hiệu quả hay không.

Bộ GD&ĐT quy định: Giáo viên được trường phân công dạy học sinh trong trường thì không được dạy thêm có thu tiền với các em đó ở bên ngoài nhằm hạn chế được tình trạng giáo viên kéo học sinh ra ngoài học thêm, cắt giảm kiến thức trên lớp để dạy thêm.

Cấm dạy thêm, học thêm: Dạy ‘chéo cánh’ để lách quy định
Tràn lan dạy thêm, học thêm: Phụ huynh chạy đua vì sợ con thua thiệt ảnh 3

Cấm dạy thêm, học thêm: Dạy ‘chéo cánh’ để lách quy định

15/01/2025

Chuyên gia giáo dục lên tiếng về Thông tư 'siết' dạy thêm, học thêm
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Hướng tới nền giáo dục không cần dạy thêm, học thêm
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Hướng tới nền giáo dục không cần dạy thêm, học thêm

Link nội dung: https://tbngaynay.com/tran-lan-day-them-hoc-them-phu-huynh-chay-dua-vi-so-con-thua-thiet-a185234.html