Du khách phải chi nhiều hơn, cư xử tốt hơn khi du lịch hè này

Từ Barcelona đến Bali, chính quyền địa phương đang ban hành ngày càng nhiều các khoản thuế, phí và quy định nhắm vào du khách.

Nhiều quốc gia bắt tay vào hành động nhằm giảm tình trạng quá tải du lịch. Ảnh: Wandering.

Mùa hè này, du khách đến đảo Bali (Indonesia) sẽ phải trả gần 10 USD cho mỗi lần ghé thăm. Trong khi đó, vé tham quan quần đảo Galápagos (vườn quốc gia của Ecuador) đã tăng từ 100 lên 200 USD/người.

Theo kế hoạch, chính quyền địa phương sẽ sử dụng khoản tiền thu được để "khắc phục hậu quả du lịch" và "giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu". Tuy nhiên, một số người dân địa phương lo rằng du khách sẽ hạn chế đến nơi họ đang kinh doanh du lịch vì các khoản thuế, phí quá cao, theo New York Times.

Phí tham quan thành phố

Kể từ tháng 2, du khách đến đảo Bali sẽ phải chi 9,4 USD cho một lần ghé thăm. Theo chính quyền địa phương, số tiền này dùng để "hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên" trên đảo. Bởi lẽ, các hoạt động du lịch thái quá đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về rác thải, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng. Du khách sẽ được khuyến khích thanh toán trực tuyến qua điện thoại hoặc đưa tiền trực tiếp trước khi lên máy bay đến Bali.

Còn ở vườn quốc gia Galápagos (Ecuador), nơi có lượng khách tham quan đạt 330.000 người vào năm 2023, giá vé tham quan sẽ tăng gấp đôi. Từ tháng 8 năm nay, du khách sẽ phải trả 200 USD/lần tham quan. Số tiền chênh lệch sẽ được sử dụng để cải thiện cơ sở hạ tầng và tài trợ cho các chương trình cộng động của Ecuador.

"Đây là lần đầu tiên chúng tôi tăng giá vé kể từ năm 1998", ông Tom O'Hara, giám đốc truyền thông của Galápagos, nhấn mạnh. "Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi hướng tới 'mô hình không tăng trưởng' của UNESCO".

"Đây là một chủ đề khá phức tạp. Việc tăng phí tham quan được coi là một phần giải pháp cho vấn đề quá tải du lịch. Chúng tôi cũng đang cố gắng trấn an cộng đồng địa phương rằng điều này sẽ không ảnh hưởng đến lượng du khách đến tham quan quần đảo", ông nói thêm.

qua tai du lich anh 1

Các địa điểm đông nghịt khách du lịch ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương, ảnh được chụp tại Amsterdam. Ảnh: The Conversation.

Tại Venice (Italy), một khoản tiền mới gọi là "phí vào cổng" đã được áp dụng từ tháng 4. Theo đó, mỗi lần muốn vào tham quan thành phố Venice, du khách sẽ phải trả khoảng 5,4 USD/người. Tuy nhiên, khoản "phí vào cổng" này đã làm dấy lên sự phẫn nộ của người dân.

"Dự án này là một thảm họa đối với chúng tôi. Venice là một thành phố chứ không phải công viên mà chính quyền lại đi thu phí vào cổng", ông Matteo Secchi, Chủ tịch Hiệp hội Cư dân Venice, cho rằng một chiến dịch truyền thông về du lịch bền vững sẽ mang lại nhiều tác động tích cực hơn.

"Tất cả hoạt động du lịch đều phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và văn hóa địa phương", bà Epler Wood, giám đốc Chương trình quản lý Du lịch bền vững ở Đại học Cornell, nhận xét về vấn đề quá tải của ngành du lịch.

"Việc chính quyền địa phương thu tiền để bảo tồn và sửa chữa tài nguyên du lịch là hoàn toàn hợp lý. Đây là điều cần phải được thực thi, dù sớm hay muộn", bà nói thêm các khoản thuế, phí thường chiếm một phần rất nhỏ so với tổng chi phí của chuyến đi.

Quy tắc ứng xử cho khách du lịch

Ngoài các khoản thuế, phí để bảo trì cơ sở vật chất và giải quyết biến đổi khí hậu, nhiều bộ quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch cũng được ban hành.

Tại Nhật Bản, chính quyền ở hai tỉnh Shizuoka và Yamanashi - nơi tọa lạc của ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng - giới hạn số du khách được phép tham quan núi Phú Sĩ trong một ngày ở con số 4.000. Với mỗi lần tham quan, khách sẽ phải trả 2.000 yen (13 USD) để được leo lên đỉnh núi.

Còn tại cố đô Kyoto, hội đồng nghệ thuật Geisha ở đây đã cấm khách du lịch lai vãng đến những con đường có nhiều Geisha hoạt động. Nguyên nhân của việc này là do tính trạng quá tải của ngành du lịch địa phương. Một số du khách còn có hành vi thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

"Chúng tôi yêu cầu khách hạn chế đi vào những con đường thuộc sở hữu cá nhân kể từ tháng 4 năm nay", Isokazu Ota, đại diện ban lãnh đạo hội đồng nghệ thuật cho biết. "Không ai muốn làm như vậy cả nhưng có quá nhiều người đến, không thể quản lý được".

qua tai du lich anh 2

Tây Ban Nha cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp cấm bán rượu vào đêm khuya để giữ sự yên tĩnh cho thành phố. Ảnh: Logan Armstrong/Unsplash.

Mới đây, tại Milan (Italy), để hạn chế các hành vi thiếu chuẩn mực và tiếng ồn của khách du lịch, chính quyền thành phố đã lên kế hoạch cấm các quán ăn, quán nước kinh doanh sau 0h30 các ngày trong tuần và 1h30 cuối tuần. Du khách lẫn người dân cũng không được ngồi ngoài trời sau khung giờ này.

Trên quần đảo Balearic của Tây Ban Nha, nơi nổi tiếng với các quán bar, quầy rượu phục vụ khách xuyên đêm, chính phủ đã ban hành các lệnh cấm bán rượu vào đêm khuya. Du khách cũng không được tổ chức tiệc tùng ở những khu vực có đông dân địa phương sinh sống.

"Tất nhiên là du lịch mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề về an sinh xã hội, khí hậu, môi trường đối với cộng đồng địa phương", Marga Prohens, người đứng đầu chính quyền quần đảo Balearic, phát biểu trong một cuộc họp báo. Theo bà, du lịch địa phương "không thể tăng thêm về số lượng" mà chỉ có thể "đào sâu về chất lượng".

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Link nội dung: https://tbngaynay.com/du-khach-phai-chi-nhieu-hon-cu-xu-tot-hon-khi-du-lich-he-nay-a177634.html