Kết luận tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 ngày 12/11 về vấn đề y tế, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chỉ đạo: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu biện pháp quản lý phù hợp để tăng cường quản lý đối với thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) và các sản phẩm thuốc lá mới (TLM) khác để báo cáo Quốc hội. Đồng thời giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL).
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng khẳng định hiện đang có nhiều quan điểm trái chiều của các bên đối với vấn đề TLM, từ các nhà quản lý, nhà khoa học đến cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long trong phiên chất vấn sáng 12/11 |
Khoa học về tính giảm hại của thuốc lá nung nóng
Cũng tại nghị trường của kỳ họp, bên cạnh những câu hỏi chất vấn về tính tính gây hại của TLM, một số ĐBQH hội đặt nghi vấn liệu cơ quan chức năng đã thẩm định đối với các thông tin TLNN có thể giảm hại hay chưa để có cơ sở quyết định dựa trên khoa học. “Hiện nay tôi có thông tin rằng TLNN có mức độ tác hại không bằng thuốc lá truyền thống. Thế thì cơ quan chức năng phải xem xét đủ luận chứng khoa học để có cơ sở ra quyết định,” ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phản biện.
Thuốc lá điếu đã được khoa học xác định là độc hại và là nguyên nhân gây ra tử vong do hút thuốc. Tuy nhiên, tác hại của TLNN và các sản phẩm TLM khác hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Điểm chung mà các quốc gia, tổ chức y tế, kể cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), v.v đều công nhận đó là: TLNN không có quá trình đốt cháy như thuốc lá điếu. Việc một sản phẩm không đốt cháy sẽ dẫn đến giảm hàm lượng các chất gây hại, đặc biệt là những chất gây ung thư hoặc các bệnh do hút thuốc, như acetaldehyde, nitrosamine hay carbon oxide (CO).
Với kết quả này, WHO công nhận hàm lượng phần lớn các chất độc trong khí hơi tỏa ra của TLNN thấp hơn so với khói của thuốc lá điếu, dù có phát sinh thêm một số chất khác, 4 trong số những chất này có thể gây ung thư và 15 chất có thể gây tổn thương gen ở người. Trong khi đó, năm 2017, Ủy ban Tư vấn Độc tính học (COT) thuộc Bộ Y tế Anh đã thực hiện nghiên cứu đánh giá về nguy cơ độc tính của sản phẩm TLNN so với thuốc lá điếu. Kết quả cho thấy hàm lượng các chất gây hại trong khí hơi của TLNN đã giảm đáng kể từ 50% đến 90% so với thuốc lá điếu, và nhiều chất còn ở dưới mức giới hạn phát hiện của phép định lượng.
Cùng năm, TLNN được Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng Nhật thực hiện nghiên cứu có sử dụng phương pháp của WHO đối với thuốc lá (WHO TobLabNet Official Method SOP) để đánh giá nhóm các hợp chất có hại (nicotine, hắc ín, CO và nitrosamine) có trong khói thuốc lá điếu và khí hơi của TLNN. Kết quả chỉ ra, nồng độ nitrosamine của TLNN chỉ bằng 1/5 lần và nồng độ CO chỉ bằng 1/100 lần so với thuốc lá điếu...
Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát tác hại đối với những sản phẩm gây hại
Dù hàm lượng chất gây hại một số nơi công bố giảm hơn so với thuốc lá điếu, tuy nhiên giới khoa học nhìn nhận cần thêm thời gian đủ để đánh giá về khả năng giảm tác hại của TLNN.
Do vậy, WHO đưa ra khuyến nghị trong báo cáo Tóm tắt nghiên cứu và bằng chứng về tác động sức khỏe của TLNN (năm 2023): “Trước khi chứng minh được người đã chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang TLNN sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá, thì các sản phẩm này nên chịu mức thuế tương tự như thuốc lá điếu. Các quốc gia nên tiếp tục giám sát tất cả mọi sản phẩm thuốc lá và triển khai các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.”
Đối với tình hình trong nước, lĩnh vực này hiện đang bị thị trường chợ đen thao túng, trong khi khung hành lang pháp lý vẫn còn bỏ ngỏ. Kết luận phiên chất vấn Bộ Y tế ngày 12/11, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo: "Bộ Y tế cần khẩn trương đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội việc sửa đổi Luật PCTHTL, và nghiên cứu báo cáo Quốc hội về chủ trương xây dựng văn bản phù hợp để quản lý và phòng, chống tác hại của TLĐT, TLNN và TLM khác."
Cũng trong báo cáo của WHO nêu trên, quy định dành cho TLNN cần được thiết lập trên diện rộng, vì trên thực tế đã có nhiều quốc gia áp mức thuế của TLNN thấp hơn so với thuốc lá điếu (như các nước châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Indonesia, Philippines…). Cụ thể, WHO thiết lập các mục tiêu quản lý gồm ngăn chặn giới trẻ và những đối tượng dễ tổn thương nhằm giảm tối đa việc phơi nhiễm với khí hơi TLNN đối với người xung quanh, hạn chế những công bố về TLNN liên quan đến sức khỏe, công cụ cai thuốc, hay khả năng giảm các bệnh liên quan đến thuốc lá, cho đến khi được khoa học công nhận. Sau cùng là kiểm soát mọi hoạt động tiếp thị từ ngành hàng.
Trong nước, đại diện các bộ ngành, chuyên gia tại các sự kiện cũng đề nghị phương án quản lý có thể dựa trên tem nhãn nhằm loại bỏ những sản phẩm không chứa nguyên liệu thuốc lá, chứa dung dịch hoặc chất cấm trá hình, hoặc những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được phép nhập khẩu.
Cũng theo tinh thần tại Quốc hội, mặc dù Bộ Y tế được giao chủ trì đề xuất chính sách nhưng cần phối hợp cùng Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan. Theo các chuyên gia, thuốc lá là một lĩnh vực rất rộng, bao gồm Bộ Công Thương quản lý về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, kiểm soát hàng hóa nhập lậu; Bộ Y tế đánh giá tác động đến sức khỏe người dùng và cộng đồng; Bộ Tài chính đề xuất và thực thi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt; hay cả Bộ Khoa học - Công nghệ chịu trách nhiệm đánh giá khoa học kỹ thuật, ban hành tiêu chuẩn sản phẩm.
Như vậy, từ khuyến nghị của WHO, FDA và các tổ chức y tế quốc tế khác đến trách nhiệm được phân bổ giữa các bộ ngành liên quan, có thể thấy việc phối hợp xây dựng thể chế để kiểm soát tác hại của TLNN, TLM là phù hợp với các thông lệ quốc tế cũng như chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội trong nước.
Link nội dung: https://tbngaynay.com/yeu-cau-som-sua-luat-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-co-giai-phap-quan-ly-hieu-qua-a174808.html