EVN thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững

Chia sẻ về quá trình chuyển đổi số, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, EVN đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số, lấy sự hài lòng của khách hàng là thước đo, trên cơ sở ứng dụng toàn diện công nghệ số trong quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng.

Đây là thông tin được lãnh đạo EVN chia sẻ tại Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương 2024 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững” diễn ra ngày 21/11, tại Hà Nội. Diễn đàn do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, triển khai Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số trong đó tập trung vào các nội dung: tăng cường xây dựng Chính phủ điện tử Bộ Công Thương; thúc đẩy phát triển Kinh tế số ngành Công Thương theo ba lĩnh vực ưu tiên là thương mại, công nghiệp – năng lượng, và dịch vụ logistics.

EVN thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững ảnh 1

Phó Tổng EVN Võ Quang Lâm chia sẻ tại tọa đàm về hành trình chuyển đổi số của EVN

Trong nỗ lực xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương, Diễn đàn này là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nơi hội tụ các đơn vị cung cấp giải pháp hạ tầng chuyển đổi số, các đơn vị ứng dụng công nghệ số điển hình, các doanh nghiệp chủ chốt trong lĩnh vực thương mại điện tử, sản xuất và năng lượng, để cùng thảo luận, đánh giá về tiến trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực nói trên, cũng như bàn về các giải pháp chuyển đổi số hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững trong tương lai.

Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, Diễn đàn chuyển đổi số ngành Công Thương được Bộ Công Thương kỳ vọng sẽ phát huy vai trò kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các sở công thương địa phương, các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, nhằm đưa ra các đề xuất chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương hiệu quả, bền vững.

Với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh và bền vững”, các khách mời, các chuyên gia tham dự diễn đàn đã tập trung chia sẻ, thảo luận các nội dung: Một là, các xu hướng ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số ngành Công Thương nói riêng; các giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số ngành Công Thương trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, sản xuất thông minh, thương mại điện tử, logistics. Hai là, các giải pháp tiếp tục xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững, thu hẹp khoảng cách số, tăng tính liên kết vùng, chú trọng đến yếu tố môi trường. Ba là, các giải pháp phát triển thương mại điện tử và kinh tế số ngành Công Thương tại các địa phương.

EVN thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững ảnh 2

Lĩnh vực điện lực có bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong các năm gần đây

Chia sẻ tại tọa đàm "Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương", Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, EVN đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số, lấy sự hài lòng của khách hàng là thước đo, trên cơ sở ứng dụng toàn diện công nghệ số trong quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng.

Với mục tiêu đó, EVN đã mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số toàn diện các hoạt động trong Tập đoàn, trong đó 100% các dịch vụ điện cấp độ 4 đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 99,54% các giao dịch sử dụng điện được thực hiện trên môi trường điện tử; toàn bộ quá trình sử dụng điện đã được số hóa và liên thông với nhau từ yêu cầu sử dụng điện, đến lúc sử dụng điện, giải đáp các yêu cầu sử dụng điện, phát hành hóa đơn, thanh toán hóa đơn,... đều được thực hiện trên môi trường điện tử.

Để có kết quả này, EVN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó có: Rà soát các quy trình nội bộ để tối ưu, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, điển hình như quy trình kinh doanh của EVN liên tục được cải tiến, thay đổi 4 lần kể từ năm 2002 đến nay. Tập đoàn cũng quy hoạch và từng bước chuyển đổi thiết bị công nghệ mới thay thế cho các thiết bị đã hết hạn sử dụng (công tơ điện tử đo xa thay thế cho công tơ cơ hết hạn sử dụng). Cùng đó, EVN cùng các đơn vị cũng thay đổi và phát triển đồng bộ với sự phát triển chung của các nền tảng hạ tầng quốc gia và các cơ chế chính sách của Nhà nước.

Theo ông Lâm, qua thực tế thực hiện chuyển đổi số của EVN, kinh nghiệm cho thấy hình thành văn hóa chấp nhận đổi mới trong doanh nghiệp là bắt buộc đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất. Do đó, công tác truyền thông và đào tạo nhận thức phải được ưu tiên. Phải có lộ trình thay đổi đồng bộ với môi trường xã hội và chính sách quốc gia, triển khai thí điểm, từng bước tháo gỡ các vướng mắc, đánh giá hiệu quả rồi triển khai diện rộng. Liên tục cải tiến và tối ưu các nhiệm vụmang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và thuận tiện khách hàng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, còn có triển lãm các giải pháp công nghệ tiên tiến từ hơn 20 nhà cung cấp trong và ngoài nước, giúp kết nối doanh nghiệp và giới thiệu những sáng kiến mang tính đột phá.

Trong đó, tại gian hàng triển lãm EVN, Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh giới thiệu một số thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ và chuyển đổi số như: Hệ thống lưới điện thông minh; Bản đồ quản lý mất điện; Tổng đài đa kênh; Website trải nghiệm khách hàng 360; Hệ thống thiết bị bảo hộ thông minh…; Tổng công ty Điện lực miền Trung mang tới sản phẩm "Công tơ điện tử CPC EMEC" được sản xuất trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến bởi đội ngũ kỹ sư chất lượng cao của tổng công ty.

Link nội dung: https://tbngaynay.com/evn-thuc-day-chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-huong-toi-phat-trien-ben-vung-a174795.html