Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ

TPO - “Con ơi, con linh thiêng ở đâu xin hãy nổi lên, để chú Việt vớt con mang về nhà”… Tiếng gào khóc của người thân có con bị cuốn trôi trong trận lũ quét bất ngờ xảy ra trong đêm 24/7 ở bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, đã khiến cho Đại uý Vũ Văn Việt (SN 1992) - Đội Tham mưu, Công an huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên không kìm được nước mắt.

Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ ảnh 1

Đêm ấy (đêm 24/7), một đêm đen đặc, tĩnh mịch bị xé tan bởi cơn lũ kinh hoàng ập đến

Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ ảnh 3

Trầm giọng, Đại uý Việt kể, người dân gần như không kịp trở tay, họ không biết chạy đi đâu bởi xung quanh mênh mông là nước. Đồ đạc, thóc, gia súc… cứ thế trôi theo dòng lũ. Nhiều ngôi nhà dựng tạm bị cuốn đi, không còn dấu vết nào.

“Hai ngày đầu, chúng tôi còn có thể xuồng để tìm kiếm thi thể mất tích, cũng như hy vọng cứu được con lợn, con gà cho bà con. Nhưng từ ngày thứ 3 sau lũ, xuồng không thể hoạt động, tôi phải mặc áo phao, trực tiếp dầm mình trong dòng nước lũ để tìm kiếm thi thể. Xuống nước bơi bình thường đã mệt, bơi trong dòng nước ken đặc bởi rác, gỗ, cây, xác lợn chết, cá chết, gà chết… nổi lên lại càng khó. Mỗi lần chạm phải một vật gì dưới nước, tim tôi lại thắt lại, không biết đó là cành cây, xác động vật hay là thi thể của ai đó…” - Đại uý Việt ngược dòng ký ức.

Gần 10 ngày tham gia cứu nạn, cứu hộ ở bản Lĩnh, anh Việt và đồng đội luôn dốc sức để tìm thi thể của những nạn nhân kém may mắn bị nước lũ cuốn trôi. Những đôi mắt đỏ hoe, những khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ của các cán bộ, chiến sĩ hiện rõ trong từng khoảnh khắc. Các anh cũng là con người, sức người thì có hạn, nhưng... “chúng tôi, những chiến sĩ Công an không cho phép mình gục ngã. Vì nhiệm vụ và trách nhiệm, chúng tôi phải tiếp tục”, anh Việt nói.

Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ ảnh 4

Hôm ấy, sau khi nhận tin báo xảy ra lũ quét ở Mường Pồn, Thượng tá Hoàng Ngọc Sơn - Phó Trưởng Công an huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã huy động lực lượng ứng trực 100% có mặt tại hiện trường trong những giờ đầu tiên sau khi lũ quét qua 3 bản Mường Pồn 1, Lĩnh và Tin Tốc. Ngay trong đêm, mỗi cán bộ, chiến sĩ đi gõ cửa từng hộ dân, gõ kẻng thông báo sơ tán.

“Tin báo lũ quét về trong chớp nhoáng, trời tối mịt, chúng tôi chưa thể nào hình dung được mức độ tàn phá mà lũ để lại. Nước bắt đầu dâng, trời tối. Từng tiếng gọi nhau hô hoán sơ tán vang lên trong sự hoảng loạn. Đêm tối che khuất tầm nhìn, chúng tôi lần mò qua từng ngôi nhà, từng lối đi nhỏ, cõng trên lưng những người già, dìu trẻ em, đưa từng người dân ra khỏi vùng nguy hiểm”, Thượng tá Sơn nhớ lại.

Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ ảnh 5

Hôm sau, Thượng tá Sơn cùng đoàn tiếp tục đến bản Huổi Ké, nơi 17 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông bị cô lập giữa rừng núi. Đi trên con đường trơn trượt dài 3 tiếng đồng hồ, các cán bộ, chiến sĩ kiên trì vượt qua lớp đất đá ngổn ngang, để tiếp cận từng hộ gia đình. Có gia đình mất tích 3 người, người mẹ 4 ngày sau mới tìm thấy, còn con vẫn chưa rõ tung tích…

Vẫn còn nhớ như in khi đập thuỷ điện mở cửa xả ở Huổi Chan 1, Trung tá Phạm Ngọc Tùng - Phó trưởng Công an xã Mường Pồn, Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên kể lại: “Chúng tôi, người dân cùng nhìn thấy xác nạn nhân trôi qua nhưng do đập mở, nước lũ cao, chảy xiết, chưa thể thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ. Bằng mọi cách, chúng tôi trực tiếp sử dụng các công cụ, thiết bị trợ giúp như áo phao, dây thừng... dọc theo bờ men để tìm nạn nhân”.

Rác thải liên tục dồn về dày đặc, tổ công tác đã sử dụng flycam để rà soát mặt hồ, nhưng do trời mưa nên cũng gặp nhiều khó khăn. “Các đồng chí trong tổ công tác được phân chia, mặc áo phao và buộc dây thừng vào người xuống phà lật từng mảng rác, gốc cây tìm kiếm trong khu vực.

Trong quá trình tìm kiếm, tổ công tác đã sử dụng hết khả năng của mình, thuyền không hoạt động được, cán bộ phải sử dụng sức người tìm kiếm. Thấy ở đâu có biểu hiện như ruồi trên mặt nước, nghi ngờ có thi thể, anh em đều lùng sục…”, anh Tùng nói.

Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ ảnh 6
Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ ảnh 7

Trung tá Tùng nhớ lại, trong không khí tang thương ấy, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an phải nỗ lực, không ngại khó, không ngại khổ, xem việc tìm kiếm thi thể nạn nhân cũng như tìm chính người thân của mình.

Những ngày ở thực địa tìm kiếm, các cán bộ, chiến sĩ thường tìm lá vối để đun nước, ngâm trong đó như một loại kháng sinh giúp giảm ngứa, viêm nhiễm. Đó như là một “mẹo vặt” của tổ công tác nhằm đảm bảo sức khoẻ tốt nhất trong quá trình tìm kiếm.

Theo thống kê của UBND huyện Điện Biên, trận lũ quét tại xã Mường Pồn đã khiến cho 4 người tử vong và 3 người mất tích hiện chưa tìm thấy; 123 ha đất sản xuất bị vùi lấp; 120 ngôi nhà bị cuốn trôi, đổ sập...

Hơn 3 tháng trôi qua, những hình ảnh tang thương của trận lũ vẫn còn đó. “Tinh thần lăn xả, sẵn sàng hy sinh trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân chúng tôi một mặt vừa là sự cống hiến, nhưng mặt khác cũng là một nhiệm vụ. Vì lẽ đó, trong mỗi buổi giao ban, sinh hoạt chính trị, câu nói “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” đã thôi thúc chúng tôi - lấy sứ mệnh “vì dân” làm lẽ sống của mình”, Trung tá Tùng chia sẻ.

Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ ảnh 8
Kỳ 1: Mường Pồn - ký ức những ngày không ngủ ảnh 9

Link nội dung: https://tbngaynay.com/ky-1-muong-pon-ky-uc-nhung-ngay-khong-ngu-a174356.html