Nội dung trên được đưa ra tại diễn đàn "Thương hiệu dẫn dắt bền vững" lần đầu tiên tại TP.HCM do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức ngày 22-11.
Lấy phát triển bền vững để xây dựng thương hiệu Việt trên bản đồ thương hiệu toàn cầu
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng với xu hướng "phát triển bền vững", sức mạnh của thương hiệu có thể tạo ra tác động mãnh liệt hơn, dẫn dắt thay đổi thói quen, hành vi người tiêu dùng hướng đến lối sống và tiêu dùng bền vững.
Và chỉ khi có sự chuyển đổi hành vi tiêu dùng sâu và rộng, trọng tâm chiến lược "phát triển bền vững" mới được hiện thực hóa và việc chuyển đổi mới có tác động kinh tế cả theo chiều rộng và chiều sâu.
Theo bà Trần Tuệ Tri - đồng sáng lập và cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose, cần xem phát triển bền vững là điểm khác biệt giúp xây dựng thương hiệu Việt Nam, ghi danh trên bản đồ thương hiệu toàn cầu.
Bởi đây không chỉ là vấn đề chung của thế giới, điều bắt buộc phải làm, mà còn là điều người dân mong muốn, nhà đầu tư và du khách hướng tới.
Ông Alan Hopes, cựu giám đốc điều hành của Unilever, nhấn mạnh phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là chiến lược kinh doanh đem lại lợi nhuận lâu dài.
Thế giới hiện đang đối mặt với ba thách thức nghiêm trọng: khủng hoảng khí hậu, mất cân bằng tự nhiên và gia tăng bất bình đẳng xã hội, gây ra căng thẳng và bất mãn tại nhiều quốc gia.
Những thách thức này không chỉ đe dọa sự phát triển kinh tế, mà còn làm suy yếu các cộng đồng xã hội.
"Nhưng phát triển bền vững phải là cách làm kinh doanh, chứ không phải là một yêu cầu đạo đức thuần túy. Câu hỏi không phải là liệu chúng ta có nên làm hay không, mà là làm như thế nào để đạt được quy mô và tác động thực sự", ông nhấn mạnh.
Đang có khoảng cách giữa giá trị và hành động
Theo chia sẻ của ông Phil Worthington - giám đốc khách hàng cao cấp tại MetrixLab, đơn vị tổ chức khảo sát về hành vi tiêu dùng bền vững, kết quả phản ánh người tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững, với trọng tâm đặc biệt vào các yếu tố môi trường.
Khoảng 75% người tham gia khảo sát cho biết họ hiểu biết về tính bền vững, và 81% khẳng định rằng yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định chọn mua sản phẩm của họ.
Đặc biệt, khi được hỏi về ý nghĩa của tính bền vững, hầu hết người Việt Nam liên tưởng tới các vấn đề môi trường như bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững thiên nhiên.
Khảo sát chỉ ra rằng các vấn đề môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, và rác thải nhựa là những mối lo hàng đầu của người tiêu dùng.
Cụ thể, 65% số người được hỏi bày tỏ quan ngại về các vấn đề liên quan đến môi trường, cao gấp đôi so với các vấn đề liên quan đến xã hội (37%) và kinh tế (dưới 20%).
Ngoài ra, việc bảo tồn nguồn nước và tái chế rác thải nhựa là những hành động được nhiều người tiêu dùng thực hiện để giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Có tới 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả thêm ít nhất 10% giá trị sản phẩm cho các sản phẩm bền vững, với 20% trong số này sẵn sàng chi trả cao hơn 20%.
"Tuy nhiên, đang có khoảng cách giữa giá trị và hành động. Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường. Người tiêu dùng cần một lý do để mua hàng và các doanh nghiệp phải hiểu những yếu tố thúc đẩy quyết định khác ngoài "chúng tôi bền vững"", ông Phil Worthington nói.
Link nội dung: https://tbngaynay.com/chi-co-10-nguoi-tieu-dung-thuc-hien-nhung-gi-ho-tuyen-bo-ve-hanh-vi-moi-truong-a174006.html