Theo quy định, khách hàng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng trị giá các lần giao dịch trong ngày là trên 20 triệu đồng - Ảnh: VTB
Với mục tiêu đảm bảo an toàn trong giao dịch trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định 2345.
Theo quyết định này, từ ngày 1-7 vừa qua, khi chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng cộng các lần trong ngày có trị giá trên 20 triệu đồng, khách hàng sẽ phải xác thực khuôn mặt. Khuôn mặt được xác thực khớp đúng với dữ liệu được lưu trữ trong chip của căn cước công dân thì giao dịch mới thành công.
VietinBank đã xác thực khuôn mặt cho hơn 5 triệu khách hàng
Theo Ngân hàng Nhà nước, giải pháp này nhằm bảo đảm an toàn giao dịch cho khách hàng, tránh bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Là ngân hàng thương mại Nhà nước chủ lực, trụ cột của nền kinh tế,
Cán bộ VietinBank hướng dẫn khách hàng xác thực sinh trắc học - Ảnh: VTB
Đánh giá về việc thực hiện sinh trắc học, ông Trần Công Quỳnh Lân - phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết giải pháp này là một bước tiến lớn, mang lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng và ngành ngân hàng nói chung.
"Chúng ta đã làm sạch được hệ thống tài khoản trên ngân hàng, tăng cường mức độ bảo mật, an toàn cho khách hàng và vẫn đảm bảo được giao dịch thông suốt. Giao dịch bây giờ còn thực hiện nhiều hơn. Người dân cảm thấy an tâm hơn đối với việc chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng", ông Lân nhấn mạnh.
Là khách hàng lâu năm của VietinBank, chị Phạm Hoàng Hạnh chia sẻ, từ khi cập nhật xác thực giao dịch bằng sinh trắc học, người dùng cảm thấy yên tâm mỗi lần chuyển tiền và kể cả để tiền trong tài khoản cũng không sợ bị tội phạm mạng chiếm đoạt.
Theo Ngân hàng Nhà nước, kể từ khi ngành ngân hàng tích cực đẩy mạnh thu thập và xác thực bằng sinh trắc học, số lượng vụ lừa đảo mất tiền của khách hàng trong tài khoản giảm rõ rệt.
Trong đó, số lượng khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng đầu năm. Số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo trong tháng 8 cũng giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm nay.
Khách hàng trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số của VietinBank - Ảnh: VTB
100% khách hàng sẽ được định danh tài khoản
Nhằm đảm bảo an toàn giao dịch tài chính, VietinBank cho biết tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, làm sạch dữ liệu. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo 100% khách hàng cá nhân tại VietinBank được đối chiếu với thông tin sinh trắc học trong căn cước công dân gắn chip hoặc qua ứng dụng VneID.
Cùng với đó, VietinBank sẽ thúc đẩy ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc đánh giá mức độ khả tín khách hàng vay, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
"Từ giờ cho tới cuối năm, VietinBank sẽ tích cực truyền thông và hỗ trợ khách hàng trong việc định danh tài khoản. Mục tiêu hướng đến là làm sạch được toàn bộ tài khoản. Và đến đầu năm 2025, tất cả các khách hàng đều có thể được định danh tài khoản và thực hiện được giao dịch trực tuyến" - ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ.
Với triết lý hoạt động "khách hàng là trung tâm", cùng với việc đẩy mạnh xác thực sinh trắc học phòng ngừa gian lận, bảo vệ khách hàng khi giao dịch trực tuyến, VietinBank cũng tăng cường triển khai các sản phẩm dịch vụ hiện đại, với hàm lượng công nghệ cao, mang đến sự thuận tiện cùng những trải nghiệm tốt hơn, hoàn thiện hơn cho khách hàng.
Tính hết quý 3, ứng dụng VietinBank iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục thu hút hơn 8,6 triệu khách hàng sử dụng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng giao dịch đạt tới 1.377 triệu, tăng hơn 75,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉ trọng giao dịch qua kênh iPay đạt hơn 92% tổng giao dịch khách hàng cá nhân.
Link nội dung: https://tbngaynay.com/vietinbank-dinh-danh-khach-hang-de-ngan-chan-nan-lua-dao-a173649.html