Vì sao tuyển Việt Nam không được đá trên sân Mỹ Đình

TP - Ngày 14/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) xác nhận đội tuyển Việt Nam sẽ đá 2 trận sân nhà vòng bảng ASEAN Cup 2024 trên sân vận động Việt Trì (Phú Thọ). Phương án sân vận động quốc gia Mỹ Đình sẽ được tính tới nếu thầy trò HLV Kim Sang-sik giành quyền vào bán kết và chung kết.

Vì sao tuyển Việt Nam không được đá trên sân Mỹ Đình ảnh 1
HLV Kim Sang-sik đối diện nhiều thử thách ở ASEAN Cup 2024. Ảnh: Anh Đoàn

Tại vòng bảng ASEAN Cup 2024, đội tuyển Việt Nam chung bảng B với Indonesia, Philippines, Myanmar và Lào. Theo lịch thi đấu, thầy trò ông Kim Sang-sik sẽ có 2 trận trên sân nhà, với Indonesia ngày 15/12 và Myanmar ngày 21/12.

Ban đầu, VFF lên kế hoạch tổ chức 2 trận đấu trên tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Tuy nhiên do ngày 7/12 tại Mỹ Đình diễn ra chương trình ca nhạc khá lớn gây lo ngại về chất lượng mặt cỏ, VFF đã báo cáo Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) để chọn sân Việt Trì làm sân nhà.

Dù có sức chứa chỉ 20.000 người (bằng ½ sân Mỹ Đình), sân Việt Trì có chất lượng tốt, từng được chọn làm nơi tổ chức nhiều trận đấu quốc tế của các ĐTQG. Sự kiện lớn nhất sân Việt Trì từng đăng cai là các trận vòng bảng SEA Games 32 của đội tuyển U23 Việt Nam. Theo đánh giá của AFF, sân Việt Trì đáp ứng đủ tiêu chuẩn về các phòng chức năng, mặt cỏ…

Trả lời phóng viên Tiền Phong, một quan chức VFF cho biết: “Trước mắt chúng tôi xác định tại vòng bảng, đội tuyển Việt Nam sẽ đá 2 trận tại đây. Chất lượng sân Việt Trì tốt sẽ đảm chuyên môn thi đấu của 2 đội. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc và có phương án tối ưu khi đội tuyển Việt Nam vào bán kết”.

Theo kế hoạch, từ ngày 22/11 tới, đội tuyển Việt Nam sẽ có chuyến tập huấn tại Hàn Quốc trong hơn 10 ngày. Tại đây, HLV Kim Sang-sik sẽ dành thời gian ổn định lại hệ thống chiến thuật, xây dựng và củng cố bộ khung chính của đội. Thời gian qua, nhà cầm quân Hàn Quốc liên tục đưa ra nhiều thử nghiệm, dù vậy lối chơi của đội tuyển Việt Nam bị đánh giá là chưa thật sự thuyết phục.

Ở các trận giao hữu quốc tế gần đây, cả 3 tuyến của đội tuyển Việt Nam đều thiếu sự kết dính cần thiết, việc xáo trộn nhân sự thường xuyên cũng khiến các vị trí chưa ăn nhập với nhau. Tín hiệu tích cực với ông Kim Sang-sik là các chân sút trên hàng công như Tiến Linh (Bình Dương), Tuấn Hải (CLB Hà Nội) đều đang có phong độ khá ổn định. Tiền đạo Tiến Linh thậm chí dẫn đầu danh sách ghi bàn ở V-League với 7 bàn thắng cho Becamex Bình Dương.

Tuy nhiên, hàng tiền vệ lại gây nên nỗi lo khá lớn khi những gương mặt hàng đầu chưa lấy lại được phong độ cũng như tinh thần thi đấu. Hai cái tên khiến giới mộ điệu ưu tư nhiều nhất phải kể đến Nguyễn Quang Hải (CAHN) và Hoàng Đức (Phù Đổng Ninh Bình).

Cả 2 chơi thiếu nổi bật nếu không muốn nói là có phần mờ nhạt ở những trận đấu gần đây của đội tuyển Việt Nam. Trong khi đó, Tuấn Anh, Hùng Dũng đều có phấn đuối sức, không đạt thể trạng sung mãn. HLV Kim Sang-sik có thể sẽ phải chờ sức bật từ những cầu thủ trẻ, Thái Sơn, Văn Trường, Đức Chiến…nhưng kinh nghiệm là vấn đề đặt ra đối với các cầu thủ này ở giải đấu nhiều sức ép như ASEAN Cup.

HLV Kim Sang-sik mới đây vẫn khẳng định, ông tự tin với mục tiêu vào chung kết của đội tuyển Việt Nam. Dù vậy, nhìn nhận một cách thực tế mọi yếu tố lúc này đều chưa thuận lợi để đội tuyển Việt Nam lấy lại vị thế số 1 trong khu vực Đông Nam Á. Không phải vô cớ khi đã có những quan điểm cho rằng VFF và BHL đội tuyển Việt Nam cần tạo cơ hội nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ, chấp nhận mạo hiểm để các nhân tố này rèn luyện, chuẩn bị cho cuộc đua dài hơi trong khu vực.

Link nội dung: https://tbngaynay.com/vi-sao-tuyen-viet-nam-khong-duoc-da-tren-san-my-dinh-a172513.html