Nữ sinh duy nhất trong đội tuyển Olympic Toán học quốc tế

Trương Thanh Xuân, nữ sinh duy nhất được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Toán học quốc tế (IMO), chia sẻ không thức khuya, không "cày đề" mà tìm kiếm "linh hồn", ý tưởng trong từng đề bài.
Olympic Toán - Ảnh 1.

Trương Thanh Xuân trong một giờ học ở Trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) - Ảnh: HÀ QUÂN

Còn lâng lâng niềm vui sau khi biết tin được chọn vào đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Toán học quốc tế, Trương Thanh Xuân, lớp 11 chuyên toán Trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh), nói với Tuổi Trẻ em rất phấn khích, hạnh phúc khi đạt thành tích vượt ngoài mong đợi.

Lấy chất lượng hơn số lượng

Tự nhận là típ người muốn thử thách, trải nghiệm, Trương Thanh Xuân bén duyên với toán học, càng học em càng thấy rằng "không phải do mình không làm được mà do mình nghi ngờ bản thân, chưa quyết tâm đến cùng, chưa có mục tiêu rõ ràng".

Về cách học, nữ sinh quê Bắc Ninh tâm sự dành thời gian 2-3 tiếng tự học vào buổi tối rồi nghỉ ngơi, không thức khuya vừa tránh ảnh hưởng tới sức khỏe vừa đảm bảo minh mẫn cho giờ học sáng hôm sau ở trường.

Em cũng rèn thói quen chọn lọc tài liệu kỹ lưỡng và lên thời khóa biểu chi tiết, tránh lãng phí thời gian. Ban đầu Xuân cảm thấy hoang mang vì kiến thức mới, nhiều, có nhiều bài giảng chưa hiểu hết nên phải dành thêm thời gian tự học, tự nghiên cứu ngoài giờ. Khi ấy em cũng chưa biết nhiều tài liệu, nên tìm tới anh chị khóa trên hướng dẫn, về sau tự tìm thêm kiến thức, cách giải hay trên Internet.

Olympic Toán - Ảnh 2.

Trương Thanh Xuân và thầy giáo chủ nhiệm sau giờ học ở Trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) - Ảnh: HÀ QUÂN

"Em quan niệm là không đặt áp lực quá nhiều cho bản thân phải đạt thành tích mà học toán theo hứng thú, sự vui vẻ. Mỗi khi học, em sẽ phân loại bài theo từng dạng nhất định và học hiểu sâu để biết "tại sao làm cách này chứ không phải cách kia", dấu hiệu gợi ý thế nào từ đề bài.

Đối với một bài toán, quan trọng nhất là tìm được ý tưởng gốc, đương nhiên sẽ phải dùng căn cứ A chứng minh mệnh đề B, ý tưởng gốc sẽ giải thích cách làm, mối quan hệ giữa các dữ kiện. Học toán để hiểu rõ bản chất sẽ tốt hơn làm nhiều bài.

Nếu gặp bài khó, bế tắc, em sẽ tìm việc khác nhẹ nhàng để đầu óc thư thái như nấu ăn, đi bộ, hát một bài mà em thích (dù không hay, cười)", Xuân nói thêm.

Bí mật rèn luyện tư duy

Olympic Toán - Ảnh 3.

Trương Thanh Xuân - Ảnh: HÀ QUÂN

Dù học toán cần nhiều thời gian, nữ sinh quê Bắc Ninh vẫn dành thời gian tham gia ngoại khóa như làm MC, tham gia câu lạc bộ tranh biện. Em coi đây vừa là cách giải trí vừa rèn luyện tư duy phản biện, logic, tư duy xử lý vấn đề. Gần nhất vào ngày 15-3, em còn làm MC cho một chương trình hội khóa trong trường.

Ngoài ra, Xuân còn tham gia câu lạc bộ tranh biện ở trường và giữ vị trí phó ban chuyên môn. Đây là nơi cô gái 17 tuổi cùng các bạn tham gia tranh luận xung quanh các chủ đề được gen Z quan tâm như ảnh hưởng của nghệ thuật với giới trẻ, quyền tác giả...

"Từ tranh biện, em học được cách lên ý tưởng, chọn lọc kiến thức, xây dựng luận cứ logic để tạo ra một chuỗi domino dẫn đến điều muốn nói và kết lại luận điểm súc tích nhất từ một ý tưởng mơ hồ ban đầu. Qua tranh biện, em học được phong thái tự tin, lắng nghe người khác phản biện và nêu quan điểm dựa trên căn cứ vững chắc. Toán học cũng vậy, tư duy phản biện khoa học hình thành khi chứng minh được tại sao là cách này chứ không phải cách kia, căn cứ từ đâu, chứng minh thế nào", Xuân bộc bạch.

Olympic Toán - Ảnh 4.

Trương Thanh Xuân và thầy giáo chủ nhiệm sau giờ học ở Trường THPT chuyên Bắc Ninh (Bắc Ninh) - Ảnh: HÀ QUÂN

Trương Thanh Xuân nói thêm em được truyền cảm hứng học toán từ chính người mẹ của mình. Mẹ em từng là học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). Từ bé, mẹ giúp em tiếp cận với toán nâng cao qua các bài toán đố, tư duy logic.

Thành tích đầu đời của Xuân chính là huy chương bạc khi tham dự cuộc thi Câu lạc bộ Toán tuổi thơ quốc gia khi học lớp 5. Sau đấy, em thi vào lớp chuyên toán ở Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo (Bắc Ninh) và liên tiếp đạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh năm lớp 8 và giải ba khi học lớp 9. Sau đó, em thi đậu vào lớp chuyên toán Trường THPT chuyên Bắc Ninh.

Để chuẩn bị cho các kỳ thi khó khăn, thử thách hơn sắp tới, em sẽ lên kế hoạch bổ sung thêm kiến thức, học thêm tiếng Anh để đọc nhiều tài liệu toán ở nước ngoài và hy vọng sẽ giành được huy chương.

"Nếu mình thay đổi cách nhìn nhận, tìm kiếm "linh hồn", ý tưởng trong từng bài toán và hiểu tư duy của người ra đề thì sẽ cảm thấy học toán không hề khó. Nếu học toán máy móc, học mẹo để qua môn thì sẽ xa rời thực tế. Hãy nghĩ học toán giúp phát triển tư duy phân tích, logic trong giải quyết vấn đề và bổ trợ cho các môn học khác hoặc đơn giản là đi chợ tính tiền nhanh hơn cô bán hàng" - Xuân chia sẻ.

Olympic Toán - Ảnh 5.

Trương Thanh Xuân - Ảnh: HÀ QUÂN

Với giải nhì quốc gia, Trương Thanh Xuân được góp mặt vào vòng tuyển chọn đội tuyển thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) tại Úc vào mùa hè tới. Sau hai ngày thi, Xuân xếp thứ 4/48 thí sinh, trở thành 1 trong 6 người được chọn vào đội tuyển chính thức. Trước đó, Nguyễn Thị Việt Hà (Trường THPT chuyên Hà Tĩnh) là thành viên nữ đội tuyển IMO Việt Nam năm 2015. Gần đây nhất, năm 2020, đội tuyển IMO Việt Nam cũng có thành viên nữ là Chu Thị Thanh (Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc).

Kỳ nghỉ hè định mệnh

Theo thầy Lê Đăng Điển - giáo viên dạy toán Trường THPT chuyên Bắc Ninh, ban đầu Thanh Xuân chưa phải là học sinh có kết quả nổi bật. Năm lớp 10, em vẫn hơi mông lung về tương lai, muốn học đều các môn, lên kế hoạch ôn luyện IELTS do rất thích tiếng Anh và chưa có định hướng theo toán chuyên sâu.

Là giáo viên chủ nhiệm, thầy Điển lặng lẽ quan sát, phát hiện Xuân có tư duy nhanh nhạy, phân tích logic, thường có cách giải toán thông minh, khác biệt, đặc biệt là các bài liên quan tới tổ hợp. Điều này thôi thúc các thầy cô trong tổ toán động viên em tham gia khóa học hè ở trường.

Là nữ sinh duy nhất của tuyển trường (22 thành viên), Xuân ban đầu cũng ngại ngần, chưa dám đi thi song khi thực sự "vào guồng", em tạo ra hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. "Thời gian tới, các thầy cô và gia đình vẫn đồng hành, đứng sau động viên để em có thể đạt nhiều thành tích hơn nữa", thầy Điển nói.

Nữ sinh duy nhất trong đội tuyển Olympic Toán học quốc tế: Bí quyết là không đặt nặng thành tích - Ảnh 2.2 năm bỏ toán vẫn đoạt giải đặc biệt kỳ thi Olympic toán học sinh viên

Trần Ngọc Quỳnh Giang, sinh viên năm 3 Trường đại học Ngoại thương cơ sở II tại TP.HCM, đã đoạt giải đặc biệt tại kỳ thi Olympic toán học sinh viên và học sinh toàn quốc năm 2024.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề