Những người lặng lẽ giúp đại lễ thêm sạch đẹp

Họ âm thầm cặm cụi làm việc khi đêm xuống, rồi lặng lẽ ra về khi ánh ban mai bừng sáng. Cứ thế, người công nhân trong những ngày tháng tư lịch sử âm thầm góp sức cho niềm vui chung của dân tộc.
Những người lặng lẽ giúp đại lễ thêm sạch đẹp - Ảnh 1.

Những dịp lễ lớn, nhiều đêm anh Thiện cần mẫn làm đến khi trời hửng sáng - Ảnh: AN VI

Những đường chổi của họ như góp phần nhỏ làm bước chân anh lính trẻ thêm đẹp đẽ, kiêu hùng hơn.

Lượng khách đổ về TP.HCM lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) ngày càng đông. Khuya xuống, trên các tuyến đường rợp bóng cờ hoa, tiếng chổi xào xạc của người công nhân cũng vội vã hơn để âm thầm góp phần điểm tô vẻ đẹp thành phố.

Những người thầm lặng

Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) lúc 22h đêm vẫn chật kín người, dưới ánh đèn phố thị rực sắc màu, tiếng chổi tre của anh Lê Hồng Phát (23 tuổi) đều đều xào xạc.

Chàng trai trẻ làm việc không ngớt tay, bên trái giữ chắc cây chổi, bên phải đẩy liên hồi, từng động tác dứt khoát để kịp dọn sạch tuyến đường biểu tượng thành phố. Chốc chốc, anh Phát lại cúi nhặt vỏ chai kẹt dưới gốc cây hay moi từ bụi cây ly nhựa vứt bừa bãi.

Có những đoạn xe cộ đông đúc, bụi thổi vào mặt vào mắt, anh chỉ nheo mắt nhẹ rồi tiếp tục công việc. Chàng trai trẻ bén duyên nghề làm sạch đường phố đã hơn một năm. Mỗi ngày anh bắt đầu ca làm từ 15h, kết thúc khoảng 3-4h sáng hôm sau.

Cựu chiến binh đi xe máy hơn 1.300km vào TP.HCM xem diễu binh: 'Tôi đi ngắm hòa bình đất nước'ĐỌC NGAY

Đưa tay quệt mồ hôi trên má, chàng trai có nước da sạm nắng và nụ cười hiền tâm sự: "Mấy ngày cận lễ, không khí sôi động hẳn, mình dọn dẹp cũng vui lây và cố làm thật kỹ ở gần tuyến đường có diễu binh diễu hành, có nhiều người tới xem. 

Tụi mình phải làm sạch hết, kể cả nắp cống. Mệt thì có mệt, nhưng mà rất vui".

Với anh, được góp phần giữ gìn thành phố sạch đẹp là niềm tự hào. 

"Mình sinh ra ở đây nên thương TP.HCM lắm. Thấy đường phố sạch sẽ để sắp tới có lễ diễu binh diễu hành đẹp đẽ, tự nhiên mình thấy ấm lòng", anh tâm sự. 

Dù công việc âm thầm, nhưng Phát không hề chạnh lòng. Ngược lại, anh cảm thấy tự hào khi góp một phần nhỏ vào diện mạo rạng rỡ của TP.HCM tháng tư lịch sử .

"Ai cũng mong được đi xem diễu binh diễu hành, còn tụi mình âm thầm dọn dẹp từng chiếc lá, từng vỏ chai nước để mọi người có không gian xanh sạch đẹp, vui chơi thoải mái", anh trải lòng.

Đây không phải lần đầu chàng trai trẻ làm việc ngày lễ, Tết. Một trong nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất với anh Phát là vào đêm giao thừa năm ngoái khi đang quét rác thì pháo hoa bất ngờ bắn lên trời.

"Mình dừng chổi, ngẩng lên nhìn pháo hoa mà rưng rưng. Không hiểu sao nước mắt lại chảy. Có lẽ vì lần đầu tiên mình cảm thấy rõ ràng rằng mình đang làm gì đó có ích cho thành phố, dù là rất nhỏ", anh Phát xúc động kể lại.

Không chỉ anh Phát, nhiều công nhân quét rác khác cũng đang âm thầm làm việc với niềm tự hào tương tự. Đơn cử như anh Thiện, người gắn bó với công việc này hơn hai năm.

Vào dịp lễ lớn, anh và đồng nghiệp phải chia ca làm việc đến gần sáng. 

"Nhiều hôm làm xong ngẩng đầu nhìn trời đã sáng, nhưng quen rồi. Mệt thì nghỉ một chút, rồi làm tiếp. Vì việc này vừa giúp mình có thu nhập, vừa cảm thấy mình có ích", anh Thiện chia sẻ.

Những người lặng lẽ giúp đại lễ thêm sạch đẹp - Ảnh 2.

Chị Vinh trải qua nhiều đêm quét rác đầy kỷ niệm trong các ngày lễ lớn - Ảnh: AN VI

Có niềm tự hào riêng

Điều khiến anh Thiện gắn bó với công việc không chỉ cơm áo, mà còn là sự yên bình của thành phố. 

"Mình sinh sau ngày hòa bình, không trải qua chiến tranh, nhưng mình vẫn luôn trân trọng và hiểu được giá trị của hòa bình. Nếu không có ngày 30-4-1975, có khi mình không được cuộc sống yên ổn như hôm nay. Nên dù làm nghề gì, chỉ cần có tâm với việc mình đang làm thì cũng đang giữ gìn sự bình yên đó", anh Thiện tâm sự.

Cũng trên tuyến đường nhộn nhịp bậc nhất thành phố mang tên Bác, anh Thịnh (41 tuổi) đang cặm cụi bên chiếc xe đẩy rác của mình. Dịp này, khách du lịch đổ nhiều về thành phố, lượng xe rác anh phải đẩy tăng gần gấp 10 lần. 

"Bình thường đi cả 500m mới đầy xe, giờ tầm 50m là lưng lưng rồi. Chúng tôi phải đẩy ra tới xe lớn ngoài kia", anh Thịnh kể.

Niềm vui của anh Thịnh, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, là khi thấy mọi người bỏ rác đúng nơi quy định. Hay trong lúc trò chuyện với chúng tôi, nhiều khách nước ngoài tới chỗ xe anh để bỏ rác, họ nhẹ nhàng gật đầu và nói cảm ơn bằng tiếng Anh.

"Có hiểu gì đâu, cứ biết thank you là cảm ơn thôi, nhiều ông còn bắt tay nói một làu mình chỉ cười gật đầu. Nhiều khi thấy vui trong lòng, họ không sợ bẩn tay, chìa tay bắt tay cảm ơn mình", anh Thịnh nói về niềm vui giản đơn của những người quét rác.

Tạm dừng tay, anh bước lên vỉa hè rút trong túi một chai nước ra tu một hơi rồi lại vội vã trở lại với công việc. Anh nói phải cố làm thật nhanh, thật kỹ vì đây là bộ mặt của thành phố, nếu rác rến vương vãi bản thân anh cũng tự cảm thấy xấu hổ.

Những người lặng lẽ giúp đại lễ thêm sạch đẹp - Ảnh 3.

Những công nhân quét rác như anh Thịnh lặng lẽ góp phần giúp ngày vui dân tộc thêm trọn vẹn - Ảnh: AN VI

Đất nước hạnh phúc vậy, tôi thấy mình cũng góp một phần nhỏ giữ cho thành phố thêm sạch đẹp, cho niềm vui thêm trọn vẹn.

Chị NGÔ THỊ VINH

"Không góp tiền thì góp sức"

Rời xa con đường nhiều màu sắc ở trung tâm thành phố, gần 1h sáng, chúng tôi vẫn thấy lác đác vài bóng người với bộ đồng phục màu cam, điểm nhấn là viền vàng phản quang.

Chị Ngô Thị Vinh (44 tuổi) lý giải những người được giao quét rác ở khu vực nằm ngoài trung tâm thành phố như chị thường sẽ bắt đầu làm việc lúc 20h tối. 

"Tại ở đây không đông khách ăn uống nên lượng rác cũng không quá nhiều. Mình gom đến khuya quét một lần là xong", chị Vinh nói thêm.

Với công nhân quét rác như chị Vinh, chẳng có ngày nào là ngày nghỉ kể cả cuối tuần hay lễ lớn, họ vẫn lặng lẽ giữ cho từng con hẻm, góc phố sạch sẽ.

"Bởi chỉ cần rác ứ đọng một ngày, cảnh quan xấu đi, bà con lại phiền lòng. Sắp tới lễ 30-4, mình không có nhiều điều kiện thì tự động viên bản thân nỗ lực quét dọn sạch sẽ xem như góp sức cho niềm vui của đất nước, không góp tiền thì góp sức vậy", chị Vinh thật thà nói.

Trên chiếc xe đẩy nặng mùi, chị Vinh còn treo lủng lẳng thêm chiếc bao tải lớn. Chị cười giải thích đó là nguồn kiếm thêm của chị. 

"Mấy ngày này nhiều khách du lịch, đặc biệt là ở gần các khách sạn, thải vỏ chai nhựa và lon khá nhiều. Mình đem theo bao gom vậy kiếm thêm mấy đồng, cũng được 6.000 đồng/kg", chị Vinh nói.

14 năm rong ruổi khắp nẻo đường với cây chổi trên tay, chị Vinh vẫn xúc động khi nhớ về những thời khắc kỷ niệm của đất nước: "Tôi nhớ như in đêm đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup năm 2018".

Lúc đó, chị đang quét ở đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), người dân đổ ra đường mừng chiến thắng, cờ đỏ sao vàng rợp trời. Ai cũng hò reo, ôm nhau, nhảy múa, chỉ mình nữ công nhân đứng bên lề, tay vẫn cầm chổi, vừa làm vừa nhìn dòng người cuộn trào mà nước mắt hạnh phúc cứ rơi.

"Đất nước hạnh phúc vậy, tôi thấy mình cũng góp một phần nhỏ giữ cho thành phố thêm sạch đẹp, cho niềm vui thêm trọn vẹn", chị Vinh trải lòng.

Cứ như thế, anh Phát, anh Thiện hay chị Vinh vẫn âm thầm làm việc trong những ngày đất nước trọn niềm vui. Họ gom từng túi rác, quét từng mảnh giấy vụn, đẩy từng chuyến xe chất đầy rác để khi bình minh lên thành phố lại càng thêm sạch đẹp…

"Mình dừng chổi, ngẩng lên nhìn pháo hoa mà rưng rưng. Không hiểu sao nước mắt lại chảy. Có lẽ vì lần đầu tiên mình cảm thấy rõ ràng rằng mình đang làm gì đó có ích cho thành phố, dù là rất nhỏ", anh Phát xúc động kể.

Lặng lẽ giúp đại lễ thêm sạch đẹp - Ảnh 4.Người thương binh kiên cường và tình yêu đẹp

Đất nước thống nhất, anh chiến sĩ thông tin Vũ Hồng Thái tưởng phải nằm liệt hết quãng đời còn lại trong trại thương binh.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề