Những 'cú sốc' du học

TPO - Chuyện về những du học sinh giỏi và thành công luôn vẽ lên bức tranh tươi sáng khiến nhiều người ngưỡng mộ và coi là đích đến. Nhưng có một góc tối - nơi nhiều bạn trẻ không tránh khỏi những cú sốc vì ôm mộng du học nhưng đổi lại là triền miên nợ môn, áp lực chi tiêu đến mức trầm cảm nơi xứ người.
Những 'cú sốc' du học ảnh 1
Một du học sinh ở Pháp trong căn phòng trọ của mình

Đổ tiền tỉ về lái xe ôm

Trong mơ Minh Tân (sinh năm 2001, ở Hà Nội) cũng không thể ngờ ở ngưỡng cửa đẹp nhất cuộc đời, khi đang là sinh viên năm 2 ngành ngành Khoa học máy tính (ĐH Bách Khoa Hà Nội), kiêm Chủ tịch CLB tiếng Anh mình lại có những ngã rẽ không ngờ sau 2 năm du học ngành Khoa học máy tính ở Úc.

Có chứng chỉ IELTS đạt 7.5, hoạt ngôn, Tân được coi là "nhân viên xã hội" bởi luôn giải đáp những thắc mắc của các du học sinh.

Nhưng rồi Tân gặp vấn đề về quản lý chi tiêu, khiến triền miên phải ăn mì gói. Đỉnh điểm năm 2022 - thời điểm thi học kỳ, Tân bị COVID-19 rất nặng, một mình em phải chiến đấu với bệnh tật và trượt một số môn thi.

Với mức học bổng chỉ 30%, trong khi tổng các khoản chi trả mỗi năm khoảng 700 triệu đồng, Tân phải lo khoảng 200-300 triệu tiền nhà, cộng thêm tiền sinh hoạt phí mà không sự hỗ trợ từ gia đình.

Cậu bắt đầu làm thêm từ 22h tối đến 6h sáng hôm sau. "Trước khi đi, các trung tâm du học hứa hẹn về tương lai đi làm thêm đơn giản lắm. Du học sinh khác bên này ai cũng thế, đều sang đây kiếm rất nhiều tiền. Nhưng tiêu cũng rất nhiều”- Tân nói.

Vì áp lực làm thêm, mỗi học kỳ cậu lại trượt ít nhất 1-2 môn và không về Việt Nam lần nào trong 2 năm vì không có tiền. Năm thứ hai học ở Úc, nhiều khó khăn xảy ra cùng lúc, Tân rơi vào trầm cảm và bỏ học về Việt Nam vào tháng 6/2023.

Mất định hướng khá lâu, không muốn bố mẹ phải lo nghĩ nhiều, Tân đi học lái xe bằng B2 và bắt đầu rong ruổi mưu sinh bằng những cuốc xe, dang dở sự nghiệp học hành, tương lai bất định. Chu trình cứ lặp đi lặp lại, mỗi ngày cậu chạy xe chở khách rồi 3 lần về nhà nấu ăn cho em trai bị tự kỉ để bố mẹ yên tâm công việc.

Nguyễn Quang (sinh năm 2000, ở Hải Phòng) nhận học bổng một phần học lập trình và marketing tại trường ĐH Deakin (Úc). Áp lực khiến Quang trượt môn và trầm cảm nên chuyển sang trường khác ở Úc để tiếp tục học.

“Em nhận ra mình bị trầm cảm từ 2020 nhưng mất 1 năm để đủ lấy tinh thần đi khám tâm lý. Ở đây tiền khám không mất nhưng tiền đi trị liệu mỗi lần mất khoảng 25 USD”, Quang chia sẻ.

Kim Oanh sinh năm 2001 ở TP.HCM lại ở hoàn cảnh khác. Sang Pháp với chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.5 để học ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, em vẫn giao tiếp và học tập chật vật vì ở Pháp tiếng Anh không thông dụng.

Oanh chỉ có một người bạn nước ngoài thân thiết. Ở nhà vốn không phải làm gì nên sang đây mọi thứ khiến em khó thích nghi. Học đến 4 năm ở Pháp, Oanh vẫn chưa qua được môn thi đầu tiên.

“Bác sĩ kết luận em bị rối loạn đa nhân cách, tâm thần phân liệt nên phải đi gặp bác sĩ hằng tuần. Cuộc sống của em gói gọn trong căn phòng nhỏ với quần áo la liệt, nuôi cả mèo và mấy con chuột làm bạn cho đỡ cô đơn. Công việc hằng ngày làm bảo mẫu cho 1 vài gia đình để kiếm thu nhập và không quên chụp ảnh và ghi lại cảm xúc của bản thân gửi bác sĩ trị liệu”, Oanh bộc bạch.

Theo báo cáo, số người Việt du học tăng đều các năm, bằng nhiều con đường, ước tính hiện trên 250.000 người. Tính riêng diện tự túc, mỗi năm tăng khoảng 10.000 người.

Một vài thống kê tự phát cho thấy, có đến gần 25% du học sinh từng bị trầm cảm, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực.

Trên một diễn đàn với sự góp mặt của hơn 16.000 người, nhiều du học sinh đã chia sẻ về những khó khăn, mệt mỏi về tâm lý của bản thân trong quá trình đi du học, có rất nhiều các trường hợp đã từng đối mặt với trầm cảm vì nhiều lý do khác nhau.

Trong đó các nguyên nhân chính được nhắc đến đối với tình trạng trầm cảm khi đi du học như: Không thích nghi được với môi trường mới; rào cản về ngôn ngữ; khó khăn về tài chính; chương trình học quá nặng; kỳ vọng quá nhiều từ người thân, gia đình; sự phân biệt đối xử...

Nên chuẩn bị kĩ

Chị Đinh Quỳnh Ngọc (Hà Nội) có hai con học ngành Khoa học ở Canada và ngành nghệ thuật ở Mỹ cho rằng, có rất nhiều thứ bố mẹ cần chuẩn bị cho con trước khi đi du học. Bố mẹ và con cái cần hiểu cuộc sống 1 mình bên xứ người rất khó khăn.

“Mình không thể yêu cầu con tự túc chi phí bên kia được, việc học đã rất khó rồi làm sao đòi hỏi con vừa học vừa làm. Một đứa trẻ 18,19 tuổi vừa bước vào đời nếu cha mẹ không lo được về tiền bạc mà phải ôm gánh nặng đó nữa thì thực sự là quá sức. Vì thế tiền bạc cần thuộc trách nhiệm của cha mẹ.

Quan trọng là gia đình luôn phải sát cánh, cho con luôn yên tâm và có việc gì cần thì chia sẻ với gia đình. Gặp những tình huống dù nhỏ hay to đều phải động viên chứ không nên chỉ trích Cần cho con thấy có chỗ dựa, thất bại đi nữa thì con có đường lui chính là gia đình", chị Quỳnh nêu quan điểm.

TS tâm lý Vũ Thu Hương có con du học ngành Quản lý khách sạn ở Úc cho rằng, phụ huynh cần xác định du học là cuộc sống tại một nơi vô cùng xa lạ, phải có kĩ năng sống tốt để kết hợp giữa làm thêm và học tập.

"Vì thế, hãy chuẩn bị thật sớm cho con những kĩ năng khả năng ngoại ngữ, quản lý tài chính, khả năng tự chăm sóc bản thân, quản lý thời gian cũng như biết thận trọng trong việc kết bạn", TS. Hương nói.

Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.