Những chuyến về quê đón Tết ngắn ngủi

Như thường niên, những ngày gần Tết, nhiều dòng người rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tay xách nách mang, vội vã lên những chuyến xe, chuyến tàu hay chạy xe máy hàng trăm cây số về quê.
Những chuyến về quê đón Tết ngắn ngủi - Ảnh 1.

Hành khách lên xe về quê tại bến xe Miền Đông mới chiều 20-1 - Ảnh: T.T.D.

Họ là những người con của miền Tây, miền Trung, những vùng quê bao năm nay vẫn miệt mài tiễn người đi mà chưa thể giữ chân họ ở lại.

Trong câu chuyện của những Chuyến xe mùa xuân đưa 2.000 sinh viên, người lao động từ TP.HCM về quê đón TếtNhận quà Tết trong viện, người mẹ rưng rưng khi con hỏi Tết này có được về quê khôngLo thông suốt cho đường về quê ăn Tết

Năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hàng triệu lao động đã hồi hương với niềm hy vọng tái lập cuộc sống nơi chôn nhau cắt rốn.

Nhưng quê hương lại chưa sẵn sàng đón họ. Không việc làm, không đất sản xuất, sinh kế bấp bênh khiến nhiều người lại phải rời quê, tiếp tục hành trình mưu sinh nơi đất khách.

Vòng xoáy "ly nông, ly hương" cứ thế lặp lại qua nhiều thế hệ trong nhiều thập niên qua. Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL gọi đó là "vòng xoáy đi xuống" của vùng ĐBSCL với con số thống kê trong 10 năm đã có hơn 1,3 triệu người ĐBSCL xuất cư khỏi vùng.

Vòng xoáy lao động với tình trạng thiếu việc làm tại chỗ, phần lớn người trẻ tuổi bị "đẩy" ra khỏi vùng, lên TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, dẫn đến sự suy giảm trầm trọng số lượng lẫn chất lượng lao động.

Từ lâu, lực lượng lao động nhập cư là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Họ là công nhân trong các khu chế xuất, khu công nghiệp; là người lao động trong ngành dịch vụ, xây dựng, giao hàng... đóng góp trực tiếp vào sự tăng trưởng kinh tế.

Nhưng sự phát triển này cũng đặt ra vấn đề lớn về phúc lợi xã hội cho lao động nhập cư. Họ có thể làm việc ở thành phố, nhưng khó sở hữu một ngôi nhà ở đây.

Họ đóng góp vào kinh tế địa phương, nhưng con cái họ gặp khó khăn trong tiếp cận giáo dục, y tế. Khi về già, nhiều người lại phải trở về quê, bắt đầu lại từ đầu với những bất an về thu nhập và an sinh.

Hành trình về quê ăn Tết của người lao động đặt ra bài toán về phát triển hài hòa các vùng miền, đặt ra những câu hỏi lớn về chính sách phát triển.

Làm sao để giảm bớt sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, để những người trẻ không phải rời bỏ quê hương vì miếng cơm manh áo?

Các nước châu Âu phát triển mô hình đô thị trong rừng, rừng trong đô thị, xóa cách biệt lớn giữa đô thị và nông thôn bằng những chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, kỹ thuật cho vùng khó; phát triển kinh tế vệ tinh quanh các đô thị lớn để tạo việc làm tại chỗ.

Trung Quốc có chính sách giúp người lao động nhập cư hòa nhập tốt hơn với đô thị mà vẫn giữ gắn kết với quê hương. Các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải có chính sách quản lý hộ khẩu giúp lao động ngoại tỉnh tiếp cận dịch vụ công.

Ở Việt Nam, liên kết vùng giữa TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL tuy được quan tâm, nhưng còn nhiều hạn chế.

Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, dòng vốn đầu tư vào nông thôn chưa đủ mạnh. Nếu không có chính sách kinh tế - xã hội hài hòa, làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị sẽ còn tiếp diễn.

Chỉ khi quê hương có việc làm, có thu nhập ổn định, người lao động sẽ không còn phải rời bỏ làng quê. Và những chuyến xe về quê ăn Tết sẽ không còn là cuộc trở về ngắn ngủi, mà là một hành trình thực sự của đoàn viên, an cư và hạnh phúc.

Những chuyến về quê đón Tết ngắn ngủi - Ảnh 1.Người nhập cư vào TP.HCM giảm: Không buồn, mà đáng mừng!

Nhiều bạn đọc trải lòng về lý do số lượng người nhập cư vào TP.HCM giảm, trong đó có những nỗi niềm và cả sự kỳ vọng về sự đổi thay của "miền đất hứa".